Giám sát từ quy trình ra Nghị quyết: Nghị quyết của HĐND về mặt pháp lý là Nghị quyết gốc, từ đó các cơ quan thuộc hệ thống nhà nước ở địa phương chấp hành và tổ chức thực hiện. Bởi vậy khi trình dự thảo Nghị quyết để HĐND xem xét thông qua cần có sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan tham mưu. Thường thì để đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, báo cáo của UBND trình ra HĐND đều được cấp ủy cùng cấp thông qua. Để có được dự thảo này thì Ban cán sự Đảng UBND chuẩn bị và trình ra cấp ủy để cấp ủy cho ý kiến (nếu cần thì cấp ủy ra thông báo hoặc Nghị quyết) về nội dung của dự thảo. Từ báo cáo này HĐND thảo luận để ra Nghị quyết. Quy trình ra Nghị quyết như vậy, thế thì HĐND giám sát việc này ra sao. Có thể xem đây là quá trình tự giám sát. Thông thường HĐND thực thi quyền giám sát qua thảo luận các báo cáo và quyết định ra Nghị quyết của kỳ họp. Trong thực tế việc giám sát theo cách này thực chất còn hình thức và không có đủ thời gian và thông tin nên việc thông qua Nghị quyết chừng mực nào đó mang tính hợp thức hóa. Cho nên cần phải có sự tham gia giám sát ngay từ đầu, từ trong quá trình các cơ quan tham mưu chuẩn bị cho UBND để báo cáo với cấp ủy và trình HĐND ra Nghị quyết. Để giám sát thực chất và có hiệu quả thì các Ủy ban của HĐND, Thường trực HĐND phải thực thi sự giám sát của mình từ các bước chuẩn bị cho đến khi ra Nghị quyết, như vậy mới phần nào tránh được hình thức trong việc thông qua Nghị quyết.
Giám sát thu chi ngân sách
Thông thường trong kỳ họp cuối năm, HĐND sẽ tiến hành thông qua nội dung quan trọng về thu chi ngân sách trên địa bàn. Về thu như tỉnh ta thường từ ba nguồn chủ yếu: thu từ nội địa, thu qua xuất nhập khẩu, từ nguồn trên cấp và các nguồn khác. Còn chi thì tập trung cho chi thường xuyên và các dự án kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng… trên địa bàn. Trình tự thường là do các cơ quan tham mưu tổng hợp trình ra Ủy ban nhân dân xem xét và đề xuất với cấp ủy và HĐND thảo luận thông qua. Khi đưa ra HĐND thì bao giờ cũng có phát biểu phản biện của Ban Kinh tế - Ngân sách và xem đó là nội dung giám sát. Trong thực tế thì việc thông qua ngân sách rất quan trọng nhưng để thảo luận trong HĐND một cách có căn cứ và mang tính phản biện, giám sát thì quả là còn nhiều bất cập. Ít thấy có sự điều chỉnh về thu chi ngân sách, mà thường được thông qua khá chóng vánh. Vì vậy để việc giám sát có hiệu quả nên chăng trước khi các cơ quan tham mưu đề xuất thì các ban của HĐND cần vào cuộc và giám sát ngay từ khâu này. Đồng thời các ban của HĐND với chức năng của mình báo cáo để Thường trực HĐND biết được cụ thể về các khoản thu, chi trên địa bàn. Thường trực HĐND một mặt nghe các ban báo cáo mặt khác có thể mời các ngành đến trình bày, giải trình tường tận để Thường trực nắm được thực chất của việc cân đối ngân sách và có ý kiến từ đầu. Trong quá trình này Thường trực HĐND trao đổi với UBND để tạo nên sự nhất trí, nếu có chỗ nào chưa nhất trí thì cùng báo cáo với Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành cấp uỷ cho ý kiến. Khi đưa ra thảo luận ở HĐND cũng cần cung cấp tài liệu và dành thời lượng để các đại biểu có điều kiện tham gia có chất lượng vào nội dung quan trọng này.
Tổ chức các cuộc giám sát giữa hai kỳ họp
Việc tổ chức giám sát giữa kỳ họp cần lưu ý đến ba vấn đề. Đó là chọn đối tượng giám sát, cách thức giám sát và hiệu quả giám sát. Hình như việc giám sát đã trở thành một thường lệ “xuân thu nhị kỳ” giữa hai kỳ họp, nhưng rồi tác động của hiệu quả giám sát đến đâu thì ít được quan tâm. Cho nên việc đổi mới và nâng cao chất lượng của các cuộc giám sát giữa hai kỳ họp là hết sức quan trọng. Muốn vậy thì nội dung giám sát phải tập trung vào những vấn đề mà xã hội đang quan tâm cần có sự kiểm tra, giám sát để làm rõ, hoặc những vụ việc xẩy ra đột xuất cần có sự giám sát để đề xuất xử lý kịp thời. Hiện nay có nhiều dự án trên địa bàn (kể cả kinh tế, văn hoá, xã hội) đều có những dư luận trái chiều và mong muốn có sự giám sát của cơ quan quyền lực để làm rõ. Liệu HĐND có đủ năng lực và bản lĩnh để thực thi sự giám sát của mình hay không. Được biết Thường trực HĐND và các ban của HĐND đã có kế hoạch để tiến hành một số cuộc giám sát ở những địa bàn, những dự án có vấn đề nhưng rồi vẫn chưa thực hiện được, hoặc có thực hiện thì chất lượng giám sát chưa đạt với yêu cầu đề ra, để đến khi các cơ quan chức năng thực thi pháp luật vào cuộc thì mới vỡ lẽ. Vấn đề cần quan tâm đó là, nên tổ chức giám sát như thế nào cho có hiệu quả. Nếu hiệu quả việc giám sát là một hoạt động thực thi luật pháp và mang tính khoa học, tính thực tiễn với mục đích xây dựng thì việc tổ chức giám sát cần hết sức chu đáo, tránh tắc trách, thiếu chiều sâu để rồi dẫn đến tình trạng hợp pháp hoá khi đã được giám sát. Vì vậy mỗi cuộc giám sát cần có yêu cầu và mục đích rõ ràng, cần được chuẩn bị chu đáo và quá trình giám sát phải thực sự nghiêm túc, khách quan và xem xét sự việc trên cơ sở thực tiễn và có lý có tình.
