"Nóng" phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường
EmailPrintAa
16:41 17/07/2018

Bước sang ngày làm việc thứ 2 (17/7), kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII đã nghe báo cáo kết quả việc miễn nhiệm, bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh và tiến hành phiên chất vấn & trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực, nhóm vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
 

Phát biểu chỉ đạo phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho biết tại kỳ họp này sẽ tiến hành chất vấn trực tiếp 4 nhóm vấn đề về: nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, tài nguyên và môi trường và giáo dục, đào tạo. Đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ để phiên chất vấn thực sự trở thành diễn đàn của đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát tại kỳ họp; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, không né tránh, không ngại va chạm, thẳng thắn chất vấn. Các đại biểu đặt câu hỏi tập trung vào các nhóm vấn đề, lĩnh vực đã lựa chọn; nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung cần hỏi. Người trả lời chất vấn cần đi thẳng, trực tiếp vào nội dung câu hỏi chất vấn, đồng thời nêu rõ, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới, trong đó cần phải xác định rõ lộ trình, thời gian cụ thể sẽ giải quyết, xử lý để HĐND tỉnh và cử tri theo dõi, giám sát.

Giám đốc Sở Nông nhiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt trả lời chất vấn

 

Đăng đàn chất vấn đầu tiên, trả lời về các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn về Dự án chăn nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Nguyễn Văn Việt cho rằng sau khi đi vào hoạt động từ tháng 10/2015 đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu về kinh tế, xã hội, như: đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 248 người lao động/năm, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Qua đánh giá, việc liên kết sản xuất ngô sinh khối năng suất đạt 35-40 tấn/ha, mức giá thu mua tại ruộng từ 800 - 1.000 đồng/kg, cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng/ha/3 vụ năm), lợi nhuận 8 - 10 triệu đồng/ha cao hơn từ 1,5 - 2 lần trồng lúa, màu. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, Dự án chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, bước đầu hoạt động sản xuất kinh doanh đang thua lỗ; chưa đạt mục tiêu đầu tư đề ra theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh; công ty chưa thực hiện được việc nhập ngoài bò giống để nuôi sinh sản; chưa thực hiện được việc liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân... Thời gian tới, tỉnh sẽ yêu cầu Nhà đầu tư tổ chức sản xuất hiệu quả trên diện tích đất Công ty đã hoàn thành việc bồi thường, GPMB, đã sử dụng đầu tư thực hiện Dự án; tiếp tục phối hợp với Hội đồng đền bù, GPMB các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Công ty Cao su Hà Tĩnh, Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ rà soát lại chính xác số liệu diện tích đất đã bồi thường, GPMB đưa vào sử dụng, diện tích đã bồi thường nhưng chưa giải phóng mặt bằng, đang còn các tồn tại, vướng mắc để thống nhất có phương án xử lý dứt điểm. Tiếp tục chỉ đạo Công ty CP chăn nuôi Bình Hà tập trung hoàn thành việc rà soát tổng thể kết quả thực hiện dự án và xây dựng phương án, kế hoạch tái cơ cấu sản xuất kinh doanh thời gian tới đảm bảo khả thi, gửi các sở, ngành và địa phương.

Đối với hiệu quả kinh tế - xã hội về dự án trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh. Giám đốc cho biết: qua 20 năm theo dõi sự phát triển của cây cao su đã trồng trên địa bàn tỉnh cho thấy, cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt. Việc trồng cao su được các Công ty thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất trên đất dốc; quá trình chăm sóc vườn cây cao su đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, chấp hành nghiêm quy trình, thời vụ chăm sóc, nên đã hạn chế tối đa việc gây ảnh hưởng tới môi trường. Việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng, trong đó chủ yếu là người dân miền núi, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, các Công ty cần tập trung chăm sóc, bảo vệ, khai thác có hiệu quả 9.300 ha cao su hiện có; tùy điều kiện cụ thể để từng bước mở rộng thêm khoảng 2.760 ha để ổn định 12.100 ha cao su đứng vào năm 2025. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình trồng cao su trên đất dốc; kết hợp sản xuất nông lâm kết hợp, trồng xen dưới tán cao su bằng các loài cây có giá trị (gừng, nghệ, hương bài...) để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Các Công ty cao su quản lý, sử dụng hiệu quả Phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo thu hồi 5.863 ha đất rừng theo nguyên tắc đã được tỉnh thông qua...

