Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, ngoài sự vận động tự thân của Hội đồng nhân dân, sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng giữ vai trò rất quan trọng. Sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân là một tất yếu, khách quan:
Nghiên cứu lý luận và xét cả quá trình thực tiễn cách mạng cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung, trong đó có cơ quan nhà nước nói riêng mang tính tất yếu khách quan. Đảng ta thực hiện vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị là do sứ mệnh lịch sử của tổ chức chính trị cách mạng của giai cấp tiên phong, được Hiến pháp - bộ luật cơ bản đại diện cho ý chí, trí tuệ của nhân dân quy định, là đòi hỏi tất yếu của lịch sử và của nhân dân Việt Nam, chứ không phải do ý chí chủ quan của Đảng.
Các đảng viên được giới thiệu làm đại biểu dân cử tất yếu phải do nhân dân (cử tri) bầu ra. Các tổ chức đảng trong bộ máy nhà nước, trong đó có Hội đồng nhân dân đều là đại biểu cho quyền lợi, lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Hội đồng nhân dân nói chung, cũng như hoạt động giám sát nói riêng cũng vì mục đích đó.
|
Đồng chí Trần Nam Hồng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh" |
Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân nuôi dưỡng, giáo dục mà trưởng thành. Hội đồng nhân dân do nhân dân (cử tri) bầu ra đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, nhân dân ta lựa chọn Đảng là nhân tố lãnh đạo cách mạng duy nhất là tất yếu. Đảng vừa là thành viên, vừa là tổ chức lãnh đạo hệ thống chính trị. Cũng từ đó nhân dân có quyền đòi hỏi và tích cực tham gia xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; ngược lại, Đảng thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân (trong đó có hoạt động giám sát), trước hết cần xác định rõ phạm vi, chức trách, thẩm quyền của cấp ủy địa phương. Tránh khuynh hướng cấp ủy bao biện, làm thay, xem cơ quan quyền lực nhà nước như là công cụ để “hợp thức hóa” các chủ trương, nghị quyết, quyết định của cấp ủy. Mặt khác tránh tình trạng buông lỏng, bỏ mất vai trò lãnh đạo, dẫn dắt hoặc trầm trọng hơn là sự lãnh đạo của cấp ủy bị xem nhẹ, từ chối.
Trong thời gian qua, cùng với thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp ở Hà Tĩnh đã thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát theo quy định. Thông qua hoạt động giám sát, hội đồng nhân dân đã đánh giá chính xác kết quả thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, sự tuân thủ pháp luật trong cuộc sống. Qua đó kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những xu hướng vận động, phát triển tích cực; mặt khác chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong thực thi hoạt động của các cơ quan, tổ chức do Hội đồng nhân dân thành lập, của tổ chức cơ quan hành pháp, tư pháp theo quy định của pháp luật thuộc quyền giám sát trực tiếp của Hội đồng nhân dân.
Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nhằm tăng cường tính thực thi của nghị quyết Hội đồng nhân dân vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác đối ngoại, xây dựng và phát triển địa phương về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của địa phương với Nhà nước v.v…
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ở Hà Tĩnh thời gian qua còn có những hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là vai trò lãnh đạo của một số cấp uỷ đảng đối với Hội đồng nhân dân nói chung, lãnh đạo hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn tình trạng một số nơi buông lỏng, xem nhẹ vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, dẫn đến “khoán trắng” cho các cơ quan của Hội đồng nhân dân; một số cấp uỷ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có biểu hiện bao biện, làm thay, làm mất tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân. Sự kết hợp giữa kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng với giám sát của Hội đồng nhân dân thiếu thường xuyên, chưa thống nhất, hiệu quả thấp. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở, đồng chí Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân chưa phân định rõ ràng, cụ thể chức năng nhiệm vụ để phát huy tốt vai trò vừa là Bí thư cấp ủy, vừa là Chủ tịch Hội đồng nhân dân…
Trong thời gian tới, để tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ đảng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, cần tập trung vào một số nội dung sau:
Tăng cường lãnh đạo việc thể chế hoá chủ trương, nghị quyết của Đảng và giám sát việc thực hiện.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với Hội đồng nhân dân. Cấp uỷ đảng lãnh đạo các cơ quan nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, bằng các chỉ thị, nghị quyết của cấp uỷ cấp trên và cấp mình thông qua Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ chức đảng của Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, cấp xã và các đại biểu Hội đồng nhân dân là các đảng viên và thông qua tổ chức, bộ máy, cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị. Thông qua các hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, cấp uỷ đảng cần tạo cơ chế, điều kiện để phát huy dân chủ rộng rãi, tăng cường tính chủ động, sáng tạo của hội đồng nhân dân; cấp uỷ đảng không bao biện, làm thay nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân.
