Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm về phòng, chống dịch
EmailPrintAa
10:17 17/07/2021

Sáng 17/7/2021, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đã báo cáo thẩm tra của Ban về lĩnh vực nội chính. Theo đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm và các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu năm 2021; đồng thời nhấn mạnh và kiến nghị một số nội dung sau.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương, công tác đảm bảo an ninh, trật tự và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật . Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm tăng so với cùng kỳ như: Tội đánh bạc, tội tàng trữ, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, tội cố ý gây thương tích, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, chức vụ và vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Đáng chú ý, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn lợi dụng không gian mạng, công nghệ cao để hoạt động với quy mô lớn nhưng công tác tuyên truyền, chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Tội phạm ma túy tiềm ẩn phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, manh động hơn.

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, 6 tháng đầu năm, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tuy không diễn biến bất thường nhưng đơn khiếu kiện tăng so với cùng kỳ (10,55%); tính chất, mức độ khiếu nại tố cáo ngày càng gay gắt, phức tạp hơn, nhất là các vụ việc liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư để giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số kiến nghị, phản ánh liên quan đến lợi ích chính đáng của người dân còn chậm được xử lý, khiến một bộ phận nhân dân bức xúc, thiếu đồng tình. Việc thụ lý, tổ chức kiểm tra xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền đối với một số vụ việc còn kéo dài. Công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; vai trò trách trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo  tuy có chuyển biến nhưng chưa rõ nét, chưa chủ động trong nắm bắt tình hình, dự báo, xử lý kịp thời các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa thực sự cải cách, đổi mới và chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, chỉ số hài lòng (SIPAS) đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục theo đánh giá giảm; vẫn còn đơn thư phản ánh liên quan đến hành vi của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) giảm về thứ hạng, nhất là lĩnh vực chỉ đạo điều hành giảm mạnh. Cải cách hành chính cần phải được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa, nhất là công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, góp ý kiến để từng bước đẩy lùi tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu; nâng cao trách nhiệm, thái độ và chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp, nhất là tại các trung tâm hành chính công.

Công tác tuyển dụng công chức, viên chức còn chậm. Việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh hàng năm về thông qua Kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hội và chỉ tiêu lao động hợp đồng chưa nghiêm; một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã được giao biên chế (trên cơ sở đã tính toán tinh giản theo lộ trình) nhưng hiện tại thiếu người làm việc với số lượng lớn, đã kéo dài trong nhiều năm nhưng không được tuyển dụng dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, vẫn còn một số hạn chế như: Tiến độ giải quyết một số vụ việc còn chậm, kéo dài; một số vi phạm xẩy ra trong quá trình tố tụng chậm được phát hiện dẫn đến tình trạng khi đưa ra xét xử phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; một số kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với các vi phạm trong công tác điều tra, xét xử, thi hành án chậm được khắc phục, các vi phạm hầu như năm nào cũng xảy ra nhưng chưa có biện pháp để buộc các cơ quan phải khắc phục một cách nghiêm túc. Đây là vấn đề cần được quan tâm, có giải pháp để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Công tác xét xử và thi hành án hình sự , vẫn còn một số hạn chế, như: Tỷ lệ án thụ lý, giải quyết thấp hơn so với cùng kỳ. Đường lối xét xử một số vụ án chưa nghiêm; áp dụng không chính xác tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo; chậm ban hành quyết định thi hành án hoặc áp dụng điều luật làm căn cứ ban hành quyết định về thi hành án không đầy đủ, thiếu chính xác. Vẫn còn tình trạng một số vụ án tuyên không chính xác, gây khó khăn trong công tác tổ chức thi hành.

Công tác Thi hành án dân sự, còn một số tồn tại, hạn chế, đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được khắc phục, như: chậm ban hành quyết định thi hành án; áp dụng điều luật làm căn cứ ban hành quyết định về thi hành án thiếu chính xác; quyết định thi hành án còn một số sai sót; chỉ đạo xử lý một số vụ việc phức tạp, phải tổ chức cưỡng chế còn lúng túng, kém hiệu quả. Số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong còn nhiều; số việc, tiền chưa có điều kiện thi hành vẫn còn lớn là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với công tác thi hành án dân sự trong những tháng cuối năm.

Từ đó, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có một số kiến nghị, đề xuất như: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng rà soát lại các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trong nhiệm kỳ trước chưa được điều tra, xử lý trên từng địa bàn; đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để giải quyết ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhất là các vụ việc còn tiềm ẩn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội như tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội buôn lậu qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ, nhất là phòng chống cháy rừng. Chỉ đạo các cấp, các ngành xiết chặt công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, giải trình của người đứng đầu đối với những vấn đề người dân quan tâm. Tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm về phòng chống dịch.

Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường phục vụ người dân và doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm và tinh thần phục vụ của công chức, viên chức trong giải quyết công việc theo chức trách, nhiệm vụ được phân công. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch biên chế đã được HĐND tỉnh giao; kịp thời phê duyệt kế hoạch tuyển dụng số công chức, viên chức còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định.

Đề nghị VKSND tỉnh chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm. Tăng cường hơn nữa chất lượng kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử để hạn chế thấp nhất các vụ án phải trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để xảy ra oan sai. Có giải pháp hữu hiệu trong việc yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm trong tố tụng một cách hiệu quả. Chấm dứt tình trạng các vi phạm để dây dưa, kéo dài. Tòa án nhân dân tỉnh cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc giải quyết các loại án đối với TAND cấp huyện. Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong công tác chuyên môn, hạn chế thấp nhất tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Nâng cao chất lượng tranh tụng trong hoạt động xét xử và chất lượng giải quyết các loại án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình; phát huy vai trò hòa giải tại Tòa án theo luật định.

Cục THADS tỉnh tăng cường chỉ đạo chấp hành viên hai cấp thực hiện đầy đủ các biện pháp theo quy định để đẩy nhanh kết quả thi hành án; tăng cường công tác xác minh các vụ việc có điều kiện thi hành để giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài.

BBT

    Ý kiến bạn đọc