Đồng tình với phản ánh của cử tri và các đại biểu HĐND tỉnh về tình trạng đánh bắt, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển ven bờ, Giám đốc Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: Toàn tỉnh hiện có trên 6.000 tàu cá đánh bắt hải sản trên biển. Những năm qua, tình trạng đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sản bằng các hình thức giã cào, xung điện, chất nổ… diễn ra phức tạp trên vùng biển ven bờ và cả ở vùng nước ngọt (sông ngòi, ao hồ, kênh mương nội đồng). Đặc biệt từ cuối năm 2017 trở lại đây, trên vùng biển ven bờ các xã Cương Gián, Thạch Bằng, Thạch Kim, Thạch Hải, Cẩm Nhượng… xảy ra tình trạng tàu cá xa bờ của địa phương và ngoại tỉnh  làm nghề giã cào vào khai thác tại vùng biển ven bờ, các tàu cá nhỏ của địa phương sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản. Hành vi khai thác hủy diệt này gây nguy hại rất lớn cho nguồn lợi thuỷ sản và làm mất mát, hư hỏng ngư lưới cụ của ngư dân địa phương, gây xung đột, làm mất an toàn và an ninh trên biển. Để ngăn chặn và xử lý việc này, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng nội dung Luật Thuỷ sản và các tài liệu liên quan; triển khai xây dựng lực lượng kiểm ngư tỉnh (theo Luật thủy sản) đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phát huy hiệu quả trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khai thác thủy sản.

Đại biểu Nguyễn Huy Hùng tổ đại biểu huyện Lộc Hà chất vấn

 

Chưa hài lòng với phần trả lời của Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên quan đến dự án chăn nuôi bò của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà, đại biểu Nguyễn Huy Hùng và đại biểu Đặng Quốc Cương cho rằng: theo báo cáo của UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương và phản ánh của cử tri, hiện nay Công ty đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất một số lượng lớn diện tích từ đất trồng cỏ sang trồng chuối thương phẩm, nhưng không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền và khi chưa có sự chấp thuận của UBND tỉnh là trái với các quy định của pháp luật, đề nghị cho biết với các sai phạm của Công ty đã nêu ở trên thì đã thực hiện xử lý như thế nào? Qua gần 3 năm đi vào hoạt động, dự án chăn nuôi bò của Công ty đã không phát huy hiệu quả, ngoài ra còn gây nhiều hệ lụy kể cả hiệu quả kinh tế, xã hội và ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là lãng phí hàng trăm hecta đất; trong khi đó người dân địa phương đang có nhu cầu về đất sản xuất lâm nghiệp, vậy đề nghị giám đốc sở cho biết giải pháp thời gian tới để xử lý vấn đề này như thế nào?.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Trần Văn Kỳ cho rằng trong quá trình thực hiện dự án đã gây ra việc hư hỏng đường, bồi lấp đất ruộng, đề nghị cho biết biện pháp xử lý?; nếu chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng cỏ sang trồng chuối thì có đúng chủ trương ban đầu không? Và việc quản lý bò sinh sản như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Trí Lạc tổ đại biểu huyện Vũ Quang chất vấn 

 

Đại biểu Nguyễn Trí Lạc đề nghị giám đốc sở làm rõ thêm nguồn vốn thực hiện dự án, có lấy diện tích đất để thế chấp vay vốn không? và đã thu hồi bao nhiêu diện tích của người dân để thực hiện dự án? Ngoài ra, đại biểu Đoàn Đình Anh cũng băn khoăn đến việc tái cơ cấu của dự án nhưng phải đảm bảo được mục tiêu của tỉnh đặt ra là đầu kéo đảm bảo quyền lợi cho người dân địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Nhi tổ đại biểu huyện Nghi Xuân 

 

Đối với việc đánh bắt, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển ven bờ, đại biểu Nguyễn Thị Nhi khẳng định tình trạng này vẫn còn diễn ra nhiều, đề nghị sở cho biết việc quản lý, kiểm soát, xử lý và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ đồng quản lý? Theo đại biểu Đỗ Khoa Văn và đại biểu Trần Báu Hà việc đánh bắt thủy sản trên địa bàn thời gian qua chủ yếu là các ngư dân của các tỉnh khác đến đánh bắt, vậy sở đưa ra chế tài, giải pháp xử lý vấn đề này như thế nào?.