Các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy mang tính định hướng, từ đó Hội đồng nhân dân các cấp thể chế hóa thành các nghị quyết, chương trình, quyết định làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân các cấp cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách để triển khai tổ chức thực hiện.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Hội đồng nhân dân tỉnh. Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện, cấp xã lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định chương trình, kế hoạch, tổ chức giám sát các chuyên đề đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương đã được nghị quyết của cấp ủy của Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.
Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy thảo luận để thống nhất chủ trương về các kế hoạch, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại… thì các cơ quan của Hội đồng nhân dân cùng cấp cần tham gia thẩm định, thể hiện rõ quan điểm của mình, tham gia ý kiến với cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, nhằm tạo sự thống nhất cơ bản ban đầu trước khi Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thông qua đảng viên, cấp ủy viên là đại biểu Hội đồng nhân dân để phát huy tính tiên phong gương mẫu tự giác chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng và nhà nước cấp trên, các quyết định của Hội đồng nhân dân cùng cấp; đồng thời thuyết phục, vận động đại biểu Hội đồng nhân dân không phải là đảng viên cùng thực hiện.
Tăng cường lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác cán bộ của hội đồng nhân dân các cấp.
Chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ của Hội đồng nhân dân, bao gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân và cán bộ, nhân viên các cơ quan chuyên trách của Hội đồng nhân dân. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; tuân thủ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; mặt khác phải phát huy thẩm quyền, trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu sử dụng cán bộ. Đồng thời với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương án cơ cấu nhân sự Hội đồng nhân dân theo quy định, cấp ủy thống nhất giới thiệu đảng viên ưu tú để bầu vào đại biểu Hội đồng nhân dân và giới thiệu những đảng viên là đại biểu Hội đồng nhân dân có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kinh nghiệm để tham gia vào các cơ quan lãnh đạo của Hội đồng nhân dân, nhất là những đồng chí trong thường trực Hội đồng nhân dân.
Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy có thẩm quyền quyết định cán bộ trên cơ sở tham mưu của cơ quan tổ chức cán bộ và tổ chức đảng thuộc cơ quan Hội đồng nhân dân giới thiệu các đại biểu hội đồng nhân dân tiêu biểu để được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Hội đồng nhân dân. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, thực hiện nghiêm túc quy chế bầu cử trong Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Củng cố hoàn thiện dần các cơ quan chuyên trách của Hội đồng nhân dân thực sự có tính chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp giữa các ban của Hội đồng nhân dân cấp trên với thường trực và các ban của Hội đồng nhân dân cấp dưới. Định biên đủ số lượng và lựa chọn cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm; đồng thời quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ các cơ quan chuyên trách của Hội đồng nhân dân. Cần nghiên cứu ban hành cơ chế huy động, sử dụng chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu về các lĩnh vực nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ đảng. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ đảng với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và công tác thanh tra nhà nước.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân là một khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng. Công tác kiểm tra, giám sát là việc làm thường xuyên của mọi tổ chức đảng và đảng viên; lãnh đạo phải đi liền với kiểm tra, giám sát, không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo. Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; giám sát phải được tiến hành thường xuyên đối với việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, của nhà nước cấp trên và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy, nhà nước cùng cấp; kết hợp kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ chung với kiểm tra, giám sát tư cách đảng viên, việc thi hành Điều lệ Đảng, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên là đại biểu Hội đồng nhân dân, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Việc kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng được thực hiện thông qua công tác tự kiểm tra của Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh; của tổ chức đảng ở cơ quan Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên. Đối với Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã, Ban Thường vụ cấp ủy, Ủy ban kiểm tra cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định.
Các cơ quan trong hệ thống chính trị nước ta có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các hoạt động của hệ thống chính trị theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua các tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Chức năng kiểm tra, giám sát, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra của các tổ chức trong hệ thống chính trị có sự khác nhau về chủ thể, đối tượng, phạm vi, phương pháp, quy trình... nhưng đều có chung mục đích là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của từng tổ chức và của cả hệ thống. Do đó, cần tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan kiểm tra của cấp ủy với cơ quan thanh tra nhà nước và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện giám sát và kiến nghị xử lý sau hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cần kết hợp chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, công tác thanh tra của cơ quan nhà nước để đảm bảo chính xác, khách quan.
Để tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở hiểu biết đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với hệ thống chính trị. Từ đó tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động nói chung, hoạt động giám sát nói riêng của Hội đồng nhân dân các cấp trong tình hình mới.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)