Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn phát biể đặt vấn đề tại Tổ Thảo luận số 1
|
Thảo luận tại 3 Tổ đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu đã sôi nổi phát biểu, tập trung tham gia vào các nội dung quan trọng của Kỳ họp. Các đại biểu nhận định rằng, 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nguy cơ cao. Sản xuất, kinh doanh có nhiều nội dung bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; năng lực, hiệu quả làm việc của một số cán bộ còn chưa cao; việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả còn thấp; việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các vùng ven đô hiệu quả chưa cao; các hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống của Nhân dân bị ảnh hưởng lớn…
6 tháng cuối năm 2020, dự báo nền kinh tế nước ta tiếp tục khó khăn sẽ tác động trực tiếp đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong điều kiện tỉnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các đại biểu thống nhất cao với 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà báo cáo đưa ra; cụ thế: Rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu 6 tháng cuối năm và cả năm 2020; sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp, dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động nguồn lực đầu tư phát triển; thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách, tài chính tín dụng; Công tác nội vụ và cải cách hành chính; các lĩnh vực văn hóa - xã hội; quy hoạch, quản lý xây dựng và đô thị; Tài nguyên môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo, các vụ việc tồn đọng; Quốc phòng - an ninh, đối ngoại; tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ lớn, dài hạn; Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2020.
|
Tại Tổ thảo luận số 01: do đồng chí Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì, các đại cho rằng cần phân tích sâu, làm rõ nguyên nhân tăng trưởng kinh tế đạt thấp; các cấp, các ngành cần có kịch bản tăng trưởng kinh tế của đơn vị để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường cải cách hành chính để thu hút nhà đầu tư, làm rõ nguyên nhân việc thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu để đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này; đẩy mạnh các giải pháp về đầu tư công; nêu cao vai trò của các địa phương trong việc thu hút đầu tư; có giải pháp nâng cao hiệu quả việc phát triển kinh tế vùng ven thành thị; cần tổng rà soát lại giá thuê đất trong các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để đánh giá hiệu quả, giá thuê phù hợp thực tiễn; cần đánh giá thêm về hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh; tổng kết kết quả xây dựng nông thôn mới trong việc góp phần tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế; có giải pháp để tạo điều kiện công nghiệp hóa nông thôn, nâng cao giá trị các sản phẩm từ nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; các cấp chính quyền, các ngành cần đồng hành cùng người dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; nâng cao chất lượng cán bộ; tăng nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, mạng lưới y tế cơ sở; có giải pháp thúc đẩy việc phát triển nhanh, bền vững du lịch, trọng tâm là du lịch biển.
Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị các ngành, các cấp cần có kịch bản tăng trưởng riêng để đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh. Có giải pháp cụ thể nhằm xúc tiến các nhà đầu tư là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh.
|
Tại Tổ thảo luận số 2: do đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện, những tồn tại, khó khăn trên các lĩnh vực và bàn các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới. Trong đó, các đại biểu đề nghị đánh giá sâu, xác định nguyên nhân việc các khoản thu ngân sách nội địa trong dự toán thực hiện trong 6 tháng đầu năm đạt thấp; việc quản lý, sử dụng đất hiệu quả chưa cao; các tồn đọng, vướng mắc về đất đai còn nhiều và chậm được tháo gỡ, nhất là đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất và đất có nguồn gốc trước năm 1980; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, xử lý chất thái rắn chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội…
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y phát biểu đặt vấn đề thảo luận tại Tổ số 2
|
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và kinh tế trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19; chính sách về công tác dân số trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tỉnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
|
Tại tổ thảo luận số 3: do đồng chí Trương Thanh Huyền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh chủ trì, các đại biểu đề nghị có chính sách thu hút đầu tư để thu hút các dự án lớn, các doanh nghiệp mạnh, nhằm giúp tăng trưởng kinh tế bền vững. Cần có các giải pháp để xây dựng các cơ sở xử lý rác quy mô lớn. Về sản phẩm OCOP, cần gắn phát triển số lượng, xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm với thị trường tiêu thụ. Soát xét, đánh giá tình hình hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền phát biểu đặt vấn đề thảo luận tại Tổ số 3
|
Bên cạnh cơ chế hỗ trợ cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, HĐND tỉnh nên xem xét, đánh giá thực chất số liệu trong báo cáo; bởi thực tế cho thấy, mấy năm gần đây nuôi trồng thủy sản gặp nhiều bất lợi, đối mặt với nguy cơ rủi ro lớn vì giá cả, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ. Riêng năm nay, có những giai đoạn giá nuôi cao hơn giá bán, nhiều hộ nuôi trồng thua lỗ, nhiều diện tích nuôi trồng không được đầu tư sản xuất…
Ngày mai (09/7), Kỳ họp thứ 15 sẽ tiến hành phiên thảo luận tại Hội trường và thực hiện phiên chất vấn, trả lời chất vấn.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)