Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII.
|
Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa - xã hội , Ban cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời nhấn mạnh và bổ sung thêm một số nội dung như sau:
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid 19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được triển khai thực hiện với quy mô, hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình, nhất là việc tuyên truyền về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Nhân dân.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã chủ động, thích ứng nhanh với diễn biến tình hình dịch bệnh, linh hoạt các hình thức dạy học, tổng kết năm học, nhất là hình thức trực tuyến để đảm bảo chương trình giáo dục trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống; phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được quan tâm. Đã tổ chức tốt các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia an toàn, nghiêm túc.
Tập trung cao và ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid -19, kịp thời tham mưu các Kế hoạch, kịch bản đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, đã làm tốt công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, làm thay đổi ý thức, nhận thức của người dân, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Thực hiện các chính sách đối với người có công, giảm nghèo, an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khá đồng bộ, kịp thời. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em tiếp tục được quan tâm.
Kết quả triển khai xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ, nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm hướng về bà con vùng lũ, góp phần quan trọng giúp Nhân dân ổn định cuộc sống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được duy trì và phát huy hiệu quả đảm bảo các hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành và triển khai nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị được thông suốt trong điều kiện dịch Covid 19 xảy ra; quản lý hoạt động báo chí và mạng xã hội đã được quan tâm xiết chặt và có chuyển biến tích cực; an toàn thông tin được đảm bảo. Việc xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai chuyển đổi số bước đầu đã được quan tâm chỉ đạo.
Về một số tồn tại, hạn chế, Ban nhấn mạnh và bổ sung một số nội dung như sau:
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao. Việc khai thác các giá trị di sản trở thành những sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch còn khó khăn. Một số chính sách phát triển du lịch chậm đi vào cuộc sống.
Vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chưa rõ nét. Việc sắp xếp mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo lộ trình đề ra, đến nay chưa phê duyệt đề án sắp xếp hệ thống trường trung học phổ thông. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn xảy ra, việc tuyển dụng giáo viên tại một số địa phương gặp khó khăn. Giáo dục thể chất, kỹ năng sống cho học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số địa phương còn lúng túng trong hướng dẫn triển khai các hoạt động vận động tài trợ, xã hội hóa giáo dục nhưng chậm xây dựng giải pháp khắc phục.
Chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện chưa đồng đều, năng lực chuyên môn và quản lý tại tuyến cơ sở còn hạn chế. Cơ sở vật chất tại nhiều bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện xuống cấp. Việc thu hút đội ngũ bác sỹ về công tác tại một số bệnh viện/trung tâm y tế gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng 0.9%; tỷ số giới tính khi sinh là 116,12 bé trai/100 bé gái, tăng 1.73 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, làm cho đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra ở một số đơn vị, địa phương. Tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước trẻ em vẫn chưa được ngăn chặn (6 tháng đầu năm 2021 đã có 16 trẻ em bị tử vong do đuối nước).
Kết quả thực hiện Đề án Phát triển đồng bào dân tộc Chứt chưa đạt các chỉ tiêu như kế hoạch. Đặc biệt, nhóm nhiệm vụ “thay đổi tư duy, nhận thức, ý thức và nâng cao kỹ năng sống của bà con dân bản; tạo cho bà con có khả năng sản xuất, tiến tới chủ động trong sản xuất và chủ động về mọi mặt của cuộc sống” chuyển biến chậm.
Triển khai một số nhiệm vụ trong xây dựng chính phủ điện tử chưa đạt kế hoạch đề ra. Quản lý hoạt động báo chí còn một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc phối hợp xử lý các hoạt động báo chí vi phạm giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành còn nhiều khó khăn.
Về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã nêu trong báo cáo. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh quan tâm một số nội dung cụ thể như sau:
1. Tiếp tục tập trung cao, ưu tiên nguồn lực, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19. Ghi nhận, biểu dương kịp thời những nỗ lực, cố gắng, hy sinh thầm lặng của các lực lượng tuyến đầu, tham gia phòng chống dịch; cập nhật, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch theo quy định. Quan tâm chỉ đạo ban hành các cơ chế, quy định liên quan đến giá test nhanh, xét nghiệm để làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ. Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở các tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cần có phương án chủ động ứng phó trong điều kiện số ca bệnh, số người cách ly y tế tăng.
2. Tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để “Phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, trí tuệ con người Hà Tĩnh”, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; tham mưu giải pháp tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong thực hiện nghị quyết để đưa ngành du lịch phát triển thích ứng với mọi điều kiện trong tình hiện nay.
3. Căn cứ Luật Giáo dục 2019, tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các quy định, chính sách trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; trong đó có các Nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành; tham mưu thể chế hóa các quy định mới, điều chỉnh, bổ sung các chính sách không còn phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả. Tham mưu ban hành Quy định mức thu, các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập. Rà soát cơ sở vật chất các trường học sau sáp nhập để có phương án xử lý; tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho những trường còn khó khăn. Chuẩn bị tốt cho việc khai giảng và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021 - 2022. Chú trọng phát triển chương trình giáo dục địa phương, chương trình nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông.
4. Thực hiện tốt Bộ tiêu chí Bệnh viện/phòng khám an toàn phòng chống dịch bệnh Covid -19. Tổ chức rà soát việc thực hiện các chế độ chính sách trên lĩnh vực y tế; tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 03/11/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng, tham mưu ban hành Nghị quyết mới phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các tuyến. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất các bệnh viện, trung tâm y tế, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là hoạt động lưu thông, buôn bán thực phẩm online trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Đẩy mạnh truyền thông phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về dân số - kế hoạch hóa gia đình; có giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và can thiệp xã hội về cơ cấu dân số tại cộng đồng; nâng cao chất lượng dân số.
5. Triển khai thực hiện Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021); Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; các cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững; kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương, lao động bị mất việc làm hoặc việc làm không ổn định. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ, nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. Có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị đuối nước, bị xâm hại và tai nạn thương tích.
6. Hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương lập Đề án phát triển, bảo tồn dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, xã Hương Liên và tại bản Giàng II, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê. Do vậy, đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, mục tiêu chính mà Chương trình hướng tới là “hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các dân tộc thiểu số rất ít người cả về số lượng và chất lượng”.
7. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản. Làm tốt công tác tuyên truyền về thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa làm tốt công tác phòng chống dịch. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ còn lại trong xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; chỉ đạo triển khai đồng bộ, liên thông hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo các hội nghị diễn ra an toàn, ổn định, tiết kiệm, hiệu quả.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)