Đồng chí Nguyễn Thiên- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 1 |
Với sự tham gia của 42 vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và 118 vị khách mời; đã có 31 ý kiến phát biểu trực tiếp tại tổ, 9 ý kiến tại hội trường và 158 ý kiến gửi lại bằng văn bản. Về cơ bản các ý kiến bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các nội dung báo cáo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân tỉnh và các ngành liên quan. Tán thành với các tờ trình, đề án của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này. Nhiều ý kiến đánh giá cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. Tại buổi thảo luận ở tổ và hội trường các đại biểu đã tập trung vào các nhóm vấn đề:
|
Đại biểu Hà Văn Thạch- Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại Tổ 2 |
Về đánh giá tình hình, kết quả đạt được, đa số đại biểu thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh, đồng thời đề xuất một số ý kiến như: Cần đánh giá thêm kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch 3 loại rừng, vấn đề giao đất giao rừng cho huyện, xã và hộ dân; Đề nghị điều chỉnh lại một số số liệu trong báo cáo để đảm bảo tính chính xác như: tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 5 tuổi là 5,71‰, giảm 2,5‰.
Về những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của UBND tỉnh các đại biểu đã phân tích và đóng góp một số ý kiến trên các lĩnh vực như:
|
Đại biểu Nguyễn Văn Hổ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 3 |
Trên lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp - nông thôn: Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Quản lý nhà nước về giống, giá vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn bất cập. Các dịch vụ cho nông nghiệp nông thôn ngày càng phong phú đa dạng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương thực hiện chưa nghiêm cơ cấu giống, lịch thời vụ và quy trình kỹ thuật. Một bộ phận nhân dân chưa quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, còn có hiện tượng bỏ ruộng hoang hóa. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp hiệu quả chưa cao, các mô hình kinh tế chưa được quan tâm nhân rộng, còn thiếu tính bền vững. Việc chủ động giống lúa cho các vụ sản xuất còn hạn chế, chưa có giống lúa chủ lực, còn thụ động, phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung ứng ngoài tỉnh, giá của lúa giống cao làm tăng chi phí sản xuất. Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất là sản phẩm đậu và lạc. Công nghiệp chế biến của tỉnh ta còn yếu, sản phẩm chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp. Doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư vào nông nghiệp và các lĩnh vực sản xuất, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp hoạt động xây dựng. Ngành du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chiến lược phát triển cụ thể.
Trên lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, Khoa học - Công nghệ: Cơ chế thực hiện dự án đo vẽ bản đồ địa chính còn bất cập, công tác đo vẽ bản đồ chậm hoàn thành ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Việc triển khai Đề án Phát triển quỹ đất theo Nghị quyết 22/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực hiện chậm, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác quản lý, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn còn nhiều hạn chế, việc cấp phép khai thác, thăm dò hoạt động khai thác chưa tốt. Các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn triển khai còn chậm; Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn chưa có nhiều chuyển biến. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng, hiệu quả thấp, như: An toàn vệ sinh thực phẩm, giá thuốc chữa bệnh, giá các mặt hàng nhập từ ngoại tỉnh, các loại hình kinh doanh có điều kiện.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt- Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh phát biểu tại phiên thảo luận Hội trường |
Trên lĩnh vực Văn hóa - Xã hội: Thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp còn có những bất cập về nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, điều kiện dạy học. Một số trường THCS và Tiểu học chung là không hợp lý.
Trên lĩnh vực Quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền: Phần đánh giá về quốc phòng an ninh trong báo cáo của UBND tỉnh còn sơ sài, nhiều nội dung về xây dựng nền quốc phòng, an ninh, Biên phòng toàn dân chưa được đề cập đến. Kỷ luật kỷ cương hành chính tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng nhìn chung chưa bền vững, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, nhất là cán bộ công chức thường tiếp xúc nhiều với nhân dân chưa cao, vẫn còn tình trạng đùn đẩy né tránh. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn phức tạp về trật tự an toàn xã hội như: Khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép, tranh chấp đất sản xuất.
|
Đại biểu Đỗ Khoa Văn - Tổ đại biểu huyện Thạch Hà phát biểu |
Phát biểu trực tiếp tại hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Mỹ- Chủ tịch Hội CCB cho rằng: thời gian tới, UBND tỉnh cần chú trọng hơn đến việc tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường; quan tâm đến việc quản lý, kiểm tra, kiểm sát việc khai thác cát trên sông La; việc nắm, dự báo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cần chủ động hơn; quan tâm nhiều hơn chính sách cho lực lượng quân sự, biên phòng, công an
Quan tâm đến việc lĩnh vực văn hóa, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh cho rằng: tỉnh cần chỉ đạo ngành văn hóa để khảo sát, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của tỉnh nhà; trong những năm qua việc nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nhiều nhưng thành phố Hà Tĩnh nguồn hỗ trợ còn thấp, đề nghị được hỗ trợ nhiều hơn; quan tâm bố trí vốn để sửa chữa, nâng cấp các công trình trường học bị xuống cấp trên địa bàn thành phố và xây dựng các tuyến đường Nguyễn Công Trứ, Mai Thúc Loan.
Đại biểu Đỗ Khoa Văn - Tổ đại biểu được bầu tại huyện Thạch Hà cho rằng, bên cạnh việc cải cách hành chính cần tập trung nhiều hơn cho công tác tuyên truyền, phổ biến các thủ tục hành chính, chính sách mới để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh, hiệu quả hơn; nghiên cứu các chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư lớn cho việc bao tiêu sản phẩm của người dân; hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở muốn nghỉ hưu do tình hình sức khỏe nhưng chưa đủ tuổi đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu nên hiệu quả công việc kém, cần có chính sách để thay đổi tình trạng trên
|
Đại biểu Nguyễn Ngọc Mỹ- Tổ đại biểu huyện Vũ Quang phát biểu |
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Đỉnh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh có ý kiến: cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của tỉnh ta với Thái Lan và các nước phát triển khác; việc cải cách hành chính cần phải nâng cao năng lực cán bộ, các quy chế, quy định cần cụ thể hơn và giám sát chặt chẽ việc thực hiện, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin
|
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Đỉnh- Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh phát biểu |
Đại biểu Đinh Hữu Tân - Tổ đại biểu được bầu tại huyện Hương Khê cho rằng, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong liên kết để phát triển ở các địa phương cần có sự kết nối, tư vấn của các sở ban ngành cấp tỉnh. Tỉnh cần tập trung chỉ đạo huyện, chủ rừng và các ngành liên quan để xác định tài sản trên đất để giao đất giao rừng hoàn thành vào năm 2015. Hiện nay, một số công trình trên địa bàn bị bão lụt phá hại nhưng chưa dược đầu tư, tỉnh cần có sự quan tâm đầu tư xây dựng. Huyện Hương Khê hiện có một số lượng cán bộ ở cơ sở chưa được đào tạo, tình cần có chính sách, điều chỉnh phù hợp đối với cán bộ cơ sở.
Đại biểu Trần Văn Kỳ- Tổ đại biểu được bầu tại huyện Đức Thọ cho rằng, một số tồn tại trong nhiều kỳ họp đã qua đã được cử tri, đại biểu phản ánh nhưng chậm được giải quyết như: tình trạng phân bón nông nghiệp chất lượng kém, giải quyết các vấn đề về tranh chấp đất rừng, giao khoán đất rừng, tình trạng người nông dân không mặn mà với ruộng... đề nghị cần tiến hành giải quyết dứt điểm; bố trí nguồn ngân sách để đầu tư cho văn hóa –xã hội trước hết là xây dựng trường, trạm chuẩn quốc gia, các nhà văn hóa thôn, xóm; các đề án sau khi được ban hành cần bố trí kịp thời kinh phí thực hiện, tuyên truyền, đánh giá, tập huấn để đề án đi vào cuộc sống.
|
Đại biểu Đinh Hữu Tân- Tổ đại biểu huyện Hương Khê phát biểu |
Đại biểu Võ Văn Phúc, Chủ tịch Hương Sơn mong muốn: việc phát triển các chính sách cần tổng hợp lại để ban hành một chính sách, các chính sách cần có tầm lớn hơn; hỗ trợ nguồn vốn để kịp thời sửa chữa đối với những công trình nhỏ lẻ hư hỏng nhẹ nhưng chưa được xử lý
Sau đại biểu Võ Văn Phúc, đại biểu Võ Hồng Hải cho rằng: Trong xây dựng nông thôn mới cần đánh giá tổng thể trên tất cả 19 tiêu chí. Huy động các nguồn lực xây dựng, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới còn khó khăn; nợ xây dựng cơ bản còn nhiều, nhất là công trình do cấp xã làm chủ đầu tư; có đánh giá đúng và dự báo tình hình về phát triển kinh tế của tỉnh nhà không để xảy ra tình trạng phát triển nóng dẫn đến nhiều hệ lụy về sau.
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các Tờ trình, Đề án UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2011- 2016, trong đó nổi bật như:
Đối với dự thảo Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2014, đa số ý kiến đồng ý với dự thảo Nghị quyết, đồng thời bổ sung một số ý kiến như: Đề nghị tiếp tục rà soát các nghị quyết của Hội đòng nhân dân, đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành để đánh giá và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện Luật đất đai năm 2013, nhất là những nội dung liên quan đến việc thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án; Đẩy nhanh tiến độ Đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và thực hiện kịp thời việc cắm mốc quy hoạch để quản lý. Tiếp tục chỉ đạo việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Hồng Lĩnh; Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, nông nghiệp với các nước trong khu vực. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh; Quan tâm, có kế hoạch cụ thể để đảm bảo an ninh trật tự, an ninh kinh tế, an ninh môi trường, đặc biệt tại các Khu kinh tế của tỉnh.
|
Đại biểu Trần Văn Kỳ- Tổ đại biểu huyện Đức Thọ phát biểu |
Về Tờ trình và dự thảo nghị quyết về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, một số ý kiến bổ sung như: Nghị quyết cần bổ sung một số mục tiêu cụ thể có tính định lượng để thực hiện và theo dõi giám sát; Ngân sách đảm bảo thực hiện Đề án trên cơ sở nhiệm vụ, kế hoạch hàng năm UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kinh phí thường xuyên; Đánh giá kỹ hơn chất lượng bộ máy an ninh, quân sự ở cấp cơ sở và nghiệp vụ xử lý tình huống. Có kế hoạch điều động, tăng cường cán bộ an ninh, quân sự xuống cơ sở. Duy trì tuần tra của công an, dân phòng vào ban đêm, phát động toàn dân tham gia bảo vệ trị an, tố giác tội phạm. Cương quyết xử lý các loại tội phạm càn quấy, gây rối để tạo lòng tin cho dân, an tâm đầu tư của doanh nghiệp.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, một số ý kiến bổ sung: Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn đề nghị áp dụng mức thu bằng với mức thu tối đa theo Thông tư 39 của Bộ tài chính và tỷ lệ % trích để lại cho đơn vị thu: Hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường 50%, doanh nghiệp và các tổ chức khác 20%; đối với phí chợ tỷ lệ phần trăm trích để lại cho đơn vị thu là 70% như báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Có ý kiến cho rằng nên thông qua phí chợ khi đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản ký kinh doanh, khai thác chợ theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh; Không quy định bỏ thu phí ở một số địa danh di tích lịch sử đã được quy định từ trước để đảm bảo công bằng trong quản lý nhà nước; Về thu phí, lệ phí tham quan ở Chùa Hương: chưa nên tăng vé 20.000đ (gấp đôi các di tích khác) vì hiện nay đang triển khai dự án ADB nâng cấp hạ tầng của khu du lịch, khi nào hoàn thành dự án mới tăng vé
Về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về bổ sung, điều chỉnh mức giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước trên địa bàn tỉnh, một số ý kiến bổ sung như: Đi đôi với việc bổ sung, điều chỉnh mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh, các bệnh viện cần quan tâm tạo điều kiện cho bệnh nhân có tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở điều trị, nhất là khi muốn chuyển tuyến; Hiện nay, việc thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù ở các trạm y tế xã còn thấp và khó khăn, nhất là ở các xã miền núi. Đề nghị có kế hoạch bố trí chi trả
