Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững
EmailPrintAa
14:50 13/12/2019

Từ ngày 14/10/2019 đến ngày 20/11/2019, Đoàn giám sát “Công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019” đã tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và một số đơn vị, các ban quản lý rừng phòng hộ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát “Công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019” tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII

Qua giám sát cho thấy, Hà Tĩnh hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 360.043 ha, chiếm 60% diện tích tự nhiên của tỉnh (Rừng tự nhiên 217.694 ha, rừng trồng 110.537 ha, đất chưa có rừng 31.812 ha), phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố; được phân thành 3 loại rừng: đặc dụng 74.501ha; phòng hộ 116.153ha; sản xuất 169.389ha.

Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cơ bản diện tích đất rừng đã giao cho các chủ rừng quản lý, sử dụng; diện tích rừng trồng tăng qua các năm, nâng độ che phủ của rừng từ 47,4% năm 2006 lên 52,22% năm 2018; diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát hiện thêm một số loài thực vật quý hiếm; giá trị kinh tế từ rừng ngày càng được khẳng định, giá trị sản xuất và xuất khẩu ngày càng tăng; mỗi năm khai thác gỗ rừng trồng bình quân 450.000 m 3 , mang lại giá trị tương đương 350 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động; là lưu vực giữ nước cho hơn 350 hồ đập trong tỉnh và giữ vai trò quan trọng cho phòng hộ, chống xói mòn, chắn gió, chắn cát và bảo vệ môi trường sinh thái. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp được quan tâm, một số lĩnh vực được xã hội hóa, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng doanh thu, thu nhập cho các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng dân cư tại địa phương và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp thường xuyên thay đổi, hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời, cụ thể, thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền, vận động về quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả chưa cao, một số chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa được tuyên truyền, tập huấn kỹ để người dân hiểu và chấp hành. Chất lượng rà soát, xây dựng Quy hoạch 3 loại rừng chưa cao; bên cạnh đó trong quá trình thực hiện còn bị tác động bởi các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần; giữa các quy hoạch còn bất cập, chồng chéo. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác xây dựng quy hoạch, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quy hoạch, giao đất, giao rừng chồng lấn ở một số địa phương còn khá nhiều. Ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng tại một số đơn vị chủ rừng luôn biến động do rà soát, điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất rừng. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện một số dự án phát triển kinh tế - xã hội một số nội dung chưa đúng quy trình.

Tiềm năng, lợi thế đất rừng chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Một số diện tích đất lâm nghiệp được giao cho các đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện dự án nhưng không hiệu quả, sử dụng đất không đúng mục đích. Tổ chức sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân còn mang tính quảng canh, quy mô nhỏ lẻ, chưa có nhiều mô hình kinh tế trang trại, nông lâm kết hợp thực sự có hiệu quả. Ứng dụng khoa học công nghệ trong lâm nghiệp còn hạn chế, sản phẩm đầu ra chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị thấp, thiếu sức cạnh tranh. Công tác định giá rừng chưa được thực hiện. Chính sách hỗ trợ quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ FSC, trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ cho người dân trong việc phát triển rừng trồng chưa được hấp thu. Công tác giao khoán rừng của các chủ rừng Nhà nước còn nhiều tồn tại, bất cập. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty lâm nghiệp nhìn chung còn chậm; việc chỉnh lý, bổ sung Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng là tổ chức chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và tiềm ẩn tranh chấp, khiếu kiện.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của một số chính quyền cấp huyện, xã chưa cao, chưa thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định. Công tác phối kết hợp giữa chủ rừng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa hiệu quả. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, sử dụng sai mục đích đất rừng vẫn đang diễn biến phức tạp. Một số vụ việc tranh chấp, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp tồn đọng, phức tạp kéo dài nhưng chậm được xử lý dứt điểm. Đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng chưa tương xứng. Các công trình, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng còn thiếu , cơ sở hạ tầng lâm nghiệp chưa đồng bộ và xuống cấp. Việc chấp hành nghĩa vụ nộp phí của một số doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn hạn chế. Biên chế của lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu số lượng khá lớn theo chỉ tiêu biên chế Hội đồng nhân dân tỉnh giao hằng năm.

Từ kết quả giám sát nêu trên, Đoàn giám sát kiến nghị với các cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan một số nội dung sau:

- Đối với các cơ quan Trung ương: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế pháp lý do các văn bản dưới luật quy định; có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các lực lượng bảo vệ rừng tại gốc, nhất là các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

- Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh: Tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật. Tập trung thực hiện tốt các quy hoạch lâm nghiệp hiện có; chỉ đạo việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác đảm bảo đúng quy định pháp luật. Thực hiện có hiệu quả các chính sách về lâm nghiệp đã ban hành; khảo sát, rà soát, tích hợp cơ sở dữ liệu và xây dựng Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Trong xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần quan tâm soát xét kỹ các quy hoạch ngành với quy hoạch phát triển lâm nghiệp để tránh chồng chéo, bất cập như hiện nay; đánh giá, quy hoạch phân khu chi tiết để sử dụng và phát triển rừng, đất lâm nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo vệ, phát triển rừng; khuyến khích người dân đầu tư, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào trồng rừng thâm canh, rừng gỗ lớn, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng theo hướng thâm canh. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng kết hợp phát triển trang trại, gia trại, vườn giống, vườn rừng, trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, nâng độ che phủ, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống dân sinh, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế- xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia để tăng nguồn đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng.

Xây dựng khung giá rừng các loại để tạo điều kiện trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng. Sớm nghiên cứu thực tiễn và khả năng ngân sách các cấp để có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà máy chế biến gỗ của các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp khai thác chế biến lâm sản theo quy định. Chỉ đạo các sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, đất lâm nghiệp tại các địa phương. Nâng cao trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng trong công tác bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững; bảo vệ tốt diện tích rừng đầu nguồn tăng khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế lũ lụt. Tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ rừng trong quản lý, sử dụng rừng, tập trung kiểm tra truy quét, phát hiện và xử lý các hành vi về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, làm tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc... Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành dự án đo vẽ bản đồ địa chính; rà soát ranh giới, mốc giới, đo đạc, cắm mốc để điều chỉnh bản đồ địa chính theo đúng hiện trạng đất đang quản lý, sử dụng và đẩy nhanh tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Chấp hành nghiêm, đúng quy trình, quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án; rà soát, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với các dự án chưa đảm bảo quy trình.

Rà soát quy hoạch sử dụng đất của các chùa, đền nhất là tại các địa phương có diện tích đất rừng lớn, như: Chùa Hương Tích (huyện Can Lộc), các chùa ở thị xã Hồng Lĩnh, Thiền viện Trúc Lâm (huyện Nghi Xuân)…

Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, chủ rừng và người dân. Quan tâm đầu tư hệ thống công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; vận động các hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng lớn đầu tư, trang bị các loại máy móc thiết bị để chủ động chữa cháy rừng.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức của lực lượng kiểm lâm và củng cố hoạt động của các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Xây dựng chính sách hỗ trợ cho các tổ chức và lực lượng bảo vệ rừng. Nghiên cứu, xem xét và kịp thời tổ chức việc tuyển dụng số công chức, viên chức làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên trách còn thiếu ở các đơn vị theo cơ chế đặc thù.

Quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tham mưu, phối hợp kịp thời kiểm tra, xem xét, giải quyết các vụ việc tồn đọng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng, đất lâm nghiệp tại các địa phương đơn vị.

Đối với Hội đồng nhân dân các cấp: Đề nghị Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục tăng cường giám sát công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp tại địa phương. Nâng cao chất lượng thẩm tra, xem xét để thông qua các cơ chế, chính sách, các nội dung liên quan về đất đai nói chung và đất lâm nghiệp nói riêng; bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách đối với các nguồn thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của ngân sách cấp mình.

- Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện: Thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng chủ rừng trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp tại địa bàn địa phương quản lý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, Nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý rừng và chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho các ngành chức năng xử lý các vụ vi phạm lâm luật.

- Đối với các chủ rừng: Quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tiếp tục thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của chủ rừng theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật.

Chủ động rà soát lại diện tích đất rừng sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, thu hồi chuyển về địa phương để giao cho các tổ chức, cá nhân khác tránh lãng phí quỹ đất. Huy động các nguồn đầu tư hợp pháp để khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất rừng sản xuất hiện có.

Đối với các chủ rừng có xảy ra việc lấn, chiếm, tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp thì tổ chức rà soát cụ thể từng trường hợp, đề ra các giải pháp giải quyết dứt điểm. Chủ động phối hợp chính quyền, cơ quan chức năng trên địa bàn, các chủ rừng có liên quan khác để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng xâm hại rừng và đất lâm nghiệp trong lâm phần quản lý.

(Trích báo cáo giám sát chuyên đề C ông tác quản lý, khai thác, sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019 của HĐND tỉnh)

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc