Cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã vệ sinh môi trường ở nông thôn
EmailPrintAa
22:13 25/05/2023

Chiều ngày 25/5, chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khoá XV tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Tham gia phát biểu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh - Trần Đình Gia đề xuất chính sách hỗ trợ hợp tác xã vệ sinh môi trường ở nông thôn; nới lỏng chính sách hỗ trợ hợp tác xã vệ sinh môi trường ở nông thôn; luật hóa quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; cho phép chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Hỗ trợ thiết bị chuyên dụng cho hợp tác xã vệ sinh môi trường ở nông thôn

Bày tỏ đồng tình cao với những chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phản ánh, ở địa bàn nông thôn, ngoài hợp tác xã nông nghiệp còn có hợp tác xã thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Qua TXCT để lấy ý kiến góp ý dự án luật này, thì 2 mô hình hợp tác xã này hiện rất khó khăn. Riêng hợp tác xã vệ sinh môi trường trung bình mỗi xã có một hợp tác xã như thế này, hoạt động chủ yếu từ nguồn thu đóng góp phí của các gia đình (15.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng). Phí này gộp lại chủ yếu chỉ đủ để trả công rất thấp cho người lao động, không có điều kiện để mua sắm trang thiết bị chuyên dụng như xe gom rác, xe chuyên dụng, công cụ bảo vệ người lao động.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Vì vậy, cùng với những chính sách được quy định tại 3 khoản như dự án luật, đại biểu Trần Đình Gia đề xuất quy định bổ sung chính sách hỗ trợ các hợp tác xã thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ về phương tiện, điều kiện vận chuyển, phương tiện bảo hộ cho người lao động cũng như cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý rác thải.

Luật hóa quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Theo Phó Trưởng đoàn Trần Đình Gia, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã được thành lập, hoạt động và quản lý bởi hệ thống Liên minh hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương và được quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2003, Luật Hợp tác xã năm 2012; và thực tiễn hoạt động của Quỹ khá hiệu quả, là “bà đỡ” nguồn lực cho việc thành lập, phát triển của nhiều mô hình hợp tác xã.

Vì vậy, đại biểu đề xuất dự thảo luật lần này cần luật hóa những nội dung của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31.3.2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; đề nghị bổ sung nội dung về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã được thành lập ở trung ương do Liên minh hợp tác xã Việt Nam quản lý, ở tỉnh do Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh quản lý.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Đồng thời, đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị việc quy định thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã không nên giao Chính phủ quy định như dự thảo Luật mà cần quy định chi tiết ngay trong Luật để thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Cho phép chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Liên quan đến Điểm a khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 88 (Quản lý, sử dụng tài sản) dự thảo Luật quy định quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, hoặc tài sản do Nhà nước hỗ trợ thì hợp tác xã không được sử dụng làm tài sản bảo đảm khi vay vốn… Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho rằng: Thực tế hoạt động của hợp tác xã rất khó khăn, nhất là về nguồn vốn, việc quy định như trên là chưa phù hợp, sẽ làm giới hạn nguồn lực. Để tháo gỡ, hồ trợ các hợp tác xã, đại biểu đề nghị cần quy định cho phép được sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài của hợp tác xã làm tài sản bảo đảm khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh - Trần Đình Gia phát biểu.

Góp ý Điều 79 dự thảo Luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh - Trần Đình Gia đề xuất lựa chọn phương án cho phép chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên, do việc quy định theo phương án này sẽ mở rộng quyền chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên, đồng thời, tại phương án này cũng đã ưu tiên nhận chuyển nhượng cho thành viên hiện hữu và các cá nhân, tổ chức khác phải đáp ứng điều kiện để trở thành thành viên theo quy định của Luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu, làm rõ ý kiến các vị ĐBQH nêu tại phiên thảo luận

Đồng thời, đại biểu đề nghị quy định chi tiết hơn quyền, nghĩa vụ bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng, nhằm đảm bảo địa vị pháp lý đồng thời thể hiện quan điểm “đối nhân, không đối vốn”.

Xuân Phú - Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc