Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực, hệ thống cơ chế chính sách về phát triển kinh tế xã hội
EmailPrintAa
10:00 16/07/2018

Tại kỳ họp thứ 7, sau khi thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 và các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về một số quy hoạch, quy định, chính sách lĩnh vực kinh tế và ngân sách trình Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVII Kỳ họp thứ 7. Thay mặt Ban Kinh tế - ngân sách đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả thẩm tra như sau:

I. Về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018

Đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả thẩm tra

 

1. Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 6 tháng đầu năm 2018, trong 6 tháng đầu năm 2018 Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực xử lý có hiệu quả những vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài góp phần phát triển kinh tế ổn định xã hội: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ cao nhất từ trước đến nay, cả 03 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có sự tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách đạt kế hoạch HĐND tỉnh giao; chi ngân sách địa phương cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ theo kế hoạch, các đề án chính sách được đảm bảo. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố; nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước có mức tăng trưởng khá, một số dự án quy mô lớn được khởi động; các dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ; tích cực phối hợp với bộ, ngành, trung ương để đưa lò cao số 2 đi vào hoạt động đúng lộ trình kế hoạch; hoạt động du lịch, dịch vụ có bước khởi sắc; công tác xúc tiến đầu tư đạt được một số kết quả khá tích cực, thu hút được một số dự án lớn, như: Dự án thành phố giáo dục quốc tế; Dự án khu đô thị Lam Hồng; Dự án khu đô thị Hàm Nghi giai đoạn 2; Dự án Khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ…; bố trí nguồn ưu tiên trả nợ XDCB cho công trình, dự án của các cấp theo quy định của Luật Đầu tư công. Đạt được những kết quả này là do chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân các cấp và sự đồng tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân tỉnh nhà.

2. Bên cạnh đó, báo cáo cần bổ sung và làm rõ thêm một số nội dung sau:

(1). Tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng cao, nhưng mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào xuất khẩu thép, nhiệt điện, dầu khí, bia và của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xuất khẩu phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế khác. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường còn rất hạn chế.

(2). Nông nghiệp cơ bản được mùa song thị trường vẫn chưa ổn định; quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp còn bất cập. Việc duy trì sản xuất và tiến độ các công trình, dự án trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp, các chuỗi liên kết sản xuất gặp khó khăn. Chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

(3). Du lịch có dấu hiệu phục hồi song chưa đạt kế hoạch. Việc cơ cấu lại NSNN và nợ công vẫn đang gặp khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng; trong 6 tháng đầu năm, tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán, thu tại một số địa phương, đơn vị đạt thấp so với kế hoạch. Nợ đọng thuế đến thời điểm 30/6/2018 còn lớn.

(4). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thấp hơn giá trị cùng kỳ năm 2017. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm không đạt kế hoạch đề ra, một số nguồn vốn tỉ lệ giải ngân rất thấp. Số dư tạm ứng từ năm 2014 trở về trước còn khá cao. Doanh nghiệp hoạt động khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh và không phát sinh thuế lớn.

(5). Việc quản lý, sử dụng đất hiệu quả chưa cao; chưa tập trung các cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản có mặt chưa đạt yêu cầu; việc khai thác đất, cát trái phép còn diễn ra. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội.

3. Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, cùng với các giải pháp đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh, kiến nghị UBND tỉnh tập trung cao một số giải pháp sau:

(1). Triển khai các giải pháp mạnh để tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện từ quá trình điều hành kinh tế-xã hội năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018. Quan tâm hơn đến chất lượng tăng trưởng, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách của HĐND, UBND tỉnh đã ban hành.

(2). Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực, hệ thống cơ chế chính sách về phát triển kinh tế xã hội, điều hành thu chi ngân sách theo quy định hướng dẫn của bộ, ngành trung ương gắn với việc hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

(3). Quan tâm công tác quản lý, theo dõi sát biến động thị trường để có những điều chỉnh cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra, góp phần thu NSNN đạt và vượt dự toán. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, cơ cấu lại, tiết kiệm và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi từ NSNN; kiểm soát tình trạng chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tập trung các giải pháp thu hồi tạm ứng theo đúng quy định. Tiếp tục rà soát, cân đối, ưu tiên nguồn lực để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng.

(4). Xây dựng và ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể cơ cấu lại ngành nông nghiệp; vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, khu chăn nuôi tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để góp phần gia tăng giá trị và bảo đảm tính bền vững, khả năng chống chịu trước rủi ro của thiên tai và biến đổi khí hậu; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh gắn với đầu ra của sản phẩm. Chấn chỉnh công tác cấp phép, cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm những hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng, chế biển thủy sản. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Nghiên cứu ban hành chính sách để tiếp tục phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ, vệ tinh trong khu kinh tế Vũng Áng, trong đó có công nghiệp chế tạo, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

(5). Triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch hành động số 208/KH-UBND ngày 02/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP 15/5/2018 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm. Tiếp tục quan tâm phát triển doanh nghiệp gắn với chất lượng hoạt động và thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN; thực hiện các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống…; tăng cường xúc tiến đầu tư, cụ thể hóa các chính sách để thu hút nhà đầu tư sớm triển khai các dự án: Đô thị Hàm Nghi, đô thị Đại học Hà Tĩnh, khu công viên Trung tâm thành phố Hà Tĩnh…

(6). Ban hành chương trình, kế hoạch để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo định hướng tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội và Nghị quyết số 27/NQ-CP 21/02/2017 của Chính phủ.

(7). Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, khoảng sản và bảo vệ môi trường; thực hiện thu hồi đất của các dự án sử dụng đất sai mục đích, ảnh hưởng môi trường và quá thời hạn sử dụng; xây dựng phương án, tổ chức đấu giá, sớm tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý đất và tài sản gắn liền với đất của các trụ sở, cơ quan, đơn vị sự nghiệp dư thừa sau sáp nhập hoặc thuộc diện đấu giá, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng. Chấn chỉnh việc khai thác đất, cát trái phép; cải tạo, phục hồi môi trường đối với các mỏ vật liệu xây dựng sau khai thác.

Tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác, chế biến tiêu thụ khoáng sản; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo chính sách của Trung ương và của tỉnh. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo hướng chuyên sâu, hiện đại; kịp thời chấn chỉnh, quy định cụ thể việc giao đất ở.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường biển; tăng cường giám sát, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.

(8). Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Chú trọng thu hút và phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, đặc biệt trong sản xuất, chế biến, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

II. Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế và ngân sách

Ban Kinh tế - ngân sách đã tổ chức làm việc với cơ quan soạn thảo, có ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo; cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo; Vì vậy, Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và có một số ý kiến cụ thể như sau:

1. Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết.  Đồng thời, đề nghị quan tâm thêm một số nội dung:

- Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014; trong đó đánh giá rõ việc sử dụng ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh để việc đưa ra chính sách lần này đảm bảo thực thi đúng quy định tại Khoản 4, Điều 9, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

- Nghiên cứu bổ sung các chính sách đảm bảo doanh nghiệp thành lập mới được hưởng các chính sách như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ.

2. Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về ban hành Quy định một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo

Ban Kinh tế ngân sách cơ bản thống nhất với nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết. Nghị quyết này tích hợp nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau (Hỗ trợ khuyến công, hỗ trợ phát triển khu, cụm công nghiệp, ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ), có phạm vi tác động rộng, đối tượng chịu sự điều chỉnh và yêu cầu nguồn lực lớn, do vậy sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất ban hành Nghị quyết, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình, khả năng ngân sách, ưu tiên bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện Nghị quyết.

3. Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết Điều chỉnh Quy hoạch Tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035

Nhìn chung Quy hoạch được trình bày khoa học, bố cục theo quy định tại đề cương nhiệm vụ được duyệt và Thông tư hướng dẫn; thông tin số liệu được cập nhật, đầy đủ, số liệu viện dẫn nguồn rõ ràng, chính xác, có độ tin cậy. Nội dung quy hoạch cơ bản đã đáp ứng theo Đề cương, nhiệm vụ quy hoạch được tỉnh duyệt.

Dự thảo Nghị quyết cơ bản đã làm rõ được các mục tiêu tổng quát và cụ thể, phân vùng quy hoạch, nội dung quy hoạch phân bổ tài nguyên nước, quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước, đưa ra 07 nhóm giải pháp phi công trình và 03 nhóm giải pháp công trình, kèm theo hệ thống 07 phụ lục. Nội dung Quy hoạch đã được chia thành 3 giai đoạn thực hiện rõ ràng: giai đoạn 2018-2020, 2021-2025, 2026-2035.

Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhằm cụ thể hoá nội dung điều chỉnh Quy hoạch.

4. Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Quy hoạch được trình bày khoa học, bố cục theo quy định tại hướng dẫn và đề cương nhiệm vụ được duyệt; thông tin số liệu có tính kế thừa, cơ bản được điều tra bổ sung, cập nhật, phong phú, đầy đủ, có độ tin cậy. Nội dung quy hoạch cơ bản đã đáp ứng theo Đề cương, nhiệm vụ quy hoạch được tỉnh duyệt. Dự thảo Nghị quyết cơ bản đã đầy đủ các nội dụng chủ yếu của Quy hoạch, làm rõ được các mục tiêu tổng quát và cụ thể, nội dung quy hoạch đưa ra 07 nhóm giải pháp thực hiện và 15 nhiệm vụ/dự án ưu tiên. Nội dung Quy hoạch đã được chia thành 3 giai đoạn thực hiện rõ ràng: giai đoạn 2018-2020, 2021-2025, 2026-2030. Tuy vậy, hệ thống các số liệu chủ yếu về Quy hoạch chưa được đưa vào đầy đủ trong dự thảo Nghị quyết thông qua hệ thống phụ lục, hệ thống bản đồ liên quan chưa được làm rõ đảm bảo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.

Về phạm vi quy hoạch: Phạm vi không gian Quy hoạch bao gồm vùng đất nội địa, vùng cửa sông, ven biển; tuy vậy, mức độ tập trung nghiên cứu, đưa ra các nhóm giải pháp còn hạn chế đối với vùng cửa sông, ven biển, nhất là liên quan đến vùng nước lợ, thảm san hô, động vật đáy, động vật phù du…

Về kỳ quy hoạch: Kỳ quy hoạch chỉ có 03 năm (từ năm 2018 đến năm 2020) và định hướng 10 năm (đến năm 2030) chưa phù hợp với quy định thời kỳ quy hoạch của Luật và hướng dẫn của Tổng cục Môi trường: “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh lập cho thời kỳ 10 năm, có tầm nhìn từ 15 - 20 năm, thể hiện cho từng thời kỳ 5 năm”.

Về thành lập mới 01 trung tâm cứu hộ động vật trong vườn quốc gia Vũ Quang thuộc thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang đề nghị điều chỉnh “tiểu khu 170” thành “tiểu khu 146a”.

Về các nhóm giải pháp: Ban Kinh tế - ngân sách cơ bản thống nhất với 07 nhóm giải pháp như dự thảo đưa và đề nghị xem xét bổ sung một số giải pháp sau:

- Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, các văn bản liên quan quy định, hướng dẫn, nhất là các cơ chế phối hợp, hợp tác trong quản lý; cơ chế chính sách về tài chính để thúc đẩy phát triển hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học;

- Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bảo vệ môi trường trong; nghiên cứu, cân nhắc, đánh giá đầy đủ hiện trạng môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, phương thức sử dụng tài nguyên, các tác động đến môi trường, đa dạng sinh học, khả năng chịu tải của môi trường và tính đặc thù của hệ sinh thái, đưa ra các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả khi quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt các dự án phát triển kinh tế - xã hội;

Nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng thay thế; nghiên cứu thí điểm thực hiện bồi hoàn đa dạng sinh học; siết chặt công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất rừng, tài nguyên thiên nhiên; Bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến tài nguyên khoáng sản;

Nâng cao chất lượng môi trường, hệ sinh thái ven bờ phục vụ các mục tiêu về phát triển du lịch bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển nguồn lợi thủy sản, tính đa dạng của hệ sinh thái.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện quy hoạch bảo tồn sau khi được phê duyệt; kết hợp hình thức bảo tồn và du lịch sinh thái một cách hợp lý; sử dụng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường; vận động cộng đồng tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái.

- Bổ sung nhóm giải pháp về sinh kế cho người dân vùng đệm.

5. Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất (bổ sung) năm 2018

Thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, địa phương tập trung công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng dẫn, kịp thời triển khai, lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện hàng năm,... Tuy nhiên, kết quả thực hiện danh mục đạt được chưa cao. Tờ trình của UBND tỉnh chưa đánh giá kết quả thực hiện danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất 6 tháng đầu năm.

Về nội dung danh mục kèm theo Dự thảo Nghị quyết, Ban Kinh tế - ngân sách nhận thấy:

- Ngoại trừ một số dự án mới phát sinh, triển khai có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và địa phương thì rất nhiều dự án, công trình chưa được bổ sung vào kỳ họp cuối năm 2017 do lỗi chủ quan của địa phương, đơn vị trong việc rà soát, thẩm định và công tác lập kế hoạch.

- Một số dự án cấp bách đã triển khai, chuẩn bị hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng giữa 2 kỳ họp chưa trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét chấp thuận, mà mới trình HĐND tỉnh tại kỳ họp này.

- Nhiều công trình, dự án trong danh mục cần thu hồi đất còn thiếu căn cứ pháp lý như quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền hoặc được đã ghi kế hoạch vốn thực hiện trong năm cần phải bổ sung đầy đủ. Một số nội dung trong danh mục còn viết tắt, không làm rõ tên công trình dự án theo chủ trương đầu tư, thiếu địa chỉ cụ thể (theo yêu cầu phải chi tiết đến cấp thôn), diện tích xác định thiếu cụ thể;...

- Xem xét lại 12 dự án nằm trong trong khu công nghiệp, khu chức năng của khu kinh tế thuộc thẩm quyền quyết định thu hồi của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Kinh tế - ngân sách đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh:

(1). Bổ sung vào phụ lục nghị quyết các căn cứ pháp lý theo quy định đối với các dự án còn thiếu thông tin, những dự án chưa đủ căn cứ pháp lý và chưa thực sự cầp bách thì chưa đưa vào Nghị quyết.

(2). Chỉ đạo ngành Tài nguyên môi trường và các địa phương sớm chủ động rà soát đánh giá kết quả thực hiện năm 2018, làm tốt công tác kế hoạch đầu tư giai đoạn tiếp theo, tổng hợp đảm bảo quy trình.

6. Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo

Các nội dung tại Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết là phù hợp với các quy định Chính phủ về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khả năng tài chính và điều kiện cụ thể của địa phương.

 

 


    Ý kiến bạn đọc