Thực tế vẫn còn nhiều trở lực lớn ảnh hưởng đến năng lực quyết định ngân sách của HĐND tỉnh. Để việc quyết định ngân sách thể hiện được đầy đủ ý chí của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, bên cạnh tăng cường năng lực, chú trọng cung cấp thông tin cho đại biểu, HĐND cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của mình.
Hoạt động của HĐND tỉnh Đăk Lăk nhiệm kỳ 2011-2016 cho thấy, các quyết định của HĐND tỉnh về ngân sách đã từng bước được nâng cao về chất lượng; quy trình lập dự toán, phân bổ ngân sách cơ bản bảo đảm tính công khai, minh bạch và tiến đến công bằng. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, năng lực quyết định ngân sách của HĐND tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách. Vẫn còn những quyết định mang tính hình thức, chưa phản ánh đầy đủ quan điểm, chính kiến của HĐND. Bên cạnh hạn chế về trình độ, năng lực của đại biểu, còn nhiều nguyên nhân khác.
Nhiều trở lực
Chưa tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng dự toán ngân sách. Với vai trò là bộ phận chuyên trách, Thường trực, các ban HĐND tỉnh (trực tiếp là Ban Kinh tế - Ngân sách) phải có trách nhiệm tham gia ngay từ đầu quá trình lập dự toán, có như vậy mới bảo đảm thực thi được ý chí của cơ quan dân cử trong các quyết định của mình. Tuy nhiên, điều kiện để Thường trực, các ban HĐND tỉnh tiếp cận quá trình lập dự toán ngân sách chưa nhiều, nên vai trò của cơ quan chuyên trách HĐND trong giai đoạn này khá mờ nhạt. Theo quy định, báo cáo dự toán thu chi ngân sách địa phương trước khi trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh phải trình Thường trực HĐND xem xét, cho ý kiến. Nhưng trên thực tế, thủ tục này hầu như không được thực hiện. Thường trực HĐND tỉnh chỉ tham gia ý kiến vào bản báo cáo dự toán thu, chi ngân sách tại cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì với tư cách là thành phần mời dự họp, nên rất khó thể hiện hết quan điểm, nội dung góp ý.
Do trong quản lý ngân sách, nhiều nội dung phải được sự thống nhất từ cơ quan tài chính cấp trên, nên nếu không tham gia đầy đủ ngay từ đầu thì việc điều chỉnh dự toán tại kỳ họp HĐND sẽ gặp trở ngại do đã được cơ quan tài chính cấp trên thống nhất. Điều này đã ảnh hưởng không ít đến năng lực quyết định ngân sách của HĐND tỉnh.
Sức ép về thời gian. Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu ngân sách trước ngày 20.11 năm trước (thông thường là từ 20-25.11). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh hoàn chỉnh dự toán trình HĐND tỉnh quyết định trước ngày 10.12 năm trước. Việc hoàn chỉnh dự toán của UBND tỉnh (trực tiếp là Sở Tài chính) trong thời hạn khoảng 15 ngày là rất gấp, gây ra khó khăn nhất định, nhất là khi có những điều chỉnh lớn. Do vậy, việc hoàn chỉnh hồ sơ dự toán ngân sách gửi đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp 5 ngày theo quy định là không bảo đảm, thường sát ngày họp, đại biểu HĐND tỉnh mới nhận được tài liệu này. Có khi dự toán lại được điều chỉnh ngay sát ngày diễn ra kỳ họp. Thực tế này làm cho công tác thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh gặp nhiều khó khăn, do không đủ thời gian nghiên cứu, xem xét chi tiết, đầy đủ. Đại biểu HĐND tỉnh cũng khó nắm bắt hết nội dung dự toán để cho ý kiến tại kỳ họp. Từ đó, quyết định dự toán ngân sách chưa thể hiện đầy đủ ý chí của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Quyết toán ngân sách còn nặng tính hình thức. Sau mỗi niên độ, ngân sách cấp tỉnh phải được HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán. Đây là khâu cuối trong một chu trình ngân sách nhằm tổng kết, đánh giá việc chấp hành ngân sách. Theo quy định, quyết toán ngân sách địa phương do HĐND tỉnh phê chuẩn bao gồm các khoản thu, chi ngân sách trên địa bàn. Tuy nhiên, có những khoản thu, chi ngân sách không nằm trong danh mục dự toán ngân sách do HĐND tỉnh quyết định ngay từ đầu năm nhưng vẫn thuộc nội dung quyết toán, như hầu hết vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư trên địa bàn... Rõ ràng, việc quyết toán những nội dung ngân sách không do mình quyết định đã cho thấy sự thiếu toàn diện trong các quyết định về ngân sách của HĐND tỉnh.
Một thực tế khác cũng làm cho nhiều đại biểu HĐND băn khoăn khi đưa ra quyết định thông qua quyết toán ngân sách, đó là cơ sở kiểm chứng số liệu quyết toán hầu như không có. Với lực lượng thành viên và điều kiện của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND cấp tỉnh hiện nay, việc thẩm tra báo cáo quyết toán chỉ là những nhận định mang tính chủ quan, phụ thuộc vào số liệu do UBND báo cáo. Trong khi đó, việc kiểm toán ngân sách của Kiểm toán nhà nước không được tiến hành thường xuyên và thường công bố kết quả sau khi HĐND tỉnh phê chuẩn quyết toán. Do vậy, việc phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương của HĐND tỉnh thời gian qua còn hình thức. Hầu hết đại biểu không tham gia góp ý, hoặc chất vấn về các nội dung trong dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của HĐND
Những vấn đề nêu trên đã cho thấy nhiều trở lực lớn ảnh hưởng đến năng lực quyết định ngân sách của HĐND tỉnh. Để quyết định ngân sách thể hiện được đầy đủ ý chí của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, trước hết cần tăng cường năng lực của đại biểu trong lĩnh vực tài chính ngân sách. HĐND tỉnh phải sớm đưa vào kế hoạch tập huấn nhằm cung cấp cho đại biểu, nhất là thành viên Ban Kinh tế-Ngân sách kiến thức về lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư XDCB; kỹ năng giám sát ngân sách... Đề xuất chỉnh sửa lại thời gian gửi hồ sơ dự toán ngân sách đến đại biểu dài ngày hơn, để đại biểu có thời gian nghiên cứu; đồng thời từng đại biểu HĐND cũng cần tự nghiên cứu, tiếp cận với những phương pháp, cách thức đánh giá, giám sát ngân sách của các địa phương để so sánh và liên hệ với thực tế tại địa phương.
Chú trọng cung cấp thông tin cho đại biểu. Bảo đảm các quyết định của HĐND chính xác, đúng đắn, các đại biểu phải được cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình thu, chi ngân sách địa phương; tình hình đầu tư XDCB hàng năm, tiến độ giải ngân... Trên thực tế, đại biểu HĐND thuộc nhiều thành phần, chuyên môn khác nhau nên ít có điều kiện nghiên cứu sâu về lĩnh vực tài chính, ngân sách. Mặt khác, chỉ có một Trưởng hoặc Phó các ban HĐND hoạt động chuyên trách, thành viên các ban đa số hoạt động kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian đầu tư cho hoạt động dân cử. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các ban HĐND, đặc biệt là Ban Kinh tế-Ngân sách có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Để có thể đưa ra những ý kiến phản biện chất lượng, đòi hỏi Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh phải trực tiếp tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng ngân sách để nắm được bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính, ngân sách của địa phương. Bên cạnh đó, báo cáo kết quả kiểm toán của cơ quan Kiểm toán nhà nước cũng cung cấp cho đại biểu thêm thông tin hữu ích cho việc xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Vì vậy, HĐND tỉnh cần chủ động thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác với Kiểm toán nhà nước khu vực, thông qua ý kiến kết luận của cơ quan kiểm toán, đại biểu HĐND phân tích, đánh giá và có ý kiến sâu hơn trong việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của địa phương.
Thời gian tới, ngoài tăng cường năng lực, bồi dưỡng, đào tạo, cung cấp đầy đủ thông tin để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, cần quan tâm bố trí đủ số lượng biên chế cán bộ, chuyên viên giúp việc có năng lực, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cần tăng cường đại biểu chuyên trách, giảm bớt các thành viên là đại biểu kiêm nhiệm và tăng số lượng cán bộ tham mưu, giúp việc cho HĐND trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của HĐND. Với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cơ quan quyết định về ngân sách, HĐND cần đổi mới quy trình và nội dung hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, cần xem xét, chọn những vấn đề then chốt, nổi cộm để khảo sát, giám sát. Qua đó, tham mưu cho HĐND có những quyết sách đúng và hiệu quả hơn khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của mình trước nhân dân.
Thông qua các nghị quyết về ngân sách, HĐND tỉnh phải tạo ra được cơ chế rõ ràng, minh bạch trong việc phân bổ ngân sách. Đây là cơ sở pháp lý để các cấp ngân sách thực hiện nhiệm vụ hàng năm; cũng là cơ sở để HĐND tỉnh quyết định dự toán, quyết toán hàng năm và giám sát ngân sách. Quá trình thực hiện nếu có một số điểm chưa thật sự phù hợp, qua giám sát, HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp với quá trình xây dựng phương án cho thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo (năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách).
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)