Quyền thẩm tra, giám sát của các ban HĐND phải tuân thủ đúng quy định
EmailPrintAa
14:16 31/12/2013

Mặc dù ranh giới để phân định thẩm quyền giữa các ban HĐND tương đối rõ, nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, việc phân công các ban thẩm tra, giám sát trong một số trường hợp chưa đúng quy định của pháp luật.

Các ban HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng với lĩnh vực như tên gọi của mỗi ban. Các ban thẩm tra các báo cáo, đề án do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công. Việc HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công việc thẩm tra phải đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền của các ban. Tại các điều 30, 31, 32, 33, 34 và 35 Quy chế hoạt động của HĐND ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2.4.2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các ban HĐND. Còn những vấn đề có sự giao thoa giữa các lĩnh vực, nhưng với các quy định của pháp luật hiện hành thì ranh giới để phân định thẩm quyền giữa các ban đã tương đối rõ. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc phân công các ban HĐND thẩm tra, giám sát trong một số trường hợp không đúng quy định của pháp luật.

Điều 30 Quy chế hoạt động của HĐND quy định Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn thẩm tra dự thảo nghị quyết liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Tuy nhiên, có địa phương khi quyết định cụ thể một số định mức phân bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi trong lĩnh vực nào thì giao cho ban tương ứng thẩm tra. Chẳng hạn như, khi quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi trong lĩnh vực thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền địa phương giao cho Ban Pháp chế thẩm tra; chi trong lĩnh vực văn hóa - xã hội giao cho Ban Văn hóa - Xã hội thẩm tra. Phân công như vậy không đúng quy định của pháp luật, vì chi trong lĩnh vực nào thì cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Ngân sách, thuộc lĩnh vực ngân sách phải giao cho Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra theo quy định.

Theo quy định tại Điều 12 Luật Tổ chức HĐND và UBND, việc quyết định chủ trương, biện pháp phát triển nguồn nhân lực, sử dụng lao động, giải quyết việc làm và cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động, bảo hộ lao động thuộc lĩnh vực xã hội. Theo đó, đối chiếu với quy định tại Điều 31 Quy chế hoạt động của HĐND thì lĩnh vực này thuộc thẩm quyền thẩm tra, giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội. Theo quy định tại Điều 17 Luật Tổ chức HĐND và UBND thì việc quyết định tổng biên chế sự nghiệp; thông qua tổng biên chế hành chính của địa phương trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định; việc quyết định chính sách thu hút và một số chế độ khuyến khích đối với cán bộ, công chức trên địa bàn thuộc lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương. Theo đó, đối chiếu với quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND thì lĩnh vực này thuộc thẩm quyền thẩm tra, giám sát của Ban Pháp chế. Như vậy, việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết về đề án phát triển nguồn nhân lực, sử dụng lao động, giải quyết việc làm nói chung thuộc thẩm quyền của Ban Văn hóa - Xã hội. Nhưng, thẩm tra dự thảo nghị quyết về quyết định biên chế viên chức, thông qua biên chế công chức, quyết định chính sách thu hút và chế độ khuyến khích đối với nhóm lao động là công chức, viên chức lại thuộc thẩm quyền của Ban Pháp chế. Vì đây là nhóm lao động đặc thù liên quan đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Các quy định nêu trên đã rất rõ ràng, tuy nhiên trong thời gian qua HĐND một số địa phương lại giao cho Ban Văn hóa - Xã hội thẩm tra dự thảo nghị quyết về chính sách thu hút nhân tài bổ sung cho đội ngũ công chức, viên chức của địa phương.

Một vấn đề nữa là, cũng theo quy định tại Điều 17 Luật Tổ chức HĐND và UBND thì quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố, quảng trường, công trình công cộng ở địa phương thuộc lĩnh vực quản lý địa giới hành chính. Theo đó thuộc thẩm quyền thẩm tra, giám sát của Ban Pháp chế. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các tỉnh, thành lại giao cho Ban Văn hóa - Xã hội thực hiện việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết về đặt tên, đổi tên đường, phố, quảng trường, công trình công cộng.

Nguyên nhân của thực trạng trên phần lớn do chưa nắm vững các quy định mang tính nguyên tắc cơ bản trong việc phân định thẩm quyền thẩm tra, giám sát của các ban HĐND mà pháp luật đã quy định. Tuy nhiên, thực tế có nhiều địa phương biết việc phân công không đúng quy định về thẩm quyền nhưng cho rằng cần phải có sự điều hòa công việc giữa các ban, tránh tình trạng ban này công việc quá tải, ngược lại ban khác công việc lại quá ít; thậm chí có người còn quan niệm rằng giao cho ban nào thẩm tra cũng được.

Bản chất của hoạt động thẩm tra là một trong những hình thức thực hiện chức năng giám sát của HĐND, do đó việc phân công thẩm tra các dự thảo nghị quyết phải bảo đảm sự gắn kết với các hoạt động giám sát khác của các ban HĐND. Phân công thẩm tra trái chuyên môn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra, giám sát mà còn không bảo đảm về mặt giá trị pháp lý của kết quả thẩm tra. Để tránh quá tải trong thực hiện nhiệm vụ, cần bố trí nhân lực hợp lý, tăng cường chuyên viên giúp việc cho ban có nhiều việc chứ không thể phân công một cách tùy tiện, không đúng quy định của pháp luật.

Để nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát của các ban HĐND, mặt khác để bảo đảm giá trị pháp lý của các báo cáo thẩm tra, Thường trực HĐND cấp tỉnh và huyện cần phân công các ban thẩm tra đúng với nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

 


    Ý kiến bạn đọc