|
Đại biểu Võ Hồng Hải- Tổ đại biểu huyện Lộc Hà phát biểu |
Tờ trình và dự thảo nghị quyết về quy định định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2014 – 2015, có ý kiến bổ sung như: Cần ban hành tiêu chí phân bổ theo quy định của Trung ương để các cơ quan chức năng, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát
Đối với Tờ trình và dự thảo nghị quyết về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Một số ý kiến bổ sung như sau: Về tên gọi đề nghị điều chỉnh theo ý kiến của Ban Kinh tế Ngân sách là “Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh”; Đề nghị chính sách sau khi được ban hành cần ưu tiên nguồn lực đảm bảo và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục giải ngân chặt chẽ nhưng thuận lợi trong việc thực hiện; Đề nghị hỗ trợ cho Hợp tác xã ngay sau khi thành lập; Tại Điều 8: Trong dự thảo nghị quyết không nên nêu cụ thể thực hiện theo Quyết định 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của UBND tỉnh. Đề nghị thay điều này như sau: “Các tổ chức cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng các yêu cầu về quy mô, sản phẩm, ngành nghề cần khuyến khích khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giao cho UBND tỉnh quy định chi tiết đối tượng, thời gian hỗ trợ, mức cụ thể từng thời kỳ.”; Đề nghị sửa tên Điều 9 “các dự án ưu tiên đầu tư” thành “chính sách đối với các dự án án ưu tiên đầu tư”. Tại Khoản 2, Điều 10 dự thảo nghị quyết đề nghị xem xét không hỗ trợ theo năm mà hỗ trợ 1 lần chuyển giao cho một đối tượng với mức hỗ trợ là 7,5 triệu đồng/1ha. Tại Điều 14 quy định về sản xuất nấm: đây là sản phẩm mới, hiện đang phát huy hiệu quả, cần có chính sách hỗ trợ mạnh hơn (hỗ trợ 30 triệu đồng cho xây dựng lán trại 200m2; 50 triệu đồng cho lán trại trên 500m2, 100 triệu đồng cho lán trại trên 1000m2; dây chuyền sấy nấm, bảo quản nấm tươi: 200 triệu đồng). Đề nghị bổ sung thêm chính sách cho người dân nuôi trên 10.000con gà/lứa được hưởng chính sách hỗ trợ. Về chính sách đối với rau, củ, quả: Chỉ nên hỗ trợ kinh phí mua giống, thuốc bảo vệ thực vật cho vụ đầu tiên, vụ thứ 2 trở đi không nên tiếp tục hỗ trợ như dự thảo nghị quyết. Việc hỗ trợ đào tạo tập huấn cho sản xuất rau củ quả ứng dụng công nghệ cao trên cát chỉ nên hỗ trợ 1 lần và tính theo đầu hecta, không tính theo giá trị tuyệt đối/năm. Hỗ trợ chứng nhận VietGap, san lấp mặt bằng nên có thời gian cụ thể (áp dụng cho 1 đến 2 năm đầu) với mức hỗ trợ như dự thảo, năm thứ 3 trở đi không hỗ trợ hoặc hỗ trợ mức thấp hơn. Đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường hơn nữa việc khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết với người dân trong phát triển sản xuất như hỗ trợ giống, khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến bổ sung đối với các Tờ trình và dự thảo nghị quyết: về quy định chính sách hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu sản xuất trong tỉnh đến năm 2020; Về bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 tỉnh Hà Tĩnh; Về việc thông qua danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của tỉnh để Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2014-2015; Quy định một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tờ trình và dự thảo nghị quyết về quy định chế độ đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp chuyên trách công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết thúc ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI |
Thay mặt chủ tọa kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thanh Bình- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND, các đại biểu khách mời. Đồng chí xin tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu và giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Ngày mai, 16/7, kỳ họp sẽ tiến hành bầu các chức danh Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND và thành viên các Ban HĐND, ủy viên UBND tỉnh và tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc...
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)