Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân
EmailPrintAa
14:09 15/12/2021

Chiều 15/12/2021, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga đã báo cáo kết quả thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh (lĩnh vực văn hóa - xã hội) trình Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga báo cáo thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Về đánh giá kết quả lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2021, Ban Văn hoá - Xã hội nhất trí với những nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh và bổ sung thêm một số nội dung như sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; rà soát, đánh giá các chính sách để ban hành chính sách giai đoạn mới, phù hợp với các quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương. Đa số các kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra và kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến cử tri, ý kiến trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì với quy mô, hình thức phù hợp; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Công tác trùng tu, tôn tạo, xếp hạng các di tích lịch sử, văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã từng bước thích ứng với diễn biến dịch Covid 19, linh hoạt các hình thức dạy học để đảm bảo chương trình. Việc giúp đỡ, hỗ trợ về đời sống, bổ trợ kiến thức cho học sinh trở về từ các tỉnh miền Nam được quan tâm. Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Tổ chức tốt các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia an toàn, nghiêm túc. Công tác khuyến học, khuyến tài hoạt động tích cực; thực hiện tốt cuộc vận động “sóng và máy tính cho em”, thành lập quỹ hỗ trợ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao vào đại học, góp phần động viên, giúp đỡ các em học sinh nghèo thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, nỗ lực phấn đấu học tập tốt hơn.

Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên; từng bước mở rộng, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới. Tập trung cao và ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid - 19. Chủ động phòng, chống, kiềm chế và kiểm soát tốt dịch Covid 19; thực hiện cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vắc - xin Covid 19, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. Do vậy, dù là tỉnh nằm trong vùng có nhiều rủi ro, nguy cơ dịch bệnh cao nhưng đến nay tỉnh ta cơ bản đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Việc kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch được quan tâm với những cách làm hiệu quả, đã huy động 137 tỷ đồng bằng tiền và hiện vật; tổ chức quyên góp, hỗ trợ kinh phí và gần 1.300 tấn lương thực cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện, giúp đỡ người dân từ miền Nam trở về quê hương được triển khai kịp thời, đã tổ chức các đợt đón gần 5000 công dân gặp hoàn cảnh khó khăn từ vùng dịch trở về an toàn; tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công dân các tỉnh trở về quê hương qua địa bàn tỉnh, thể hiện truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của con người Hà Tĩnh, lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần chung tay cùng đồng bào cả nước vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.

Công tác an sinh xã hội được chú trọng. Từ cuối năm 2020 đến nay đã huy động nguồn lực xã hội hóa gần 290 tỷ đồng để xây dựng 41 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ - đồng thời là “ngôi nhà trí tuệ” làm nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, thư viện, hoạt động của các lâu bộ, lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, gắn kết tình làng, nghĩa xóm; hỗ trợ xây dựng gần 3.500 nhà ở kiên cố, đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho gần 15 ngàn người dân là người có công, gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng do thiên tai, trong đó có 32 hộ ở xã Quang Vĩnh, Đức Thọ mưu sinh trên thuyền, qua nhiều thế hệ không có đất ở. Các chính sách đối với người có công, giảm nghèo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được thực hiện khá đồng bộ, kịp thời. Công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn và người dân trở về từ vùng dịch được quan tâm. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đều tăng và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, lãnh đạo đã làm giảm các cuộc họp trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, nhưng vẫn đảm bảo các hoạt động được thông suốt, hiệu quả. Quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, mạng xã hội được quan tâm và có chuyển biến rõ nét.

Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm chỉ đạo, đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc Chứt có chuyển biến tích cực. Triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời, đề nghị tập trung quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau đây:

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai các Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX; Nghị quyết số 249/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2025. Để đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, UBND tỉnh cần nghiên cứu đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ trên các lĩnh vực, vừa đảm bảo phục hồi kinh tế vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong điều kiện tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.

Quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đề ra chiến lược cụ thể để thực hiện quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược văn hóa đến năm 2030, các Chương trình, Đề án để thực hiện đạt kết quả 01 trong 05 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX: “Phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, trí tuệ con người Hà Tĩnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế số”. Rà soát để có giải pháp khôi phục, phát triển du lịch nội địa trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp tục quan tâm Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh; xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Quan tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Chứt, bản Rào Tre. Phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy sức mạnh mềm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh. Ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để quá trình thực hiện thuận lợi, bài bản và thống nhất giữa các địa phương trên toàn tỉnh.

Khảo sát, đánh giá lại chất lượng dạy và học đã áp dụng thích ứng với dịch Covid-19 thời gian qua, để có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện các chính sách, pháp luật trên lĩnh vực giáo dục, tình trạng thừa thiếu giáo viên để có các giải pháp mang tính bền vững, phù hợp với quy luật phát triển. Ban hành Quy định mức thu, các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo đúng quy định. Chú trọng giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tuyên truyền và thực hiện tốt Luật trẻ em. Chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại; giảm tai nạn, thương tích.

Tập trung nỗ lực cao nhất giữ vững thành quả trong công tác phòng, chống dịch; nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng trong thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế dự phòng. Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, quan tâm đến các đối tượng là người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính. Thực hiện tốt công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, giảm chênh lệch giới tính khi sinh, tăng cường công tác sàng lọc trước sinh, nâng cao chất lượng dân số, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm, có giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ các hộ kinh doanh, nhà hàng ăn uống, kinh doanh thực phẩm online.

Rà soát, đánh giá các chính sách trên lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo để có các giải pháp, chính sách mới phù hợp. Quan tâm bố trí và kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực để thực hiện tốt hơn việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công, các đối tượng yếu thế và hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc ít người.

Khảo sát, đánh giá về lao động và nhu cầu việc làm, trong đó có người dân trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp để tạo điều kiện giải quyết việc làm sau đào tạo cho người dân. Quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch covid 19 đảm bảo theo đúng quy định.

Tập trung chỉ đạo và quan tâm bố trí nguồn lực để hoàn thành các dự án, đề án lĩnh vực thông tin truyền thông theo lộ trình kế hoạch đã đề ra. Tổ chức thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, internet. Chỉ đạo và thực hiện công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin trong toàn tỉnh. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

BBT

    Ý kiến bạn đọc