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga tổ đại biểu huyện Can Lộc

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga chất vấn thêm về hiệu quả kinh tế - xã hội về dự án trồng cây cao su, đại biểu cho biết theo báo cáo trả lời của sở thì sẽ tiếp tục phát triển 2.760ha cao su, trong khi đó, 5 năm liên tục công ty cao su đều thua lỗ, hơn nữa các tỉnh Tây Nguyên cũng có chủ trương không phát triển thêm mà tập trung chăm sóc, nâng cao năng suất sản lượng, vậy đề nghị giám đốc sở cho biết có nên tiếp tục phát triển cây cao su như kế hoạch không?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trả lời làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm 

 

Sau phần trả lời của Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên quan đến nhóm vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã trả lời làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quá trình cấp phép, hiệu quả hoạt động, việc chuyển đổi sang trồng chuối thương phẩm… của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà. Đồng chí cho rằng sẽ tiếp tục theo dõi sát sao, quản lý diện tích đất còn lại và hỗ trợ Công ty thực hiện tái cơ cấu để giúp Công ty hoạt động đạt hiệu quả và ổn định.

Về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường đã làm hội trường sôi động với 13 lượt ý kiến của các đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hồ Huy Thành thắng thắn thừa nhận, sau thanh tra, kiểm tra công tác quản lý đầu tư, sử dụng đất đã phát hiện nhiều tổ chức có các hành vi, vi phạm như: không sử dụng đất, để hoang hóa, chậm đầu tư theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; tự ý cho thuê, cho mượn đất trái quy định… Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 804 tổ chức được giao, cho thuê đất, với diện tích là 3660,65 ha. Thời gian qua, Sở đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng nêu trên, trong đó tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm; tiếp tục triển khai kiểm tra các tổ chức có sai phạm còn lại theo kiến nghị của Đoàn giám sát HĐND tỉnh; theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; kiên quyết xử lý thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức được giao, cho thuê đất để dự án đầu tư nhưng chậm đầu tư, sử dụng đất sai mục đích, để đất lãng phí...

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Huy Thành trả lời chất vấn

 

Liên quan vấn đề công tác xây dựng, quản lý hồ sơ địa chính; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết đến nay trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành đo vẽ bản đồ địa chính tại 262 xã phường, thị trấn với tổng diện tích 517.123,85 ha, đạt 86% diện tích cần đo vẽ; diện tích còn lại chưa đo vẽ là 81.942,89 ha, diện tích này chủ yếu là đất lâm nghiêp do các tổ chức quản lý chưa thực hiện đo vẽ. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ địa chính, đến nay đã hoàn thành đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 98% nhu cầu đối với các tổ chức. Đối với hộ gia đình cá nhân đến nay đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt hơn 99% nhu cầu; cấp đổi giấy chứng nhận đất ở và đất nông nghiệp gắn với đo đạc bản đồ địa chính đến nay đạt 97,7% nhu cầu và trao giấy đạt 95,2% so với số GCN đã ký (405.381 giấy). Tuy nhiên, trong công tác xây dựng hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn một số tồn tại như: hồ sơ địa chính đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg trước đây được các cấp (tỉnh, huyện, xã) lưu trữ chưa đầy đủ, các loại sổ sách lập tại thời điểm còn thiếu, một số địa phương còn để thất lạc; thời gian đo đạc gắn với cấp GCN kéo dài nên việc hoàn thiện hồ sơ địa chính chậm; một số địa phương đã ký GCN nhưng chưa trao cho người dân; nhiều trường hợp giấy chứng nhận đất nông nghiệp đã ký nhưng người dân không đến nhận…

Về những tồn tại và định hướng trong xử lý cấp đất trái thẩm quyền, Theo Giám đốc Sở hiện nay việc giải quyết trách nhiệm cán bộ, công chức có sai phạm, đặt biệt là trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp xã, các tổ chức sử dụng đất thực hiện chưa triệt để và chưa nghiêm khắc. Do đó, thời gian tới Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ cấp cơ sở; gắn vai trò trách nhiệm của người đứng đầu nếu còn để xảy ra sai phạm việc giao đất trái thẩm quyền ở trên địa bàn địa phương mình quản lý; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tập trung xử lý những trường hợp còn vướng mắc chưa xử lý được để giải quyết lập hồ sơ cấp Giấy CNQSD đất, thu hồi đất hoặc trả lời dứt điểm cho các đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm QLNN tại các Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, Công chức địa chính cấp xã.

Việc giao đất, cho thuê đất sản xuất kinh doanh một số vị trí dọc tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh cũng được nhiều đại biểu HĐND tỉnh chất vấn, Giám đốc Hồ Huy Thành cho biết, đến nay đã giao đất, cho thuê đất đối với 27 tổ chức với tổng diện tích 44,67ha; các dự án đã được giao, cho thuê đất khu vực đường tránh Quốc lộ IA đoạn qua thành phố Hà Tĩnh đều đảm bảo các căn cứ theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, việc giao đất, cho thuê đất ở khu vực này còn một số hạn chế như: khu vực này chưa có quy hoạch chung và quy hoạch phân khu xây dựng; các dự án chủ yếu đang được bố trí bám quy hoạch đường gom hai bên đường tránh… Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan khảo sát, lập quy hoạch phân khu dọc đường tránh. Sau khi quy hoạch được duyệt, UBND tỉnh sẽ xem xét bố trí ngân sách đầu tư hoặc kêu gọi các doanh nghiệp xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trên cơ sở đó, kêu gọi doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư dự án sản xuất kinh doanh.

