Triển khai thực hiện có hiệu quả một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy mạnh sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19
EmailPrintAa
10:32 08/07/2020

Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định và phân công của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, Ban Kinh tế ngân sách đã thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2020 và các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về một số quy định, chính sách lĩnh vực kinh tế và ngân sách. Thay mặt Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, đồng chí Trần Viết Hậu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả thẩm tra như sau:

Đồng chí Trần Viết Hậu - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra về lĩnh vực kinh tế, ngân sách

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 06 đầu năm 2020

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 trong điều kiện cả nước nói chung và tỉnh nói riêng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước chỉ đạt 1,81% thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; ở tỉnh ta tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 0,1% thấp nhất kể từ sau sự cố môi trường biển năm 2016. Các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, kho bãi cũng chịu ảnh hưởng lớn do tổng cầu giảm mạnh; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh bằng 71% so với cùng kỳ năm 2019. Thu hút đầu tư giảm mạnh bằng 41% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực khác cũng chịu tác động lớn từ đại dịch là giáo dục - đào tạo, y tế, kinh doanh bất động sản...

Ban Kinh tế ngân sách thống nhất với những khó khăn, hạn chế như nhận định của Ủy ban nhân dân tỉnh, cũng như những tồn tại chưa được khắc phục từ cuối năm 2019; Ban đề nghị đánh giá sâu hơn một số nội dung sau:

Về thu ngân sách Nhà nước : Nhờ sự nỗ lực của ngành thuế và các cấp, các ngành, địa phương, tổng thu ngân sách nội địa đạt 57,8% dự toán cả năm HĐND tỉnh giao. Tuy vậy, chi tiết các khoản thu ngân sách nội địa trong dự toán thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt thấp.

Về chi ngân sách nhà nước: Trên cơ sở nguồn trợ cấp ngân sách Trung ương, tiến độ thu ngân sách thực tế và các giải pháp điều hành linh hoạt nên chi ngân sách cơ bản đảm ứng các nhiệm chi; tuy nhiên tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2020 chưa đạt kế hoạch HĐND tỉnh giao. Chưa đảm bảo nguồn lực, cân đối ngân sách bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án ODA, các dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Về đầu tư công : Việc giải ngân vốn thực hiện một số dự án đầu tư công lớn trên địa bàn vẫn còn chậm. Nhiều công trình, dự án không triển khai do vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư chưa được tháo gỡ. Khung pháp lý đối với các dự án PPP chưa hoàn chỉnh dẫn đến khó khăn trong thu hút Nhà đầu tư.

Việc quản lý, sử dụng đất hiệu quả chưa cao: chất lượng lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo; các dự án sử dụng đất lãng phí, nguồn thu từ tiền sử dụng đất chưa tương xứng và chưa đóng góp nhiều vào việc phát triển kinh tế xã hội. Các tồn đọng, vướng mắc về đất đai còn nhiều và chậm được tháo gỡ. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, xử lý chất thái rắn chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội. Công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển theo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 chậm được triển khai.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 168/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Ban đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

Trên cơ sở dự báo thời gian khống chế được dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế của nước ta, UBND tỉnh cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. Triển khai thực hiện có hiệu quả một số cơ chế, chính sách đặc thù để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 được HĐND tỉnh.

Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm tiến độ; có kế hoạch, giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn từ năm trước chuyển sang.

Rà soát toàn bộ các chính sách đã ban hành và hết hiệu lực trong năm 2020 để làm căn cứ đánh giá, cân đối nguồn lực xây dựng, ban hành các chính sách cho thời kỳ ngân sách mới. Hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình HĐND tỉnh.

Tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với điều kiện, khí hậu của từng địa phương. Tháo gỡ khó khăn, tập trung tái đàn lợn, đáp ứng cân bằng cung cầu trong vùng với giá cả hợp lý. Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn.

Phát triển bền vững hơn, thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, tạo quỹ đất sạch và triển khai đồng bộ các giải pháp về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục giao đất tái định cư, đất ở cho nhân dân ổn định sản xuất, nhất là hoàn thành việc cấp giấy CNQSDĐ trước năm 1980. Quan tâm đầu tư dự án xử lý chất thải rắn có công suất, quy mô lớn đảm bảo xử lý cho một vùng từ 2 huyện trở lên.

Về tờ trình và dự thảo Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế và ngân sách

Ban Kinh tế ngân sách đã tổ chức làm việc với cơ quan soạn thảo, có ý kiến góp ý trực tiếp vào dự thảo; cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa, hoàn thiện và trình Hội đồng nhân dân tỉnh; Vì vậy, Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và có một số ý kiến cụ thể như sau:

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh . Ban đề nghị quan tâm một số nội dung sau:

Về thể thức: Gộp điều 2, 3 thành một điều và để tên điều là “Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết của HĐND tỉnh”. Về chính sách cụ thể: Tại điều 3 “Mức hỗ trợ: 300.000đ/m2 sàn xây dựng và không quá 200 triệu đồng/cơ sở”, việc điều chỉnh này không khuyến khích được các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm. Về nội dung hỗ trợ vận chuyển trong Điều 4, đề nghị xem xét quy định hỗ trợ theo tấn/km.

Đối với chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi lợn, Ban kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng dịch trong chăn nuôi lợn. Cần hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận chính sách và có ràng buộc công tác hỗ trợ với công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Đánh giá cụ thể các điều kiện chăn nuôi quy mô lớn của tỉnh, từ đó nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh ban hành các chính sách hữu hiệu để khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung. Trước mắt cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm hiện có tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, tăng tổng đàn trên chính diện tích dự án hoặc mở rộng thêm xung quanh.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết s ửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1 và Điểm c, Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 87/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ thành lập mới hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Ban Kinh tế ngân sách nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1và điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 87/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh là phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tình, cụ thể mức hỗ trợ như sau: Miễn lệ phí môn bài cho các hộ kinh doanh thành lập mới trong năm đầu hoạt động theo quy định tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP. Hỗ trợ 100% lệ phí môn bài cho các hộ kinh doanh thành lập mới tại các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn trong 02 năm tiếp theo. Miễn lệ phí môn bài cho các doanh nghiệp thành lập mới trong năm đầu hoạt động theo quy định tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP. Hỗ trợ 100% lệ phí môn bài cho các doanh nghiệp thành lập mới tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trong 02 năm tiếp theo. Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP và Nghị định 22/2020/NĐ-CP.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế giai đoạn 2020- 2025 và những năm tiếp theo

Ban Kinh tế ngân sách cho rằng các nội dung tại Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết là phù hợp với các quy định, khả năng tài chính và điều kiện cụ thể của địa phương. Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị UBND tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất năm 2020 , Ban Kinh tế ngân sách đề nghị:

Bổ sung vào phụ lục nghị quyết các căn cứ pháp lý theo quy định đối với các dự án còn thiếu thông tin, rà soát lại những dự án chưa đủ căn cứ pháp lý và chưa thực sự cấp bách thì chưa đưa vào Nghị quyết. Những công trình dự án đã đưa vào danh mục sau 03 năm mà chưa thực hiện thì phải đưa ra khỏi danh mục lần này. Sớm chủ động rà soát đánh giá kết quả thực hiện 06 tháng đầu năm 2020, làm tốt công tác kế hoạch đầu tư giai đoạn tiếp theo...

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; bổ sung danh mục, mức vốn dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020, Ban thống nhất và đề nghị quan tâm một số nội dung về nội dung, quy mô dự án ; về suất đầu tư ; về khả năng huy động, cân đối nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án; về thời gian thực hiện dự án. Sau khi có chủ trương đầu tư; đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với  chủ đầu tư lựa chọn các giải pháp kỹ thuật nhằm phát huy hiệu quả cao nhất  đối với các dự án, nhằm tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư.

Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Xuân Thành, huyện Nghi Xuân - Giai đoạn 1, Ban Kinh tế ngân sách thống nhất và đề nghị quan tâm một số nội dung sau: Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số số 1278-TB/TU ngày 29 tháng 5 năm 2020; sau khi thực hiện chấp thuận đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo đủ năng lực theo quy định của pháp luật tránh để dự án treo. Đây là dự án có sử dụng 45,542 ha đất; tiến hành phân loại đất để có kế hoạch thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác , Ban Kinh tế ngân sách thống nhất đề nghị quyết định: Chuyển mục đích sử dụng 0,256 ha rừng thuộc khoảnh 1 - tiểu khu 99, đối tượng quy hoạch sản xuất do Ủy ban nhân dân xã Cương Gián quản lý để thực hiện Dự án Mở rộng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Phú Minh Gia tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Chuyển mục đích sử dụng 3,277 ha, thuộc Khoảnh 1 - Tiểu khu 356B (xã Kỳ Tây) và Khoảnh 5 - Tiểu khu 347A (xã Kỳ Trung).

Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 vốn vay kinh phí sự nghiệp vốn nước ngoài cho Dự án An ninh y tế khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh. Ban Kinh tế ngân sách thống nhất phân bổ 2.883 triệu đồng từ nguồn chi các sự nghiệp do ngân sách trung ương đảm bảo (vốn ngoài nước) tại mục XI, phụ lục 02 ban hành kèm theo Nghị quyết số 170/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh và đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc