Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học.
EmailPrintAa
14:46 13/12/2019

Chiều 13/12, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt đã báo cáo tại kỳ họp thứ 12 về thẩm tra của Ban trên lĩnh vực Văn hóa xã hội. Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng một số nội dung chính trong báo cáo thẩm tra này.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt trình bày báo cáo thẩm tra của Ban tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII

Năm 2019 lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của quê hương, đất nước. Công tác trùng tu, tôn tạo, xếp hạng các di tích lịch sử, văn hóa và bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng. Việc quản lý, tổ chức lễ hội được quan tâm chỉ đạo. Phong trào văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ngày càng được nâng cao; đời sống văn hóa tinh thần của người dân có nhiều khởi sắc… Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực; chất lượng mũi nhọn duy trì kết quả cao, luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Chất lượng khám chữa bệnh và y đức tiếp tục được nâng lên, từng bước mở rộng, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới; việc tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật được triển khai có hiệu quả. Quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội ngày càng được tăng cường. Cơ sở vật chất thông tin, truyền thông từng bước được quan tâm đầu tư; chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền của tỉnh được nâng lên; việc quảng bá về hình ảnh quê hương, đất nước và con người Hà Tĩnh, tuyên truyền phổ biến về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chú trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Công tác quản lý báo chí, xuất bản, in, phát hành tiếp tục được tăng cường. Việc điều hành, tác nghiệp được nâng lên một bước về tính đồng bộ và hiệu quả ứng dụng. Công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin được tăng cường.

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban văn hóa - xã hội thống nhất với các nội dung tồn tại, hạn chế như đánh giá trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và nêu thêm một số vấn đề sau: Việc thể chế hóa các quy định, chính sách trên lĩnh vực văn hóa, xã hội đã được chú trọng, tuy nhiên công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện ở một số chính sách chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn tình trạng một số cán bộ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân không nắm được chính sách hoặc biết nhưng bị động, lúng túng trong tiếp cận chính sách.

Ngân sách đầu tư cho văn hóa, xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xã hội hóa chưa thực sự hiệu quả. Thực hiện lộ trình tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế; công tác chỉ đạo, hướng dẫn và phê duyệt phương án tự chủ chậm; vấn đề xây dựng định mức giá dịch vụ để áp dụng tại các đơn vị thực hiện tự chủ còn lúng túng.

Công tác quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo có lúc, có nơi chưa toàn diện. Việc chỉ đạo thực hiện tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và biệt phái giáo viên còn chậm. Hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học còn nhiều bất cập. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc huy động trẻ mầm non chưa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Một số chính sách theo Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND như chính sách đào tạo lại, chính sách khuyến khích tự học nâng cao năng lực dạy ngoại ngữ, chính sách đối với giáo viên cốt cán thực hiện chậm, còn vướng mắc nhưng sự phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền các cấp trong việc tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể và hướng dẫn thực hiện chưa đồng bộ, kịp thời. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí kinh phí hoạt động hàng năm cho các Trung tâm học tập cộng đồng còn chậm, chưa được quan tâm đúng mức.

Việc chỉ đạo, hướng dẫn mô hình Trung tâm y tế huyện và phê duyệt phương án tự chủ cho các bệnh viện còn chậm, gây khó khăn cho hoạt động của các địa phương, đơn vị. Một số mục tiêu, chỉ tiêu về quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra. Quản lý nhà nước về lao động tuy đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật lao động; tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng thỏa ước lao động tập thể còn thấp (10%). Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn; tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, thương mại dịch vụ còn khá phổ biến…

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu; đồng thời, đề nghị quan tâm thêm một số nội dung như sau:

Tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các văn bản Luật có hiệu lực từ 01/01/2020; nâng cao kiến thức, nhận thức cho đội ngũ cán bộ và Nhân dân.

Có các giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo thực chất, bền vững. Bảo tồn và phát huy tốt các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Đẩy mạnh phát triển du lịch; thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy xã hội hoá lĩnh vực du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh về nguồn tài nguyên du lịch sẵn có để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.           Tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, xã hội.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học. Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông; hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chỉ tiêu biên chế được giao để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy và học tại các trường. Phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống trường mầm non và phổ thông; chú trọng công tác quy hoạch chi tiết tại từng cơ sở giáo dục, quan tâm vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, công trình vệ sinh cho học sinh, giáo viên. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tiến hành rà soát, đánh giá về kết quả thực hiện các chế độ chính sách trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học; tiến hành kiểm tra, rà soát để có biện pháp chấn chỉnh đối với những trung tâm hoạt động chưa đúng quy định. Quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm và việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện trong các trường học. Quan tâm bố trí kinh phí, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, để hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng đảm bảo thực chất, hiệu quả. Có chính sách khuyến khích xã hội hóa hỗ trợ các nhóm trẻ tư thục để đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ theo tinh thần Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, từng bước thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 ở các trường trung học phổ thông công lập theo tỷ lệ phân luồng quy định tại Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn mô hình Trung tâm y tế huyện và phê duyệt phương án tự chủ cho các bệnh viện để sớm đi vào hoạt động ổn định. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến. Tích cực, chủ động trong công tác phòng chống dịch; phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra. Chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội và ngành Y tế phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo quyền lợi cho người dân. Kịp thời xây dựng và ban hành định mức chi phí đào tạo một số nghề trình độ cao đẳng, trung cấp; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và đề án sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xiết chặt công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Tiến hành rà soát, đánh giá về thực trạng công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tiếp tục rà soát, xử lý các trường hợp hồ sơ còn vướng mắc, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, hoạt động truyền thanh, truyền hình cấp huyện và truyền thanh cơ sở…

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc