Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm, vi phạm pháp luật
EmailPrintAa
11:15 13/12/2019

Sáng 13/12, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Huy Hùng đã trình bày báo cáo thẩm tra của Ban về lĩnh vực nội chính; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh năm 2019. Theo đó, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các báo cáo; đồng thời nhấn mạnh và kiến nghị một số nội dung sau:

Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Huy Hùng trình bày báo cáo thẩm tra trên lĩnh vực nội chính

Về đánh giá tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Ban cho rằng: Năm 2019, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định và được giữ vững; Ủy ban nhân dân tỉnh, các địa phương, đơn vị và các cơ quan tư pháp đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác quốc phòng, quân sự; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Về c ông tác quốc phòng, quân sự địa phương; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân . Trong năm, lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Thực hiện nghiêm túc công tác quốc phòng, quân sự địa phương, đảm bảo an ninh biên giới, tuyến biển; hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân, ra quân huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ... Công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác điều tra, xử lý tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tội phạm hình sự, đánh bạc tiếp tục có sự móc nối, liên kết với hoạt động “tín dụng đen” ngày càng tinh vi, khó đấu tranh; hoạt động của các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia trên tuyến biên giới Việt - Lào diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm về trật tự an toàn xã hội, tội phạm về kinh tế, sở hữu, môi trường, tội phạm ma túy gia tăng…

Công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu ở một số địa phương trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa rõ nét, chưa chủ động nắm bắt tình hình, dự báo, xử lý kịp thời các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh...

Đối với c ông tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiều chỉ tiêu vượt so với chỉ tiêu của Ngành. Tuy nhiên, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử một số vụ án hình sự còn có mặt hạn chế; trong năm còn có 01 vụ truy tố sai khung hình phạt và 03 vụ Tòa án nhân dân trả hồ sơ điều tra bổ sung, chiếm tỷ lệ 0,43%…

Công tác xét xử và thi hành án hình sự, năm 2019, Toà án nhân dân hai cấp đã thụ lý, giải quyết 2.672/2.704 vụ, việc, đạt tỷ lệ 98,4%. Nhìn chung, chất lượng giải quyết các loại án tiếp tục được nâng lên; các vụ án hình sự được Tòa án hai cấp xét xử cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm so cùng kỳ. Tuy vậy, một số vi phạm trong hoạt động xét xử của Tòa chậm được khắc phục mặc dù đã được cơ quan kiểm sát chỉ ra và kiến nghị hàng năm như vi phạm thời hạn hoãn phiên tòa; xét xử sai khung hình phạt; mức hình phạt tuyên phạt đối với bị cáo chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; xử lý vật chứng không chính xác.

Công tác Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự đã chỉ đạo, rà soát, tập trung giải quyết các vụ việc có điều kiện thi hành; sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền trong công tác thi hành án tiếp tục được tăng cường. Năm 2019, kết quả thi hành án dân sự tiếp tục vượt chỉ tiêu cả về số việc và số tiền thi hành. Tuy vậy, số tiền chưa có điều kiện thi hành án trong các vụ việc tín dụng ngân hàng còn chiếm tỉ lệ rất cao. Số vụ việc cưỡng chế thi hành án còn ít so với số án có điều kiện thi hành. Thực hiện nghiệp vụ thi hành án ở một số đơn vị còn để xảy ra một số vi phạm; đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn.

Một số lĩnh vực về quản lý nhà nước cần quan tâm

Về hoạt động trợ giúp pháp lý, những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả tích cực; số lượng, chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng lên. Tuy vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý còn một số tồn tại, hạn chế: Nhận thức của một bộ phận Nhân dân cũng như một số cơ quan, đơn vị, địa phương đối với hoạt động trợ giúp pháp lý chưa thực sự đầy đủ; số người thuộc diện trợ giúp pháp lý trên địa bàn gia tăng, nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng lớn trong khi các điều kiện để đảm bảo cho công tác trợ giúp pháp lý còn hạn chế…

Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng được quan tâm. Các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển; cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật trong tổ chức và hoạt động; phối hợp khá tốt với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, các tổ chức tín dụng… để nắm bắt thông tin, kiểm tra, củng cố hồ sơ pháp lý, thực hiện hoạt động công chứng đảm bảo tính pháp lý. Tuy vậy, mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng phân bố ở các địa phương, khu vực chưa đồng đều, đang chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã và một số ít huyện có điều kiện thuận lợi, do vậy chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch…

Từ những kết quả và hạn chế nêu trên, Ban kiến nghị, đề xuất một số vấn đề cụ thể sau đây:

Đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh, cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có các giải pháp tích cực để kiềm chế, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Xác định, theo dõi sát tình hình, diễn biến những vấn đề còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo rà soát việc giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài để có giải pháp xử lý dứt điểm. Xây dựng phần mềm dùng chung trong công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc hoạt động trợ giúp pháp lý bảo đảm đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý; cân đối, bố trí đủ kinh phí công tác trợ giúp pháp lý nói chung và kinh phí thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững, Đề án trợ giúp người khuyết tật nói riêng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Xây dựng chương trình, biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo cân đối, hài hòa giữa các địa bàn, khu vực, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch. Kịp thời xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của tỉnh và ban hành quy chế khai thác, sử dụng.

Đối với các cơ quan tư pháp, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng với nhau và với các cơ quan bổ trợ tư pháp khác trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, trọng tâm là chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; tăng cường kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp và chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án, nhất là xét xử các vụ án hình sự và tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tiếp nhận, quản lý, giam, giữ, cải tạo và chế độ đối với người đang bị tạm giam, tạm giữ và thi hành án phạt tù. Tập trung chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, sai sót về chuyên môn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ xét xử đối với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp dưới. Quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên, Hội thẩm Nhân dân. Đối với một số vụ án sau khi tuyên án có ý kiến chưa đồng tình cao, nhất là liên quan đến việc cải sửa án, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh có biện pháp tuyên truyền và cung cấp thông tin.

Đề nghị Cơ quan Thi hành án dân sự tập trung chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng trên địa bàn; tổ chức cưỡng chế thi hành án đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật; có hình thức xử lý theo quy định các đối tượng cố tình không chấp hành, cản trở thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động tổ chức thi hành án.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc