Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng tham dự hội nghị.
|
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí: Hoàng Trung Dũng, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Tú Anh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện Lãnh đạo Ban Pháp chế, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh và Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng dự.
Năm 2021, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử, năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, một số tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung còn phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, lũ lụt, thiên tai diện rộng, tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân; Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành các văn bản hướng dẫn, giám sát giúp HĐND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện tốt chức năng, vai trò là cơ quan đại diện cho Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri đã bầu 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện; 239.788 đại biểu HĐND cấp xã. Ngay sau khi có kết quả bầu cử, HĐND các cấp đã tổ chức Kỳ họp thứ Nhất để kiện toàn bộ máy tổ chức và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.
|
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 5,02%; GRDP bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng; thu ngân sách đạt gần 17 ngàn tỷ đồng, vượt kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Sản xuất nông nghiệp được mùa; từng bước triển khai hiệu quả Đề án Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021- 2025. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 173/182 xã (tỷ lệ 95%) đạt chuẩn nông thôn mới; 08/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Một số công trình trọng điểm được khởi công xây dựng, như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II với tổng số vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD; Nhà máy Pin VinES với tổng số vốn đăng ký gần 9 ngàn tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Hoạt động dạy và học diễn ra bình thường. Thành lập Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đại học, đã có 137 em được hỗ trợ trong suốt quá trình học đại học. Tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng 43 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ và 3.500 nhà ở kiên cố cho các hộ dân với kinh phí gần 300 tỷ đồng.
|
Đạt được những kết quả trên, có đóng góp hết sức quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp. Với tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức 09 kỳ họp, trong đó có 07 kỳ họp chuyên đề. Việc chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp có nhiều đổi mới. Số đại biểu tham gia thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp tăng, sôi nổi, thẳng thắn, giải quyết kịp thời các vấn đề cử tri quan tâm. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 76 nghị quyết, tập trung vào các nội dung xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trọng tâm như: Thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chính sách tạo nguồn lực xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức tốt các cuộc giám sát chuyên đề; giám sát công tác giải quyết kiến nghị của cử tri…
Phát biểu kết luận Hội nghị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã biểu dương kết quả đã đạt được trong năm 2021, nhất là cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kịp thời kiện toàn bộ máy lãnh đạo HĐND và UBND các cấp; khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lũ năm 2020 để lại, dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp….
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Hội nghị.
|
Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị HĐND, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn; đồng thời tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; mỗi kỳ họp của HĐND nên có đề án riêng về công tác truyền thông theo từng phiên họp và theo từng kỳ họp. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh, công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch đại biểu HĐND. HĐND các tỉnh, thành phố phối hợp Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND, công chức, viên chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND.
Rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc HĐND ban hành nghị quyết về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tích cực đóng góp cụ thể vào dự thảo đề án và dự thảo nghị quyết để khi ban hành đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời tổ chức giám sát đối với các hoạt động giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị HĐND các địa phương tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa HĐND tỉnh, thành phố; giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND. “Trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và HĐND các tỉnh, thành phố xây dựng đề án Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp”.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)