Những nổ lực của ngành giáo dục và Đào tạo sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 20/2011 của HĐND tỉnh
EmailPrintAa
14:15 31/07/2014

Ngày 16/12/2011, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND về Phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo nhằm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Khóa XVII (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 20). Trên tinh thần này, Nghị quyết số 20 đã giúp cho ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nhanh chóng khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, từ đó tạo bước phát triển đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong thời gian tới cho tỉnh nhà.

Kết quả giám sát, kiểm tra thực tế của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh mới đây cho thấy, Nghị quyết số 20 đã được ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh nhà triển khai khá bài bản, đồng bộ từ sở đến các đơn vị, cơ sở giáo dục đào tạo trong toàn tỉnh. Sau hơn 2 năm thực hiện, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh đã có những cố gắng nỗ lực, quyết tâm bám sát thực hiện mục tiêu chung Nghị quyết đã đề ra đó là: quy mô giáo dục đã có bước phát triển cân đối, hợp lý; các nhà trường từng bước được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; mạng lưới các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân. Chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được giữ vững và nâng cao; chất lượng mũi nhọn có nhiều tiến bộ, đạt được nhiều kết quả xuất sắc tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.

Đối chiếu với từng mục tiêu cụ thể, thì bậc học Mầm non có nhiều chuyển biến rõ nét nhất. Từ một bậc học có cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ; đội ngũ giáo viên trình độ không đồng đều, sau khi Nghị quyết 20 được ban hành và xác định lộ trình chuyển đổi loại hình trường từ bán công sang công lập (đến Quý I năm 2014), đến nay tỉnh ta đã có một hệ thống trường mầm non với cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn phù hợp, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao; tạo được niềm tin của người dân và huy động được trẻ trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ mẫu giáo 5 tuổi thuộc đối tượng phổ cập, đạt tỷ lệ 100%, góp phần đưa tỉnh ta hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2013 theo đúng mục tiêu Nghị quyết 20 đặt ra; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở mầm non là 5,80%, giảm dưới mức mục tiêu Nghị quyết đưa ra là 7,00%.  

Về bậc học giáo dục phổ thông, cấp Tiểu học đã cơ bản đạt các mục tiêu Nghị quyết 20 đề ra. Tiêu chí huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,5%; duy trì tốt số trẻ trong độ tuổi ở các trường Tiểu học; tổ chức dạy học buổi 2 theo hướng nhẹ nhàng, hiệu quả, số học sinh được học 2 buổi/ngày chiếm tỷ lệ 90,40%; số trường tiểu học có tổ chức dạy Tiếng Anh đạt tỷ lệ 95,5%; toàn tỉnh có 93/262 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (tỷ lệ 35,5%). Cấp Trung học cơ sở đã đạt được mục tiêu huy động 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, học sinh khá giỏi chiếm tỷ lệ 49,43%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 96,7%; thực hiện nội dung trường liên xã để đảm bảo quy mô số lớp theo mục tiêu Nghị quyết đưa ra, đến nay cơ bản các Trường THCS được quy hoạch đã thực hiện việc sáp nhập theo đúng lộ trình. Sau sáp nhập, đa số các trường đã ổn định tổ chức dạy học đảm bảo chất lượng và tiến hành xây dựng quy hoạch, xác định điểm đặt trường mới. Cấp Trung học phổ thông tiếp tục duy trì, tổ chức các hoạt động và chất lượng dạy học đạt kết quả khá. 48,4% học sinh đạt loại khá, giỏi; 92% học sinh được xếp loại hạnh kiểm khá trở lên. Cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, đáp ứng tốt các nhu cầu dạy học. Đến nay đã có 20/44 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. Việc thực hiện mục tiêu học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đã đảm bảo được tỷ lệ 80%. Riêng Trường THPT Chuyên, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, cơ sở vật chất đã được tăng cường đầu tư, công tác thu hút, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cho trường THPT Chuyên được quan tâm. Trường THPT Chuyên đã đạt trường chất lượng cao của tỉnh và quốc gia; giữ vững được vị trí là một trong mười tỉnh thuộc tốp dẫn đầu cả nước về học sinh giỏi quốc gia; đứng thứ 3 về chất lượng điểm thi vào đại học. Hàng năm có học sinh tham gia đội dự tuyển, đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc tế. Riêng năm 2013, đã có học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế.

