Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2018”
|
Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, giai đoạn 2015 - 2018 công tác cải cách hành chính (CCHC) được UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp thực tiễn của địa phương. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được nâng cao. Tổ chức bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước các cấp được củng cố, sắp xếp, kiện toàn đảm bảo đúng quy định, tinh gọn, hợp lý và phát huy hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành được đẩy mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp từng bước được nâng cao.
Kết quả CCHC thể hiện ở các chỉ số đánh giá cấp tỉnh: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) trong 03 năm 2015-2017 được duy trì ổn định và ở mức khá, năm 2018 tăng 4 bậc so với 2017 và xếp thứ 13 cả nước, xếp thứ nhất các tỉnh cụm Bắc Trung Bộ; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 23 cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 5 bậc, xếp thứ 7 cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tăng 12, xếp thứ 4 cả nước.
Cải cách thể chế, Giai đoạn 2015-2018, HĐND, UBND các cấp đã ban hành 1.569 văn bản QPPL: Cấp tỉnh ban hành 286 văn bản QPPL (trong đó có 73 nghị quyết của HĐND tỉnh); cấp huyện, cấp xã ban hành 1.283 văn bản QPPL. Nhìn chung, việc ban hành văn bản QPPL cơ bản tuân thủ đúng quy trình, thủ tục; các dự thảo văn bản được Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định, được các Ban của HĐND thẩm tra. Chất lượng ban hành văn bản từng bước được nâng cao, bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất và đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật; tính khả thi ngày càng cao.
Cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Đến nay, tỉnh đã ban hành 39 Quyết định công bố TTHC đang có hiệu lực với 1.840 thủ tục. Các TTHC của tỉnh được cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đăng tải lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, niêm yết công khai đầy đủ tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh đã thành lập Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 262/262 xã, phường, thị trấn; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã. Tính đến thời điểm hiện tại, số TTHC được đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.333 thủ tục và 203 thủ tục liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Đối với cấp huyện, cơ bản các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện đã được đưa vào giải quyết tại Trung tâm, đồng thời một số thủ tục của một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn cũng được đưa vào giải quyết tại đây. Việc phối hợp giải quyết hồ sơ TTHC giữa Trung tâm Phục vụ hành chính công với các đơn vị chuyên môn của UBND các cấp khá nhịp nhàng, hiệu quả.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã bám sát các chủ trương, quy định về cải cách tổ chức bộ máy; chỉ đạo thực hiện việc rà soát, kiện toàn chức năng, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo từng bước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, đã ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 19/21 sở, ban, ngành; thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, 13 Trung tâm Hành chính công cấp huyện; sắp xếp, giảm 29 phòng chuyên môn của các sở, ngành; giảm 29 phòng chuyên môn và tổ chức trực thuộc tại các chi cục (ban) thuộc các Sở, ban, ngành; hợp nhất một số cơ quan cấp tỉnh đúng lộ trình. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh, đã thành lập và chuyển đổi một số tổ chức hoạt động theo cơ chế phù hợp; sắp xếp, kiện toàn 26 Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản ở các đơn vị cấp tỉnh thành 04 Ban Quản lý.
Đối với cấp huyện: Thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; giảm 24 đơn vị sự nghiệp cấp huyện. Đối với cấp xã: Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố, đến nay, toàn tỉnh đã giảm 776 thôn, tổ dân phố (hiện tại toàn tỉnh có 2.061 thôn, tổ dân phố), tương ứng giảm hơn 25.000 cán bộ thôn, tổ dân phố.
Cải cách tài chính công, Qua triển khai, trên địa bàn tỉnh hiện có 321/344 đơn vị hành chính, 908/908 đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định, tương ứng với tiết kiệm chi thu nhập tăng thêm khoảng 336,424 tỷ đồng; tăng quyền chủ động cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ, liên doanh, liên kết, đến nay 05/05 đơn vị đã được giao tự chủ.
Hiện đại hóa hành chính, Thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; toàn tỉnh đã đưa vào vận hành, cung cấp 2.139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của 922 thủ tục hành chính các cấp, 100% TTHC được cung cấp ở mức độ 1 và 2 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, biểu mẫu cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác CCHC giai đoạn 2015 - 2018 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như sau: Một số nội dung trong việc triển khai CCHC chưa bám sát kế hoạch, mức độ hoàn thành qua các năm chưa cao. Việc chấm điểm Chỉ số CCHC đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương ở một số nội dung chưa thực sự đánh giá chính xác, sát đúng. Công tác thanh tra, kiểm tra CCHC một số thời điểm chưa thường xuyên; công tác tự kiểm tra việc thực hiện CCHC của các sở, ngành và kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc chưa hiệu quả.
Sự phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành và chính quyền địa phương chưa thật sự đồng bộ. Một số đơn vị việc phổ biến, giáo dục pháp luật, thông tin, tuyên truyền về CCHC hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong xây dựng văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp chưa chặt chẽ. Việc soạn thảo văn bản QPPL ở một số sở, ngành chưa đảm bảo về tiến độ; chưa huy động nhiều chuyên gia pháp luật trong công tác soạn thảo văn bản QPPL.
Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện đơn giản hóa và áp dụng giải quyết các TTHC ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc cập nhật, niêm yết, công khai TTHC ở một số nơi chưa khoa học, đầy đủ và đúng quy định. Việc bố trí cán bộ, công chức tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh của một số sở, ngành và ở cấp huyện còn bất cập, chưa hợp lý, chất lượng xử lý công việc đạt thấp.
Một số đơn vị sự nghiệp sau khi sáp nhập vẫn chưa xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, kinh phí đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiếp cận, khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế; số hồ sơ phát sinh tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và số thủ tục có phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến còn thấp…
Chủ tọa kỳ họp
|
Qua giám sát, Đoàn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương : tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương, cơ quan Nhà nước thẩm quyền chung với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền riêng; tăng cường phân cấp quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; sớm khắc phục tình trạng không đồng bộ trong quy định pháp luật.
Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 nhằm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền; xác định rõ nguyên tắc phân cấp; khắc phục những khó khăn, vướng mắc về một số quy định liên quan cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp... để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Khoản 4 Điều 14 về việc cấm quy định TTHC trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quyết định của UBND cấp tỉnh, để phù hợp với thực tiễn; Điều 30 về việc HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định). Kịp thời thực hiện việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung, công bố đầy đủ và ban hành các TTHC, văn bản QPPL có quy định về TTHC của các cấp chính quyền để địa phương tổ chức thực hiện thuận lợi; đồng thời rà soát, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn rườm rà, phức tạp, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Xem xét sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 1138/HD-UBTVQH13. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sắp xếp, sáp nhập xã đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Ban hành các văn bản QPPL có tính đồng bộ, ổn định lâu dài, hạn chế sửa đổi, bổ sung trong khoảng thời gian ngắn, để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện ở địa phương...
Kiến nghị với UBND tỉnh: Tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo quy định; quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình CCHC.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đối với công tác CCHC. Thực hiện tốt việc gắn kết quả giải quyết TTHC, kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với việc đánh giá, xếp loại CBCCVC và công tác thi đua khen thưởng. Sửa đổi Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 12/9/2018 của UBND tỉnh. Sửa đổi, điều chỉnh phương pháp chấm điểm chỉ số CCHC một cách phù hợp, chính xác, khách quan, công bằng, sát đúng với đặc điểm, tính chất và kết quả, hiệu quả thực hiện CCHC của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi pháp luật; tích cực, chủ động trong dự báo tình hình để tham mưu và ban hành các văn bản QPPL. Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường rà soát các TTHC để kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, phức tạp, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thực hiện nghiêm túc kế hoạch biên chế đã được HĐND tỉnh giao; kịp thời phê duyệt kế hoạch tuyển dụng số công chức, viên chức còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục triển khai tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; đẩy mạnh xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung. Tập trung kiện toàn đội ngũ CBCCVC có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức công vụ tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng và cơ chấu hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu CCHC...
Đối với các sở, ban, ngành, địa phương: Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác CCHC toàn diện trên 6 lĩnh vực. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC. Chủ động và nâng cao chất lượng tham mưu cho tỉnh những nội dung liên quan đến cải cách thể chế. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các quy định về TTHC thuộc lĩnh vực hoạt động, quản lý của cơ quan, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, phức tạp, không cần thiết. Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện công tác CCHC. Thực hiện tốt công tác quản lý biên chế; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp xã ban hành, kịp thời phát hiện các sai sót để chấn chỉnh, khắc phục, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật...
(Trích báo cáo giám sát chuyên đề về Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2018” của HĐND tỉnh)
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)