Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, có các giải pháp tích cực, hiệu quả
EmailPrintAa
17:05 06/12/2020

Chiều 6/12/2020, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đã báo cáo thẩm tra của Ban về lĩnh vực nội chính; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh năm 2020 và các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với các báo cáo; đồng thời nhấn mạnh và kiến nghị một số nội dung sau:

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần trình bày báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021

Về các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh trên lĩnh vực nội chính; báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự

Về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân . Bên cạnh kết quả đạt được, tội phạm và tình hình vi phạm pháp luật vẫn nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm: Tội phạm xâm phạm về nhân thân còn ở mức cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm ma túy trên tuyến biên giới và các loại tội phạm đánh bạc công nghệ cao, tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng diến biến phức tạp; tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vay nặng lãi dù giảm tính chất công khai nhưng hoạt động tinh vi hơn... Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra trên địa bàn còn một số hạn chế.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp , đã cơ bản thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp hiệu quả. Tuy vậy, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế: Một số vi phạm của cơ quan điều tra trong giải quyết tin báo tội phạm chưa được Kiểm sát viên kịp thời phát hiện để yêu cầu khắc phục; chất lượng một số bản yêu cầu kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm của Kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ việc; kiểm sát xét xử vụ án hình sự ở một số Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chất lượng chưa cao, vẫn có 06 vụ án Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Công tác xét xử và thi hành án hình sự , tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng từng bước được nâng lên. Tuy vậy, tỷ lệ giải quyết án năm 2020 thấp hơn so với cùng kỳ. Trong xét xử vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Áp dụng không đúng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; bỏ sót tình tiết định khung hình phạt; xác định sai tư cách tham gia tố tụng của người đại diện hợp pháp cho bị cáo dưới 18 tuổi.

Công tác Thi hành án dân sự , đã thi hành xong 3.919 việc/4.359 việc có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 89,9%, tăng so với chỉ tiêu được giao. Tuy vậy, công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số tồn tại: Còn 440 việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong; số việc, tiền chưa có điều kiện thi hành chiếm tỉ lệ cao; một số hạn chế về nghiệp vụ chưa được khắc phục, đã kiến nghị nhiều lần như chậm ra quyết định thi hành án và gửi quyết định thi hành án đến Viện Kiểm sát nhân dân…

Từ đó, Ban Pháp chế kiến nghị: UBND tỉnh cần chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, có các giải pháp tích cực, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm về ma túy, xâm hại trẻ em, tội phạm lừa đảo qua mạng, hoạt động cho vay nặng lãi kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh nhằm góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo các cấp, các ngành khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường. Thực hiện chặt chẽ, công khai, đúng quy định, quy trình, thủ tục trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng chính sách. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, coi trọng công tác đối thoại. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Sớm chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch, có kế hoạch đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc, các công trình phục vụ cho hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã, thị trấn, nhà văn hóa tại các khu dân cư và cơ sở hạ tầng khác đối với các đơn vị hành chính mới...

Đối với các Tờ trình, đề án và dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp

Về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thông qua Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội và lao động hợp đồng năm 2021 . Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt một số nội dung sau: Việc thực hiện kế hoạch biên chế năm 2021 cần gắn với việc tổ chức các nội dung theo tinh thần các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chương trình hành động số 920 và số 1011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, để xây dựng phương án giao biên chế và tinh giản biên chế công chức, viên chức một cách khoa học và hợp lý nhất, tránh bình quân, cào bằng ở các cơ quan, đơn vị. Sớm triển khai, tổ chức việc tuyển dụng số biên chế còn thiếu so với kế hoạch đã giao; việc tuyển dụng phải đảm bảo đúng quy định, phù hợp với chuyên môn đào tạo và nhu cầu công việc, vị trí việc làm đã được phê duyệt. Nghiên cứu cơ chế đặc thù để tuyển dụng công chức, viên chức đối với một số đơn vị gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, đã được giao biên chế nhiều năm nhưng chậm được tuyển dụng...

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết Quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Nghị quyết; kịp thời ban hành quy định cụ thể số lượng công chức theo từng chức danh; hướng dẫn cụ thể việc bố trí chức danh, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, đảm bảo không bỏ sót nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, trong đó chú ý bố trí Thôn đội trưởng, Công an viên, Nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số, y tế và gia đình kiêm nhiệm nhóm nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố; hướng dẫn mức bồi dưỡng đối với những người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Quan tâm phụ cấp cho đội ngũ nhân viên y tế tổ dân phố làm việc ở phường, thị trấn.

Đối với Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về việc sáp nhập và đặt tên thôn, tổ dân phố tại thị xã Kỳ Anh và các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc Thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; Ban Pháp chế đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Kỳ họp này.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc