Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 có sự phục hồi với những tín hiệu khả quan
EmailPrintAa
08:27 17/07/2021

Tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Dưới đây là nội dung chính của báo cáo quan trọng này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII

"…Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm có sự phục hồi với những tín hiệu khả quan.

Tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 6,38%, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,13%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,74%; khu vực dịch vụ tăng 6,61%. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 17,36%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37,85%; khu vực dịch vụ chiếm 44,79%.

Vụ Đông Xuân 2020-2021 được mùa toàn diện, tăng 1,9% về diện tích, 7,9% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi duy trì, chủ yếu phát triển ở các trang trại quy lớn và vừa với 240 cơ sở. Các hoạt động sản xuất lâm nghiệp được triển khai theo kế hoạch, diện tích trồng rừng đạt gần 2.261 ha, tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác gỗ nguyên liệu trên 152.000 m 3 , tăng 8,68%. Công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc được tăng cường, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm về rừng, tình hình an ninh rừng cơ bản ổn định. Nuôi trồng và khai thác thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, tổng sản lượng đạt trên 25.654 tấn (tăng 5,4% so với cùng kỳ); tập trung thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chương trình Xây dựng nông thôn mới; Mỗi xã một sản phẩm được triển khai quyết liệt. Tập trung triển khai Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án; làm việc với các bộ, ngành Trung ương triển khai Đề án. Huyện Vũ Quang được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện miền núi biên giới đầu tiên cả nước đạt chuẩn; huyện Cẩm Xuyên đã được Hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; một số huyện phát động các đợt cao điểm xây dựng nông thôn mới, nhất là chỉnh trang, nâng cấp các Khu dân cư, xử lý môi trường; các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong năm đẩy nhanh thực hiện các tiêu chí. Phong trào xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, bước đầu triển khai xây dựng thí điểm mô hình Khu dân cư nông thôn mới thông minh...

Sản xuất công nghiệp duy trì, từng bước lấy lại đà tăng trưởng mặc dù đang chịu tác động của dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 20,97% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại dịch vụ tương đối ổn định trong quý I nhưng chững lại giữa quý II do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 mới bùng phát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt gần 21.455 tỷ đồng, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượt khách tham quan du lịch là 329.330 lượt, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2020; tổng lượt khách lưu trú là 67.858 lượt, giảm 32,6%...

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 7.999 tỷ đồng, đạt 65,6% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: thu nội địa 3.975 tỷ đồng, đạt 56,8% dự toán, bằng 95,5% cùng; thu hoạt động xuất nhập khẩu 4.021 tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 73,4% cùng kỳ, tăng cao chủ yếu do Formosa tăng sản lượng nhập khẩu quặng và than phục vụ sản xuất. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 9.602 tỷ đồng, bằng 47,4% dự toán…

Văn hóa, thể thao được đẩy mạnh. Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tốt. Chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt. Triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; công tác nội vụ, cải cách hành chính; công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường; công tác thanh tra, tư pháp; quốc phòng, an ninh; hoạt động đối ngoại được quan tâm và đạt kết quả khả quan.

Một số tồn tại, hạn chế

Một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt thấp so với kế hoạch cả năm như tốc độ tăng trưởng kinh tế (Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm trên 9% nhưng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,38%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội (Mục tiêu cả năm là 31.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm đạt 10.713 tỷ đồng, chỉ bằng 34,56% kế hoạch). Dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nguy cơ tái phát cao. Các nhiệm vụ Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới triển khai chưa được nhiều; việc huy động các nguồn lực thực hiện Đề án còn khó khăn, nhất là nguồn hỗ trợ của Trung ương. Hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh du lịch, vận tải bị ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 mới bùng phát.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng, doanh nghiệp có phát sinh thuế giảm 2% so với cùng kỳ. Công tác hoàn thiện bản đồ sau cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý việc giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền vẫn còn chậm. Việc xác minh nguồn gốc đất đai, xác định đối tượng để áp dụng chính sách bồi thường đất đai, tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cải cách hành chính một số mặt, lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến, chất lượng chưa cao; kết quả xây dựng Chính quyền điện tử, hiện đại hoá nền hành chính đang có chiều hướng giảm so với các tỉnh, thành phố trong cả nước; hiệu quả khai thác và sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế.

Đời sống, việc làm của một bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Tệ nạn, tội phạm xã hội, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, môi trường, tín dụng đen, công nghệ cao; tình trạng xâm nhập trái phép, buôn lậu trên tuyến biên giới còn diễn biến phức tạp.

Phương hướng, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021

Ngoài việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình của UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Triển khai quyết liệt các biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19. Tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19, đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân lên trên hết. Đồng thời chủ động, linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép” phù hợp với diễn biến tình hình. Thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch tại các vùng cách ly y tế. Xây dựng kế hoạch cụ thể, hiệu quả, tăng cường kiểm soát, không để dịch xâm nhập vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng, các khu/cụm công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ nguyên tắc “5K + vắc-xin”.

Tập trung hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 trong điều kiện bị tác động bởi dịch Covid-19 . Trong đó, về sản xuất nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu, phòng trừ kịp thời các sâu bệnh, phấn đấu thu hoạch trước ngày 15/9 để tránh thiên tai; xây dựng, triển khai sớm vụ Đông. Thực hiện kịp thời các giải pháp bổ cứu, biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu bò. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025. Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Tập trung kiểm tra, quản lý chặt chẽ an toàn các công trình đê điều, hồ chứa; đẩy nhanh tiến độ các công trình đảm bảo an toàn trong mưa lũ; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ.

Chương trình Xây dựng nông thôn mới; Mỗi xã một sản phẩm, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và Kế hoạch thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng đề án và chính sách thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025.

Trong sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, bám sát các bộ, ngành Trung ương để sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về việc chuyển đổi mục sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất và các thủ tục khác theo quy định để khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II và Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh. Ban hành quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh. Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19. Triển khai các giải pháp phù hợp, khôi phục phát triển du lịch trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Xúc tiến đầu tư các dự án du lịch quy mô lớn tạo chuỗi phát triển du lịch, dịch vụ dọc ven biển. Đẩy mạnh huy động vốn và tăng trưởng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, phấn đấu đạt mục tiêu huy động vốn tăng trên 17% so với cuối năm 2020.

Tập trung cao nhiệm vụ thu ngân sách ; rà soát đánh giá tiến độ và chỉ tiêu thu để kịp thời có các giải pháp chỉ đạo thu đồng bộ, hiệu quả, sát tình hình; phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021. Quán triệt nguyên tắc điều hành chi ngân sách đảm bảo dự toán giao đầu năm. Triển khai thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2025; dừng thực hiện và bãi bỏ những chính sách không phù hợp, ban hành các chính sách mới thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Thường xuyên cập nhật tình hình giải ngân của từng dự án để đôn đốc, xử lý vướng mắc cho các chủ đầu tư theo thẩm quyền. Chủ động rà soát, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 của các dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; Quan tâm các lĩnh vực văn hoá - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, môi trường, giao thông, xây dựng; Đảm bảo quốc phòng, an ninh; triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại…”

BBT

    Ý kiến bạn đọc