Cam kết và hành động của Quốc hội Việt Nam
EmailPrintAa
08:21 17/12/2018

Sáng nay, 17.12, Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững” sẽ được Quốc hội Việt Nam, Liên minh Nghị viện thế giới và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức tại TP Đà Nẵng. Tiếp nối các hoạt động cụ thể đã triển khai thực hiện kể từ sau khi Tuyên bố Hà Nội được Đại hội đồng IPU thông qua vào tháng 4.2015 và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 9.2015, Hội nghị lần này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vai trò và sứ mệnh của QH Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở cấp độ quốc gia và sự chủ động, tiên phong trong thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế.

Vai trò thiết yếu của Nghị viện

Ngày 1.4.2015, trên cơ sở sáng kiến của QH Việt Nam, Đại hội đồng IPU - 132 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, khẳng định lại tầm nhìn của nghị sĩ, nghị viện các nước thành viên IPU và 23 tổ chức nghị viện khu vực, quốc tế về sự phát triển bền vững, mở ra một cách tiếp cận mới của IPU, tập trung hành động hơn lời nói và đặt người dân vào trung tâm của mọi chủ trương, chính sách phát triển. Với Tuyên bố Hà Nội, QH Việt Nam và Nghị viện các nước trên thế giới cam kết nội luật hóa SDGs thành những quy định pháp luật có thể thực thi, trong đó có vấn đề phân bổ ngân sách; ban hành các điều khoản về ngân sách và luật pháp phù hợp với kế hoạch phát triển quốc gia; xác định rõ các mục tiêu và chỉ tiêu áp dụng cũng như biện pháp cung cấp nguồn tài chính; đánh giá sự tiến bộ không chỉ dựa trên các chỉ số trung bình của quốc gia mà còn xem xét tới các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong xã hội, để bảo đảm ai cũng được quan tâm.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”

Tháng 9. 2015, thông điệp trọng tâm của Tuyên bố Hà Nội đã được phản ánh trong kết quả của Hội nghị Thế giới lần thứ tư Chủ tịch các Nghị viện thế giới, qua đó cung cấp nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc. Và tại Phiên họp thứ 70, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu nhằm đưa tất cả quốc gia sát cánh bên nhau trên con đường tiến tới một thế giới thịnh vượng, bền vững và công bằng hơn.

Chương trình nghị sự 2030 đã xác nhận rõ ràng “vai trò thiết yếu” của nghị viện các quốc gia thông qua việc ban hành luật, thông qua ngân sách cũng như bảo đảm trách nhiệm thực hiện cam kết của các quốc gia. Đặc biệt, các chỉ tiêu cụ thể của SDG 16 đã chứng tỏ, các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia rộng rãi của người dân như nghị viện là rất quan trọng để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030. Sự tham gia của Nghị viện các nước trong Chương trình Nghị sự 2030 sẽ bảo đảm việc tạo ra một cơ chế cởi mở và minh bạch cho các nước theo dõi tiến trình thực hiện các SDGs và tạo điều kiện cho các thảo luận về chính sách quốc gia được thực hiện trong một bối cảnh cởi mở với sự tham gia của cả khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các bên liên quan khác.

Những câu hỏi thường trực trên bàn nghị sự

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam và QH Việt Nam đã chủ động triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các cam kết của Tuyên bố Hà Nội.

Một kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được ban hành, nhấn mạnh quan điểm của Nhà nước, coi con người là trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, tiếp cận các nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là loại tài nguyên không thể tái tạo, gìn giữ và cải thiện môi trường sống; xây dựng xã hội học tập; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững…

QH Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng việc bảo đảm thực hiện các SDGs, sẵn sàng làm mọi việc trong thẩm quyền của cơ quan lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tạo thuận lợi cho việc xem xét các văn bản luật liên quan, phân bổ nguồn lực ngân sách cần thiết và yêu cầu Chính phủ có trách nhiệm giải trình về việc thực hiện các SDGs.
Các dự án luật, đặc biệt là các dự luật về tài chính, ngân sách, thuế tài nguyên, thuế môi trường, hay các dự luật về lĩnh vực xã hội như bảo đảm bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, lao động việc làm… đều được đặt lên bàn nghị sự của QH với sự đánh giá, cân nhắc thận trọng nhằm bảo đảm các yêu cầu của phát triển bền vững. Những câu hỏi thường trực được các nhà lập pháp đặt ra và yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình, báo cáo cặn kẽ là: Chính sách mới được đề xuất có bảo đảm lợi ích cao nhất và sự thuận tiện nhất cho người dân hay không? Có bảo đảm được sự cân bằng giữa khai thác, sử dụng tài nguyên với bảo vệ môi trường hay không? Có bảo đảm cân bằng giữa hiệu quả và mức độ khai thác sử dụng trong giai đoạn hiện nay với bảo quản, tồn trữ, tái tạo cho các thế hệ tương lai không? Có bảo đảm cân bằng giữa lợi ích của chủ sở hữu tài nguyên là toàn dân với quyền lợi của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác trong khía cạnh công bằng tiếp cận nguồn của cải có hạn hay không? Có bảo đảm tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới không?...

Trong các quyết đáp về ngân sách, QH Việt Nam cũng bảo đảm ưu tiên chi đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ… cho các công trình, dự án lớn, quan trọng của quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để phát triển KT - XH ở các địa bàn miền núi khó khăn, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội…; chủ động cân nhắc và đưa ra thảo luận, tranh luận với Chính phủ các vấn đề liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài chính, cân đối thu chi ngân sách nhà nước trên cơ sở các trụ cột phát triển bền vững, trong mối tương quan cân bằng giữa các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường... Các  ĐBQH thường xuyên tiếp xúc cử tri, nghe tiếng nói của cử tri phản ánh về hiệu quả chính sách tại địa phương, các nguồn lực bảo đảm thực hiện, tạo điều kiện để người dân tham gia vào tiến trình giám sát, thực hiện SDGs ở các cấp độ. QH cũng tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức của người dân về SDGs, sự cần thiết của việc lồng ghép các mục tiêu này, đưa SDGs trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn.

Nâng cao vai trò của Nghị viện trong thực hiện SDGs

Là thành viên tích cực trong IPU, QH Việt Nam cũng chủ động và tiên phong trong nhiều hoạt động của cơ chế hợp tác nghị viện lớn nhất thế giới này nhằm nâng cao vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy, giám sát triển khai thực hiện SDGs trên quy mô toàn cầu.

Tháng 5.2017, QH Việt Nam phối hợp với IPU tổ chức Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” tại TP Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho các nghị viện, nghị sĩ trong khu vực, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp và giám sát nhằm thực hiện SDGs với trọng tâm là SDG số 13 về biến đổi khí hậu; thảo luận về các biện pháp thực hiện SDG 3 về bình đẳng giới và SDG 5 về bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả của hội nghị đã được đệ trình Đại hội đồng IPU và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện SDGs do IPU và UNDP phối hợp xây dựng nhằm hỗ trợ đắc lực cho các nghị sĩ trên toàn cầu cũng như các ĐBQH tại Việt Nam tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc thực hiện SDGs. Tại các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới, các nhà lãnh đạo QH và Đoàn ĐBQH Việt Nam đều khẳng định quan điểm ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện SDGs và các nỗ lực thúc đẩy thực hiện thành công SDGs ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” khai mạc sáng nay tại Đà Nẵng chính là hành động thiết thực của QH Việt Nam nhằm tiếp tục mở rộng hiểu biết của các ĐBQH về SDGs, từng bước tăng cường vai trò và sự tham gia của QH thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện hiệu quả các cam kết của Việt Nam trong triển khai SDGs; thúc đẩy việc triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm của QH Việt Nam đối với Chương trình này. Đây cũng là minh chứng cụ thể cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của Tuyên bố Hà Nội “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng và công bằng cho mọi người dân, cho mọi quốc gia... bởi đó cũng chính là ý nguyện của người dân Việt Nam, là mục tiêu hướng tới của QH Việt Nam.

Báo daibieunhandan.vn

    Ý kiến bạn đọc