Cải thiện thứ hạng nâng cao giá trị hộ chiếu Việt Nam
EmailPrintAa
19:10 14/11/2019

Sáng 14/11, tại buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Lê Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) cho rằng cần thiết phải bổ sung các quy định về chính sách thị thực điện tử và miễn thực thi đơn phương đối với người nước ngoài.

Trước hết đại biểu cho rằng sau hơn 2 năm triển khai thực hiện thí điểm chính sách thị thực điện tử với người nước ngoài đã được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn về xuất nhập cảnh cho người nước ngoài, chính sách này đã được thể chế hóa và đưa vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung lần này.

Theo quy định hiện hành, có 80 nước mà Việt Nam đang áp dụng thí điểm chính sách thị thực điện tử được quyền lựa chọn xin thị thực điện tử hoặc thị thực truyền thống. Tuy nhiên, nếu công dân các nước trên xin cấp thị thực truyền thống với mục đích du lịch thì cần phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân mời đón, bảo lãnh, nhưng xin cấp thị thực điện tử không cần làm thủ tục này.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) phát biểu tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Từ góc độ lập pháp, đại biểu lập luận quy định như dự thảo Luật là chưa bảo đảm tính thống nhất theo những nguyên tắc quy định trong Luật Ban hành VBQPPL. Như vậy, trường hợp tiếp tục áp dụng nguyên tắc mời đón, bảo lãnh khi người nước ngoài xin cấp thị thực truyền thống với mục đích du lịch sẽ bị xem là đối xử khắt khe hơn người xin thị thực điện tử. Để bảo đảm tính thống nhất, nếu không áp dụng nguyên tắc mời đón, bảo lãnh khi xin cấp thị thực điện tử thì cũng nên không áp dụng nguyên tắc này khi xin cấp thị thực truyền thống. Cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực sẽ xét duyệt và cấp thị thực cho người nước ngoài trên cơ sở các thông tin về người nước ngoài được phép nhập cảnh hoặc cấm nhập cảnh vào Việt Nam mà Bộ Công an chia sẻ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng.

Do đó, từ những phân tích trên đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo Luật theo hướng không áp dụng nguyên tắc mời đón, bảo lãnh trong việc xét cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, khảo sát thị trường đồng thời áp dụng chung khi xin cấp thị thực điện tử và thị thực truyền thống, ít nhất là đối với công dân 80 nước đã đề cập trên.

Ngoài ra, theo đại biểu thời gian gần đây Hộ chiếu Việt Nam bị tụt hạng tại bảng xếp hạng Hộ chiếu của các nước trên thế giới năm 2019, vì chỉ được tự do đi đến không nhiều quốc gia mà không cần xin thị thực. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã và đang thúc đẩy trao đổi với các nước về việc đàm phán, ký hiệp định miễn thị thực hoặc ký Điều ước quốc tế về đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân hai bên trên cơ sở có đi có lại; tăng cường đề nghị các nước đưa công dân Việt Nam vào diện được cấp thị thực điện tử. Đặc biệt với những nước Việt Nam áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử; qua đó mong muốn góp phần tích cực vào việc cải thiện thứ hạng, nâng cao giá trị của hộ chiếu Việt Nam.

Đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với việc miễn thị thực, đó điều kiện cần nhưng chưa đủ để thu hút khách du lịch. Nhiều cường quốc về du lịch như Nhật bản, Pháp, Tây Ban nha, …việc xét thị thực rất khắc khe, trong khi khách du lịch đến với các nước này ngày một tăng. Vấn đề đặt ra làm sao để người nước ngoài đến với Việt Nam không phải vì chính sách miễn thị thực mà do đất nước có những sản phẩm du lịch tạo ấn tượng, đầy sức hút và hấp dẫn.

Đại biểu đề nghị việc bổ sung một trong những điều kiện để có thể quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân của một nước tại Điều 1 khoản 8 của dự thảo theo đó để Chính phủ có thể quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của một nước, thì quốc gia đó “ Phải có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam ”  là quy định bổ sung cần thiết. Theo đó cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thêm cơ sở pháp lý để yêu cầu phía nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc quyết định chính sách thị thực cho công dân của nước ta; đảm bảo quyền và lợi ích tương ứng của công dân cũng như nguyên tắc đối đẳng trong quan hệ đối ngoại, thuận lợi hơn khi đàm phán theo hướng từng bước tăng số nước mà công dân Việt Nam đến không cần thị thực, góp phần nâng cao xếp hạng hộ chiếu Việt Nam.

Phạm Nghĩa - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc