Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Đẩy mạnh phân quyền và cải cách quy trình xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn
EmailPrintAa
16:01 28/05/2019

Sáng 28/5, Quốc hội nghe, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia sâu về một số nội dung về thẩm quyền và trình tự xem xét, quyết định Kế hoạch Đầu tư công trung hạn.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham gia thảo luận

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn thống nhất và đánh giá cao dự thảo lần này đã tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, tăng cường cải cách hành chính, đổi mới phương thức thẩm định, quản lý nguồn vốn, nâng cao hiệu quả công tác kế hoạch trong hoạt động đầu tư công, đặc biệt là những điểm nghẽn của Luật Đầu tư công năm 2014. Tuy vậy, dự thảo vẫn có một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra các phương án xin ý kiến nhưng chưa tối ưu được mối qua hệ giữa các quy định pháp luật với các mục tiêu, cũng như quá trình quản lý thực tiễn.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, góp ý về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Điều 59 , Đại biểu cho rằng đây là nội dung quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, điều hành ngân sách nên thẩm quyền xem xét, quyết định phải là Quốc hội. Tuy nhiên, nếu Quốc hội quyết định toàn bộ danh mục thì khối lượng quá lớn khi xem xét, quyết định danh mục cụ thể cho cả nước, dẫn đến khó sâu sát, kém linh hoạt.

Để đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, cũng như tránh chồng chéo; Đại biểu đề nghị Quốc hội nên tiếp tục thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, triệt để trên quan điểm phân cấp giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa Trung ương với địa phương gắn với trách nhiệm, cụ thể như sau: Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTC trung hạn, bao gồm những nội dung trọng yếu: tổng vốn đầu tư công trung hạn; nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, tổng mức vốn cho các ngành, lĩnh vực và địa phương; danh mục, mức vốn của các CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia. Quốc hội sẽ phân công Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội chịu trách nhiệm hậu kiểm, giám sát, chặt chẽ danh mục các dự án đảm bảo công khai, minh bạch. Quốc hội giao Chính phủ quyết định danh mục, mức vốn từng dự án cụ thể theo ngành, lĩnh vực, chương trình mục tiêu; phân cấp các địa phương quyết định danh mục dự án của địa phương mình, bao gồm các dự án của địa phương có sử dụng ngân sách cấp trên. Sau đó, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định danh mục, mức vốn từng dự án cụ thể tại địa phương; trong đó HĐND cấp trên quyết định tổng vốn để HĐND cấp dưới quyết định danh mục, mức vốn các dự án tại huyện, xã.

Toàn cảnh hội trường

Về thời gian trình, phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng: để đảm bảo quyền quyết định và tiến độ, chất lượng, tính khả thi, có thế triển khai được ngay những năm đầu của kế hoạch và không dồn vốn về năm cuối kế hoạch, theo tôi gắn với quy định thẩm quyền, đề nghị Kế hoạch ĐTC trung hạn bắt đầu từ năm thứ 2 nhiệm kỳ Quốc hội và kéo dài hết năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội (ví dụ: giai đoạn tiếp theo sẽ bắt đầu từ ngày 01/01/2022 và kết thúc ngày 31/12/2026). Đại biểu đề xuất trình tự phê duyệt cụ thể như sau: Nhằm đảm bảo tiến độ, cho phép Chính phủ sử dụng nguồn dự phòng, nguồn tăng thu của giai đoạn trước để bố trí cho khâu chuẩn bị đầu tư, lập dự án cho các dự án kỳ sau. Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội khoá trước sẽ cho ý kiến, chuẩn bị dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tiếp theo để hoàn thiện trình Quốc hội khoá mới tại kỳ họp thứ nhất quyết định những nội dung trọng yếu. Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, HĐND các cấp lần lượt quyết định danh mục, mức vốn từng dự án cụ thể theo phân cấp tại kỳ họp đầu tiên. Sau đó tổng hợp tổng thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai để phê chuẩn Kế hoạch đầu tư công trung hạn tổng thể và triển khai ngay đầu năm tiếp theo. Như vậy, qua đó vừa đảm bảo thẩm quyền, vừa tăng tính phân cấp sát thực tế, vừa đảm bảo tính kế thừa, kịp thời và triển khai những ngày đầu năm đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Về việc chuyển tiếp dự án giai đoạn trước sang giai đoạn sau , Đại biểu nhận đinh đây là một nội dung đang diễn ra trên thực tế, với nguồn lực đầu tư công còn hạn chế, nhiều ngành, địa phương đã quyết định đầu tư các dự án với tổng mức đầu tư lớn, triển khai vào những năm cuối kế hoạch đầu tư công kỳ trước và chuyển tiếp sang giai đoạn sau. Tuy vậy, Luật hiện hành và Dự thảo lần này chưa quy định rõ nội dung này nên việc triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn; đồng thời, đặt ra tình huống nếu quyết định chủ trương và triển khai trong giai đoạn này nhưng do điều kiện bất khả kháng giai đoạn sau không được đưa vào danh mục, không bố trí vốn thì các dự án này sẽ không thể hoàn thành, sử dụng nguồn vốn lãng phí. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu tham mưu Quốc hội quy định rõ, yêu cầu các dự án chưa bố trí đủ nguồn vốn và chưa hoàn thành thì sẽ phải đưa vào chuyển tiếp thực hiện sang cân đối giai đoạn sau; đồng thời rà soát, đánh giá các dự án nếu không hiệu quả thì phải điều chỉnh hoặc chấm dứt. Bên cạnh đó, cũng quy định chặt chẽ tránh trường hợp các ngành, địa phương lợi dung nội dung này mà quyết định quá nhiều dự án ảnh hưởng đến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.

Phạm Nghĩa - Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc