Quan tâm bố trí nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa - xã hội
EmailPrintAa
14:41 15/12/2022

Tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVIII diễn ra vào chiều 15/12/2022, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Đào Thị Anh Nga đã báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII (lĩnh vực văn hóa - xã hội).

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Đào Thị Anh Nga báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp thứ 11.

Về báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2022, Ban cơ bản nhất trí với các nội dung nhận định, đánh giá trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời bổ sung và nhấn mạnh một số nội dung cụ thể. Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Văn hóa - Xã hội thống nhất với các nội dung tồn tại, hạn chế như báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh đã nêu. Đồng thời, đề nghị quan tâm đánh giá thêm một số nội dung cụ thể trên từng lĩnh vực

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, ưu tiên nguồn lực, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm, chất lượng tham mưu xây dựng, triển khai các chính sách trên lĩnh vực văn hóa - xã hội để đảm bảo các chính sách ban hành phát huy hiệu lực, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX và đề nghị quan tâm một số nội dung sau đây:

Quan tâm bố trí nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa, đảm bảo tối thiểu 2% như mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tham mưu xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Tĩnh. Tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, chính trị, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, tạo dấu ấn tích cực, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc con người Hà Tĩnh, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Hoàn thiện, bảo vệ hồ sơ trình UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới. Tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng Bảo tàng tỉnh. Có giải pháp quy hoạch, đầu tư nâng cấp Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, quan tâm đầu tư cho bộ môn bóng đá, bóng chuyền và các bộ môn thể thao thế mạnh của tỉnh để đạt thành tích cao hơn trên các đấu trường. Có giải pháp mạnh mẽ, đột phá khai thác tốt tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch.

Trên cơ sở các quy định mới và tình hình thực tiễn, tiến hành rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt các trường khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, khu vực phải di dời, tái định cư để thực hiện dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng. Rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; quy mô các điểm trường, đảm bảo cơ cấu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu dạy học, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và từng bước khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng, kỹ năng sống và phòng, chống bạo lực học đường. Sớm tham mưu ban hành quy định về mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí. Có giải pháp xây dựng, phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh xứng tầm với quy mô và yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

Cần rà soát, đánh giá một cách căn cơ, toàn diện tổ chức, hoạt động của các Trung tâm Y tế cấp huyện để có phương án thống nhất, ổn định, tổ chức thực hiện trên toàn tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; có giải pháp đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng, giá thuốc, mỹ phẩm và công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, dịch Covid-19 và đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là trước và trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh, quan tâm chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã hằng năm bố trí ngân sách cho công tác dân số đảm bảo theo quy định. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, có giải pháp quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tới phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo nghề và phân luồng học sinh. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề với các đơn vị cung ứng dịch vụ việc làm để giải quyết tốt việc làm sau đào tạo.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giảm nghèo, an sinh xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động; có giải pháp xử lý nghiêm tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiển y tế cho người lao động ở các cơ quan, doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em; chú trọng công tác phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

- Quan tâm bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 và Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025”; chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông tại các khu vực dân cư chất lượng sóng và mạng internet yếu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; quản lý chặt chẽ, định hướng tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.

Về các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết

Trong 04 Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội trình tại Kỳ họp lần này, có 02 Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp; sửa đổi, tích hợp, ban hành các chính sách mới, đảm bảo thống nhất, đồng bộ theo tinh thần chỉ đạo tại Kết luận 23-KL/TU ngày 21/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đó là: (1) Quy định một số chính sách đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025; (2) Nghị quyết Quy định một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2023-2025.

02 Nghị quyết còn lại được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của cấp trên, gồm: (2) Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023”; (2) Nghị quyết về phát triển thanh niên tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2030.

Các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đã có đầy đủ hồ sơ, thủ tục, các căn cứ pháp lý liên quan, được cơ quan tư pháp thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các nội dung trình lần này đều có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh.

Ban Văn hóa - Xã hội đã chủ động làm việc với các cơ quan soạn thảo, nhìn chung các ý kiến góp ý đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện. Vì vậy, Ban Văn hóa - Xã hội cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung các dự thảo Nghị quyết, bên cạnh đó, đề nghị Hội đồng nhân dân quan tâm một số nội dung:

Đối với dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ; chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 ”:

Dự thảo lần này đã quy định mức thu học phí bằng mức sàn thấp nhất và phân vùng áp dụng mức thu theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ. Bên cạnh đó, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh, UBND tỉnh đã cân đối nguồn lực để đề xuất hỗ trợ miễn 100% học phí học kỳ I (4 tháng) cho tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học Chương trình giáo dục phổ thông học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh (Kể cả trường công lập và ngoài công lập) Đây là chính sách riêng của tỉnh nhằm chia sẽ khó khăn với người dân sau đại dịch Covid 19.

Tuy vậy, mức học phí năm hoc 2022 - 2023 vẫn tăng cao so với mức học phí của năm học 2021 - 2022 và việc phân vùng như dự thảo Nghị quyết đã căn cứ vào Nghị định 81, Luật Đô thị, Quyết định 861 ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 612 ngày 16 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhưng thực tiễn vẫn bất còn có những bất cập do đời sống của nhân dân ở một số phường, thị trấn còn khó khăn, nhất là những nơi sáp nhập xã. Do vậy, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kính đề nghị HĐND tỉnh xem xét, thảo luận kỹ nội dung này để có sự thống nhất. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện.

Đối với dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách triển văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2023-2025, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét một số nội dung như sau:

(1). Tại Điều 5 về Chính sách hỗ trợ tu sửa, chống xuống cấp và bảo vệ di tích: đề nghị quy định cụ thể mức tối thiểu đến tối đa để dễ triển khai thực hiện.

(2). Tại điểm đ khoản 1 Điều 6, Chính sách bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh đề nghị bổ sung “các danh nhân tiêu biểu khác”. Đồng thời, xây dựng tiêu chí cụ thể và thành lập hội đồng xét duyệt hằng năm nhằm đảm bảo tính bao quát, công bằng, khách quan trong triển khai thực hiện chính sách.

(3). Tại Điều 13, Điều 14, Chương IV về Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch chỉ mới đề xuất chính sách về hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Những nội dung này chưa có tính tổng thể, toàn diện, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Vì vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần có các giải pháp tạo đột phá, kích cầu phát triển du lịch để thực hiện 01 trong 05 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX đã đề ra là “Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Với các nội dung thẩm tra trên, Ban Văn hoá - Xã hội thống nhất đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua các Nghị quyết:

1. Nghị quyết Quy định một số chính sách đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025;

2. Nghị quyết về phát triển thanh niên tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2030.

Đồng thời, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị thảo luận kỹ các nội dung Ban đã nêu đối với các Dự thảo “Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023” và Dự thảo “Nghị quyết Quy định một số chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2023 - 2025” trước khi quyết định.

Lưu Thành - Trương Liên

    Ý kiến bạn đọc