Giám sát của nhân dân: Giám sát của nhân dân cần được HĐND quan tâm và xem như là một kênh quan trọng mà HĐND cần nắm bắt phối hợp trong quá trình thực thi sự giám sát của mình. Trước tiên hãy tổ chức tốt việc tiếp công dân để nghe họ đề đạt, giải bày, kiến nghị và qua đây lắng nghe xem có vấn đề gì cần được tập hợp để xử lý, không chỉ là vấn đề cụ thể mà có thể là những vấn đề chung. Tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc với cử tri, tránh hình thức làm theo thủ tục mà với ý thức cầu thị lắng nghe ý kiến của nhân dân, tập hợp đầy đủ các ý kiến đó xem như là những thông tin bổ ích, rất cần thiết để đưa vào nội dung giám sát của HĐND. Thực hiện sự giám sát của nhân dân mà HĐND là cơ quan đại diện, cơ quan tiếp thu, tập hợp ý kiến cần làm thường xuyên và làm có chất lượng. Trong nội dung giám sát của nhân dân hết sức lưu ý đến ý kiến của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, xem đây là một kênh rất quan trọng trong quá trình tiến hành giám sát mà HĐND cần lưu ý.
Giám sát trong kỳ họp: Giám sát trong kỳ họp là một nội dung quan trọng của kỳ họp, vì vậy cần phải tổ chức thật tốt để việc giám sát trong kỳ họp thực sự có chất lượng và hiệu quả. Trước tiên là nội dung phản biện của các ban HĐND. Các ban cần nắm chắc và phân tích kỹ những nội dung mình tập trung phản biện. Muốn vậy các ban phải sâu sát để nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của các cấp, các ngành, ý kiến của đại biểu HĐND và của cử tri về vấn đề mà mình phản biện. Không nêu một cách tràn lan mà tập trung vào một số nội dung, một số điều cần thiết phải điều chỉnh phải chỉnh sửa trong các báo cáo trình ra HĐND. Các đại biểu HĐND thực hiện quyền giám sát của mình thông qua ý kiến phát biểu (có thể bằng văn bản) trong kỳ họp. Ý kiến của các đại biểu mang hai tư cách, tư cách đại diện cho cử tri và tư cách của cá nhân người đại biểu. Phấn đấu để tất cả các đại biểu đều có ý kiến đóng góp trong kỳ họp. Muốn vậy các đại biểu cần dành thời gian vật chất để làm công tác đại biểu thông qua nghiên cứu tài liệu, thông qua tiếp xúc cử tri, thông qua thực tiễn công tác mà mạnh dạn nêu ra được những vấn đề thiết thực, cụ thể.
Cải tiến phương thức giám sát: Có thể nói hiệu quả của việc giám sát đến đâu một phần quan trọng ở phương thức tiến hành giám sát. Việc này không thể nói đầy đủ được trong nội dung của bài viết, ở đây xin nêu một số ý kiến mang tính đề xuất và cần lưu ý.
Trước tiên là đối tượng được giám sát phải phối hợp và tạo mọi điều kiện, cung cấp đầy đủ tài liệu cũng như trình bày rõ ràng trung thực và minh bạch những vấn đề mà cơ quan giám sát yêu cầu. Bởi nếu không làm được như vậy thì việc giám sát sẽ gây trở ngại ngay từ đầu và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giám sát.
Cơ quan giám sát, người giám sát phải nghiên cứu kỹ, nắm sâu vấn đề mình giám sát. Phải thật khách quan, lắng nghe tiếp thu hết các nội dung và ý kiến để có được cái nhìn toàn diện, trên cơ sở đó nêu ra được những kết luận chính xác, thiết thực và có tính khả thi. Cần quan tâm đến việc không ngừng nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của cơ quan và người giám sát. Việc này hết sức quan trọng nếu không nói là quyết định cho công việc giám sát.
Cần phải hiểu rằng, cả đối tượng đi giám sát và đối tượng được giám sát đều vì mục đích làm sao qua giám sát để mọi việc sẽ tốt hơn, có chất lượng và ít sai sót hơn, chứ không phải hiểu đây là “sự bới móc, xoi mói” rồi tránh né, thậm chí không cộng tác hoặc tìm cách ngăn cản sự giám sát.
Theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì giám sát cũng là một quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình, đây là một phương thức rất quan trọng để giúp cho các tổ chức và cá nhân đang nắm giữ các chức trách quan trọng có được những thông tin phản biện thiết thực để giúp cho quá trình lãnh đạo và thực hiện chức trách của mình tốt hơn, hiệu quả hơn.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)