Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉn h Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
|
“…Có 9/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Năm 2021, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu. Đến nay, có 9/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 8/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 5,02%. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kế hoạch (9%) nhưng cao hơn cả nước (cả nước ước đạt khoảng 2-2,5%) và đứng thứ 4 khu vực Bắc Trung bộ. Cơ cấu nền kinh tế: khu vực nông nghiệp chiếm 15,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 43,06%; khu vực dịch vụ chiếm 41,63%.
Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, đóng góp 4,46 điểm % trong mức tăng trưởng chung GRDP 5,02%. Sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 158.893 ha (tăng 2,04%); lúa vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu 2021 được mùa, năng suất và sản lượng đạt mức cao nhất từ trước đến nay (năng suất đạt trên 55,22 tạ/ha, tăng 3,82 tạ/ha; sản lượng đạt trên 57,9 vạn tấn, tăng trên 4,5 vạn tấn); tổng sản lượng lương thực đạt trên 62,5 vạn tấn (tăng 7,7%). Cây ăn quả (cam, bưởi Phúc Trạch) tăng khá, tổng diện tích đạt hơn 11.696 ha với trên 72% diện tích cho quả thu hoạch, tổng sản lượng cả năm ước đạt trên 87.800 tấn (tăng 19%).
Tổng đàn lợn, gia cầm tăng nhẹ, đàn trâu bò giảm do tác động của dịch bệnh và giá bán biến động trong khi giá thức ăn đầu vào tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp đạt kết quả khá; diện tích trồng rừng tập trung ước đạt trên 8.530ha (tăng 2%). Sản xuất thủy sản duy trì ổn định; tổng sản lượng ước đạt trên 54.410 tấn, đạt 105,6% kế hoạch, bằng 98,1% sản lượng năm 2020.
Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo, trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới”. Các huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Hương Sơn, Lộc Hà đang được Trung ương xem xét, công nhận. Kinh tế khu vực nông thôn cơ bản duy trì ổn định; cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, đường giao thông nông thôn đạt khối lượng khá; tập trung cao các hoạt động chuyển đổi số, xây dựng mô hình kinh tế số, xây dựng các khu dân cư đạt chuẩn. Dự kiến năm 2021 có thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 1.200 vườn mẫu đạt chuẩn. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả khá tích cực.
Hoạt động thương mại, dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 41.700 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 2% so với năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng mạnh so với năm trước; trong đó xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% chủ yếu do giá thép tăng cao nên Formosa đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thép; nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50% chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa.
Thu ngân sách trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng dự kiến đạt 16.000 tỷ đồng, vượt 31% dự toán tỉnh giao, tăng 25% so với năm 2020. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 8.200 tỷ đồng, vượt 17% dự toán, tăng 3% so với năm trước (trong đó: tiền đất ước đạt 2.800 tỷ đồng, vượt 75% dự toán, tăng 16% so với năm 2020; thu thuế phí ước đạt 5.400 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, bằng 96% so với năm 2020). Thu hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 7.800 tỷ đồng, vượt 51% dự toán, tăng 63% so với năm trước, chủ yếu do Formosa tăng sản lượng nhập khẩu các mặt hàng trọng điểm có thuế là than và quặng phục vụ sản xuất. Chi ngân sách địa phương ước đạt 19.985 tỷ đồng, bằng 98,7% dự toán. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn ước đạt hơn 28.000 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công nằm trong nhóm đầu cả nước, đến ngày 30/11/2021 đạt 7.773 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch; phấn đấu đến cuối năm hoàn thành trên 90% kế hoạch.
Hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ bản ổn định. Ước đến 31/12/2021, huy động vốn tăng trưởng đạt 85.770 tỷ đồng, tăng 22,5%; dư nợ tín dụng đạt khoảng 70.677 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp và nằm trong giới hạn cho phép. Năm 2021, dự kiến thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 13.000 tỷ đồng (số lượng doanh nghiệp tăng nhẹ nhưng tổng vốn tăng gần 72%). Thu hút 52 dự án đầu tư, trong đó: 51 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 14.600 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 2,5 tỷ USD…
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; văn hóa, thể thao được đẩy mạnh, triển khai các hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1831-2021) và 30 năm tái lập tỉnh (1991-2021)… phù hợp điều kiện dịch bệnh. Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021; tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021 và kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022; chất lượng phổ cập giáo dục được duy trì; linh hoạt triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó chú trọng đến y tế cơ sở. Các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai có hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều hoạt động an sinh xã hội. Khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông được quan tâm; thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, thông tin liên lạc phục vụ công tác bầu cử, phòng chống dịch COVID-19...
Khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; công tác nội vụ, cải cách hành chính; công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường; công tác thanh tra, tư pháp; quốc phòng, an ninh; hoạt động đối ngoại được quan tâm và đạt kết quả khả quan.
|
Một số khó khăn, hạn chế
Kết quả thực hiện còn 8/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế như tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; tạo áp lực cho các năm tiếp theo và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra.
Tình hình dịch COVID-19 trên cả nước vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao; trong tỉnh còn bùng phát các chùm ca bệnh xảy ra trong các trường học, thành phố và các huyện.
Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả chưa đồng đều trên các lĩnh vực, chăn nuôi đang gặp khó khăn do các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tiềm ẩn nguy cơ tái phát cao; khâu thu mua, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch, giá bán nhiều mặt hàng giảm so với năm trước, giá vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào tăng; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, kết nối thị trường tiêu thụ còn yếu. Hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt kinh doanh du lịch, vận tải đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương đã đạt chuẩn có biểu hiện chững lại; tiêu chí cảnh quan, môi trường chưa được duy trì, quan tâm đúng mức. Các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là những xã hết sức khó khăn, cần nguồn lực lớn để hoàn thiện hạ tầng, nhất là các xã của huyện Hương Khê. Một số xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu khối lượng đạt được còn hạn chế, nhất là đối với một số tiêu chí như giao thông, trường học, thu nhập, môi trường, khu dân cư đạt chuẩn... Xây dựng đô thị văn minh chưa được quan tâm đúng mức. Các khu xử lý chất thải rắn chưa được đầu tư theo tiến độ, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom chưa đạt kế hoạch đề ra. Ý tưởng sản phẩm đăng ký thực hiện Chương trình OCOP chưa nhiều; chất lượng các phương án sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình chưa cao; một số sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP nhưng vi phạm quy chế về chất lượng, hoạt động kinh doanh phải thu hồi chứng nhận.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 23%, doanh nghiệp có phát sinh thuế chỉ chiếm 47%; nợ xấu ngân hàng tập trung vào một số khách hàng lớn, khó thu hồi…
|
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19. Giữ vững ổn định sản xuất nông nghiệp; tập trung cao chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Phục hồi và phát huy tiềm năng phát triển khu vực du lịch, dịch vụ. Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Quan tâm phát triển văn hoá, xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai. Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế cần đạt như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,5-9%; GRDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/năm; Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 96 triệu đồng/ha; Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 43.000 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 16.300 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa 7.800 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 8.500 tỷ đồng; thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; có thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30,45%. Về văn hóa, xã hội; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92%; Có 11,2 bác sĩ/1 vạn dân; Có 27 giường bệnh/1 vạn dân; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 1-1,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%; Giải quyết việc làm mới trên 22.500 người; Tốc độ đổi mới công nghệ đạt 23%; Tối thiểu 50% thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Tối thiểu 50% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận và thụ lý; 92,2% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 95,5% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 65% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 59,8% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 61,7% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…
|
Nhiệm vụ, giải pháp
Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống, cấp độ của dịch; thực hiện các biện pháp nới lỏng phù hợp với diễn biến tình hình, quyết tâm bảo vệ thành quả phòng, chống dịch.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp; cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phục hồi, phát triển thương mại, dịch vụ
Quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng,triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách ngay từ đầu năm; phấn đấu thu đạt và vượt dự toán.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức xây dựng Đề án, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; thực hiện đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và các địa phương (DDCI), góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa xã hội, chăm lo đời sống cho Nhân dân; tổ chức tốt các hoạt động về văn hóa, thể thao; Giáo dục và đào tạo; Chăm sóc sức khỏe Nhân dân; An sinh xã hội; lao động, việc làm;
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; công nghệ sinh học; thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiêu chuẩn quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Thực hiện hiệu quả công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị, giao thông, tài nguyên và môi trường; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và kiểm tra sau cấp phép xây dựng; triển khai lập và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc đô thị; nâng cao chất lượng đô thị hóa và phát triển các vùng phụ cận. Chủ động điều hành hoạt động vận tải linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến của dịch COVID-19
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư pháp, thanh tra, giải quyết tồn đọng, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội…”
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)