 


Đồng chí Hoàng THị Cẩm Tú - TUV, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc với Trường chuyên tỉnh 

 

Về bậc học giáo dục Đại học và giáo dục Nghề nghiệp, Trường Đại học và các trường Cao đẳng trên địa bàn đã có sự điều chỉnh quy mô, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo quy hoạch của tỉnh. Hệ thống các cơ sở giáo dục Nghề nghiệp được sắp xếp lại và phân cấp quản lý các Trung tâm DN - HN-GDTX cho cấp huyện quản lý, đảm bảo thống nhất, tinh gọn, hiệu quả và trở thành mô hình cho nhiều địa phương trong nước học tập. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề được đầu tư tăng cường đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học nghề trong xã hội. Hoạt động giảng dạy và công tác nghiên cứu khoa học nhìn chung được các trường quan tâm, xem đây là hoạt động quan trọng trong nhà trường.

Cùng với việc đạt các mục tiêu, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 20, một số giải pháp cũng được quan tâm thực hiện như: Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực; việc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo các Chuẩn được chỉ đạo thực hiện ngày càng thực chất, sát đúng hơn; một số địa phương đã chủ động trong việc tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ để từng bước giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư. Việc đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học được quan tâm chỉ đạo thực hiện từ cấp sở đến từng trường học; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như trong dạy và học; công tác thanh tra tiếp tục được đổi mới. Công tác xã hội hoá ngày càng được phát huy mạnh mẽ hơn nhằm huy động mọi thành phần tham gia trong giáo dục, đào tạo. Đặc biệt là vai trò của các tổ chức đoàn thể, xã hội và gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Cùng với nguồn đầu tư từ ngân sách, các địa phương, đơn vị đã tích cực huy động nguồn đóng góp từ nhân dân và doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Kết quả 2 năm (2012-2013), đã huy động được 187.649.000.000đ để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy học.

Bên cạnh kết quả đạt được tích cực nêu trên thì qua giám sát, kiểm tra thực tế của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng nhận thấy việc tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết 20 ở một số địa phương, đơn vị đang còn tồn tại, hạn chế; việc phổ biến tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân ở một số nơi chưa đạt yêu cầu.

Về kết quả một số mục tiêu cụ thể như trong Nghị quyết 20 đưa ra của bậc học giáo dục Mầm non đang còn thấp và khó có thể hoàn thành vào năm 2015 như: tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được huy động mới chỉ đạt 61,55% trên mục tiêu Nghị quyết là 80%; tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 25,7% trên mục tiêu Nghị quyết là 35%; tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mới chỉ đạt 45,49% trên mục tiêu Nghị quyết là 75%. Bậc học Giáo dục phổ thông, Cấp Tiểu học, mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2015 là 100% trường TH đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 60% đạt chuẩn mức độ 2, tuy nhiên mục tiêu này ước sẽ khó hoàn thành vì đến nay mới chỉ có 195/264 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 73,8%; mục tiêu dạy học Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 (4 tiết/tuần) tỷ lệ hiện tại là 41,05% trên mục tiêu Nghị quyết đặt ra đến năm 2015 là 100%; mục tiêu khuyến khích triển khai chương trình làm quen tiếng Anh từ lớp 1 chưa được quan tâm thực hiện kể cả ở những nơi có nhu cầu và đủ điều kiện. Cấp Trung học cơ sở, một số chỉ tiêu kết quả đạt được thấp, khó hoàn thành được mục tiêu Nghị quyết đề ra như chỉ tiêu trường THCS đạt chuẩn quốc gia, kết quả hiện có 89/159 trường đạt chuẩn, tỷ lệ 57,23% trên mục tiêu Nghị quyết là 80%; công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS học nghề dài hạn và trung cấp chuyên nghiệp mới đạt tỷ lệ 7,52% trên mục tiêu phấn đấu từ 10% đến 15%. Mục tiêu tăng tỉ lệ 40% học sinh học 2 buổi /ngày chưa tổ chức thực hiện được, thực tế các trường mới chỉ tổ chức thực hiện việc dạy tăng buổi. Cấp Trung học phổ thông, khó khăn nhất hiện nay là cơ sở vật chất của các trường THPT chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến khó đạt mục tiêu đến năm 2015 có 80% trường THPT đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hiện tại mới chỉ đạt 45,45%. Cơ sở vật chất trường THPT Chuyên vẫn còn thiếu, bất cập, chưa thu hút được học sinh giỏi ở xa về học; cảnh quan, môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Bậc học giáo dục Đại học và giáo dục Nghề nghiệp, mục tiêu tăng dần chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp một cách hợp lý để đáp ứng yêu cầu về số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, kết quả đạt còn thấp so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Kết quả năm 2013 số học sinh tốt nghiệp THCS vào bổ túc THPT là 3,9%, vào học nghề là 7,52%, trong khi Nghị quyết đưa ra đến năm 2015 có 35% đến 45% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT được tuyển vào học nghề dài hạn hoặc TCCN. Do vậy, mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 55%, ước tính khó có thể thực hiện được.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20 cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế khác như: Công tác quy hoạch tổng thể, chi tiết các trường học, nhất là bậc học mầm non và giáo dục phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế; tỷ lệ bố trí ngân sách chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục đào tạo giữa các địa phương thực hiện thiếu thống nhất. Thực trạng cơ sở vật chất, hệ thống các trường phổ thông trong toàn tỉnh vẫn còn sử dụng phòng cấp 4 đã xuống cấp. Sân chơi bãi tập, khu vệ sinh, hệ thống cấp điện, cấp nước của nhiều trường còn thiếu và không đồng bộ, không đảm bảo ánh sáng và vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, hoạt động tập thể, vui chơi giải trí và rèn luyện thể chất. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao nhưng thiếu tính bền vững.

Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhìn chung chất lượng không đồng đều. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; tình trạng dạy chéo môn vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý chưa theo kịp yêu cầu và thực tiễn đổi mới. Việc đổi mới công tác quản lý giáo dục còn hạn chế, chưa thúc đẩy, phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ sở giáo dục, đào tạo. Chính sách ưu tiên cho giáo viên công tác tại vùng khó khăn chưa được quan tâm đúng mức; chính sách tạo điều kiện về đất ở cho giáo viên được đưa ra trong Nghị quyết nhưng thiếu hướng dẫn nên chưa thực hiện được.

Về nội dung giáo dục và phương pháp dạy, nhìn chung chưa đáp ứng mục tiêu chung của Nghị quyết đưa ra là chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Việc khai thác, sử dụng các phòng học bộ môn, phòng thực hành, thư viện và các thiết bị dạy học ở một số trường còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều phong trào, hội thi trong các nhà trường còn nặng về hình thức, chưa tạo sự chuyển biến sâu sắc về ý thức, trách nhiệm, lối sống. Công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT còn tiến triển chậm, bộc lộ nhiều lúng túng, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp.

Công tác xã hội hóa chưa được nhận thức đầy đủ nên quá trình thực hiện ở các cơ sở giáo dục chủ yếu là kêu gọi nguồn đầu tư, sự hỗ trợ đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học. Việc đầu tư cho các Trung tâm học tập cộng đồng còn mang tính hình thức nên hoạt động không hiệu quả.

Để phát huy hiệu quả cũng như hoàn thành được các mục tiêu của Nghị quyết 20 đề ra đến năm 2015, Ngành Giáo dục và đào tạo sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm. Trước mắt, ngành cần tổ chức đánh giá tình hình và tham mưu nội dung cho UBND tỉnh ban hành các văn bản bổ sung, điều chỉnh giải pháp, chính sách đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt Đề án phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; xiết chặt kỷ luật, kỷ cương đội ngũ. Nghiêm túc chỉ đạo các cá nhân, đơn vị trong ngành chưa thực hiện tốt Nghị quyết, rút kinh nghiệm và khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện đồng bộ nội dung Nghị quyết. Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trên địa bàn nhất là công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương chính sách mới. Tập trung thực hiện tốt công tác khảo thí, kiểm định chất lượng, đánh giá đúng thực chất chất lượng học tập của học sinh; tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đầu cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.

Về phía các trường Đại học, Cao đẳng và cơ sở đào tạo chủ động, linh hoạt, bám sát nội dung Nghị quyết để xây dựng kế hoạch phát triển của đơn vị, đảm bảo bền vững, chất lượng, đúng tiến độ theo mục tiêu, lo trình Nghị quyết đã đề ra.

 


    Ý kiến bạn đọc