Về giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải tại các địa phương, Giám đốc sở cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thành và tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn ở các địa phương; bố trí đủ kinh phí đảm bảo triển khai đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn ở các địa phương; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai lắp đặt 11 lò đốt đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; bố trí kinh phí đóng cửa các bãi chôn lấp đã hết công suất và cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Về giải pháp xử lý rác thải ở một số địa phương, Sở TNMT cho rằng các địa phương cần mở rộng mạng lưới thu gom, phát triển các mô hình Hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường để nâng cao hiệu quả công tác thu gom rác thải. Đồng thời tuyên truyền vận động người dân để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Ngoài ngân sách cấp tỉnh, hằng năm các địa phương phải bố trí nguồn kinh phí cấp huyện, xã đáp ứng nhu cầu công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn.

Đại biểu Trần Viết Hậu tổ đại biểu huyện Đức Thọ

 

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Trần Viết Hậu và đại biểu Nguyễn Văn Hổ đều băn khoăn đến các dự án đầu tư đã được cấp phép trên đường tránh của Thành phố, theo báo cáo vẫn còn một số tồn tại, đề nghị sở cho biết giải pháp cấp bách trước mặt để giải quyết những tồn tại đó như thế nào; có cần thiết phải quy hoạch cụm công nghiệp dọc đường tránh không? Đại biểu Đoàn Đình Anh đề nghị sở cho biết trách nhiệm liên quan đến 5 sai phạm trong việc cấp đất.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y chất vấn 

 

Chưa đồng tình với giải trình của Giám đốc sở, đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y và đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng qua khảo sát thực tế cho thấy hiệu quả sử dụng đất của các doanh nghiệp rất thấp, số diện tích còn lại cho các doanh nghiệp khác thuê, sử dụng đất không đúng mục tiêu của dự án, đề nghị giám đốc sở làm rõ và cho biết giải pháp trong thời gian tới?; ngoài ra, đề nghị giám đốc sở nói rõ hơn về việc cấp đất cho doanh nghiệp vận tải Bình Nguyên còn vướng vào quy hoạch dân sinh, lấn lên đường giao thông  ...

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Hậu Tám cho rằng việc ô nhiễm nguồn nước, nhất là nguồn nước sinh hoạt, đây là vấn đề gây bức xúc cho người dân, đề nghị giám đốc sở cho biết nguyên nhân và giải pháp giải quyết sắp tới như thế nào? Băn khoăn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng của người dân, đại biểu Bùi Nhân Sâm cho biết trong báo cáo đã nêu là đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình lần đầu đạt hơn 99% nhu cầu, số liệu này theo đại biểu chưa chính xác và cho rằng số giấy chứng nhận còn lại chưa được cấp còn nhiều, đề nghị cho biết nguyên nhân vì sao? giải pháp xử lý thời gian tới?.

Đại biểu Đặng Quốc Cương cũng cho rằng trên địa bàn chưa có nhà máy xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, nguyên nhân và giải pháp sắp tới như thế nào? Đại biểu Đỗ Khoa Văn chất vấn về việc các nhà máy đã xin chủ trương đầu tư nhưng lo lắng không có đủ khối lượng rác để xử lý, đề nghị ngành cho biết giải pháp giải quyết trong thời gian tới? Hiện nay đã có chủ trương cấp lò đốt cho các xã, qua khảo sát cho thấy mỗi xã 1 lò là bất cập như việc vận hành xử lý rác thải, đề nghị sở cho biết thời gian tới có nên tiếp tục duy trì mô hình này không hay nên chuyển cho các nhà máy để xử lý rác? Vì sao chưa thực hiện phân loại rác cho 3 đô thị như chính sách của nghị quyết 79...

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Tú Anh làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm 

 

Sau phần trả lời của giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trần Tú Anh đã trả lời làm rõ hơn các nội dung liên quan đến việc cấp đất tại đường tránh thành phố. Liên quan đến việc thu gom và vận chuyển xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu làm rõ thêm những bất cập trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, nguyên nhân và đưa ra các giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Qua đó, đề nghị HĐND tỉnh quan tâm đến việc cân đối ngân sách hỗ trợ việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở các địa phương…


    Ý kiến bạn đọc