Nỗ lực cao nhất để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
EmailPrintAa
16:57 06/12/2020

Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định và phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế ngân sách đã thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, đầu tư phát triển năm 2020, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021 và các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về một số quy định, chính sách lĩnh vực kinh tế và ngân sách trình Kỳ họp thứ 18. Thay mặt Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả thẩm tra như sau:

Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu trình bày báo cáo thẩm tra về lĩnh vực kinh tế, ngân sách.

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 , ngay trong những ngày đầu năm 2020, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid 19), thời tiết cực đoan, nắng hạn gay gắt đầu năm và mưa lũ xảy ra trong tháng cuối năm tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống Nhân dân tỉnh nhà. Trong bối cảnh đó, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của UBND tỉnh và chính quyền các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó và từng bước phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội. Có 9/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kịp thời có các giải pháp, chính sách hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân bước đầu vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch Covid-19 và sau mưa lũ. Thu ngân sách nội địa đạt ước đạt 7.500 tỷ đồng tăng 3,7% so với cùng kỳ đảm bảo các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Kinh tế ngân sách thống nhất với những hạn chế theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cụ thể như sau:

Lĩnh vực nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến thời tiết và dịch bệnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp có dấu hiệu chững lại. Công tác lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh chậm. Công tác lập quy hoạch ở một số lĩnh vực, một số nơi chưa kịp thời. Nhiều dự án lớn, trọng điểm chưa được các nhà đầu tư triển khai đúng kế hoạch, tiến độ chậm nên ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn nhiều yếu kém nhưng chưa được khắc phục triệt để. Tiến độ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đạt yêu cầu, nhất là đất có nguồn gốc trước năm 1980 và đất cấp trái thẩm quyền...

Chủ trì kỳ họp

Về kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và năm 2021 , Ban Kinh tế ngân sách cơ bản nhất trí về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu kế hoạch 5 năm 2021-2025 và năm 2021 như các dự thảo Nghị quyết. Ban đề nghị quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và quốc gia. Thúc đẩy phát triển các vùng và khu kinh tế theo quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt và triển khai thực hiện. Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ như giao thông vận tải, cảng biển, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, đô thị, nông nghiệp... Tiếp tục xây dựng và triển khai có hiệu quả các Chương trình, Chiến lược của Trung ương. Xây dựng và nhân rộng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, trang trại chăn nuôi tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, bám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, khả năng cân đối vốn đầu tư. Nâng cao chất lượng Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác...

Về các t trình và dự thảo Nghị quyết trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách, Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và có một số ý kiến cụ thể như sau:

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về việc phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách địa phương năm 2019, Ban Kinh tế ngân sách cơ bản nhất trí với những nhận định, nguyên nhân tăng, giảm các chỉ tiêu kết quả thực hiện năm 2019 so với dự toán trung ương giao, dự toán HĐND tỉnh giao và so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Ban đề nghị một số vấn đề, cụ thể: Dự toán thu NSNN năm 2019 trên địa bàn xây dựng đảm bảo thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hiện hành. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2019 và xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, Ban Kinh tế ngân sách cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu tổng hợp về dự toán NSNN năm 2021 và đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm đến một số nội dung như sau:

Đối với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động các khoản thu trong năm 2021, tập trung các biện pháp để phấn đấu thu NSNN đạt mục tiêu đề ra của cả giai đoạn mà nghị quyết đại hội đảng bộ lần thứ XIX đề ra, đảm bảo các nhiệm vụ chi.

Về dự toán chi ngân sách địa phương năm 2021, cần được xem xét đảm bảo với tốc độ giảm thu ngân sách nội địa so với năm 2020. Cơ cấu chi NSNN cần có lộ trình để đảm bảo chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Tĩnh, Ban đề nghị quan tâm một số nội dung sau:

Về nguyên tắc chung, sớm có phương án kế hoạch tài chính, kế hoạch vay, trả nợ công của địa phương trong giai đoạn tiếp theo để việc phân bổ kế hoạch đầu tư công hiệu quả, đúng quy định.

Về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công nguồn cân đối ngân sách địa phương cho các ngành, đơn vị cấp tỉnh, đối với phần vốn còn lại cần nghiên cứu xây dựng tiêu chí tính điểm phân bổ cho từng ngành, lĩnh vực để đảm bảo công bằng giữa các ngành, lĩnh vực, đảm bảo công khai, minh bạch nguồn vốn đầu tư công; thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Ban cơ bản thống nhất với các mức thu theo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong thời gian tới, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp tỉnh nhà; đề nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát, trình HĐND tỉnh quy định miễn, giảm mức thu phí, lệ phí phù hợp, đặc biệt là các khoản phí, lệ phí có tác động lớn.

Đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh chưa trình tại Kỳ họp này, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở quản lý chuyên ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xây dựng phương án phí, lệ phí khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương và đảm bảo được các điều kiện để tổ chức thu phí, lệ phí.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, Ban đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện chủ trương đầu tư theo ý kiến thẩm định trước khi Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn: Đối với các dự án sử dụng ngân sách Trung ương, sau khi được có thông báo số vốn kế hoạch Trung ương giai đoạn 2021-2020 cần ưu tiên để thực hiện các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư. Đối với các dự án sử dụng ngân sách địa phương, cần bám sát nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hà Tĩnh để bố trí. Đối với các dự án thuộc đối tượng lập kế hoạch bảo vệ môi trường, đề nghị sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, Chủ đầu tư lập Kế hoạch Bảo vệ môi trường theo đúng nội dung quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 trình cấp có thẩm quyền xác nhận.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất năm 2021, Ban đề nghị: bổ sung vào phụ lục nghị quyết các căn cứ pháp lý theo quy định đối với các dự án còn thiếu thông tin, rà soát lại những dự án chưa đủ căn cứ pháp lý và chưa thực sự cấp bách thì chưa đưa vào Nghị quyết. Những công trình dự án đã đưa vào danh mục sau 03 năm mà chưa thực hiện thì phải đưa ra khỏi danh mục lần này theo quy định của Luật đất đai 2013, ngoại trừ những trường hợp cấp bách, cần thiết đã có ghi vốn cụ thể nhưng phải ghi chú giải trình rõ. Đối với việc thu hồi đất để thực hiện xây dựng các trụ sở cần xem xét đến hiện trạng các trụ sở không sử dụng, sau khi sáp nhập xã, sáp nhập thôn xóm và chuyển vị trí; để bố trí việc sử dụng đất, cũng như sử dụng tài sản hợp lý, tiết kiệm.

Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 194/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Ban đề nghị UBND tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá, tham mưu xây dựng chính sách cho giai đoạn mới đảm bảo phù hợp, phát huy hiệu quả; nghiên cứu tích hợp với Nghị quyết về cơ chế, chính sách xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp trong năm 2021.

Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Ban Kinh tế ngân sách thống nhất đề nghị HĐND tỉnh quyết định: Chuyển mục đích sử dụng 3,36ha, gồm 05 lô thuộc 03 khoảnh – tiểu khu 349A, nằm trên địa bàn xã Kỳ Ninh do Ủy ban nhân dân xã quản lý (0,25ha), hộ gia đình quản lý (3,11ha); hiện trạng là rừng trồng; để thực hiện dự án Nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng đoạn qua xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh.

Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư đô thị xứ Đồng Biền, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Ban đề nghị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 21-TB/TU ngày 17/11/2020. Sau khi thực hiện chấp thuận đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo đủ năng lực theo quy định của pháp luật tránh để dự án “treo”; Quyết định, phê duyệt chủ trương đầu tư với các nội dung theo đúng quy định; thực hiện đúng Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư đô thị xứ Đồng Biền và khu thể thao, sân vận động huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Đối với các Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về: điều chỉnh thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020 sang thực hiện đến hết năm 2021; quy định nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều thuộc hệ thống đê điều do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; một số chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, thị trường khoa học công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025; bãi bỏ chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn được quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 214/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 , Ban Kinh tế ngân sách đồng tình với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc