Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Hồng Hà phát biểu |
Trao đổi tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Hồng Hà chia sẻ: Luật BVMT số 55/2014/QH13 đã đưa ra cách tiếp cận mới, nhiều chính sách, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật BVMT.
Dự luật lần này có một số điểm mới đáng chú ý như lần đầu tiên, các quy định rải rác, phân tán về bảo vệ môi trường trong các luật được đưa vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đưa các chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang phân tán ở một số bộ về Bộ TN- MT như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh – Nguyễn Văn Sơn phát biểu
|
Thống nhất quan điểm của đại biểu Trần Hồng Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn cho rằng Luật BVMT năm 2014 đã có hiệu lực từ năm 2015 nhưng mức độ quan tâm của xã hội còn rất hạn chế cho đến khi xẩy ra những sự cố môi trường thì toàn xã hội mới thực sự thức tỉnh nhận thức tầm quan trọng của BVMT.”. Vì vậy, trong dự luật sửa đổi lần này ngoài việc quan tâm những quy định bảo vệ, quản lý thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cần được đặc biệt quan tâm để người dân, doanh nghiệp cảm nhận được việc bảo vệ môi trường là trong từng hoạt động, hơi thở hàng ngày, để nó trở thành văn hoá ứng xử.
Đại biểu nêu ra nguyên tắc cơ bản là những đối tượng hưởng lợi từ môi trường thì phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường; đồng thời những đối tượng tác động đến môi trường phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí thực hiện phục hồi môi trường.
Về các nội dung quản lý nhà nước cần đưa tập trung quy định về một mục để tăng hiệu lực hiệu quả, đồng thời cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền phù hợp quy mô, công suất, năng lực để các địa phương chủ động và trách nhiệm hơn trong công tác BVMT.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, đại biểu đề nghị phải đồng thời thực hiện tốt cả hai cơ chế “tiền kiểm” và “hậu kiểm” một cách chặt chẽ. Bên cạnh đó là cơ chế đặc biệt về “kiểm tra đột xuất không cần báo trước” trong “trường hợp cần thiết” với việc quy định chi tiết, lượng hoá về “trường hợp cần thiết”, quy trình thủ tục, thành phần thanh, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm nhưng hạn chế gây ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp. Đồng thời, việc sửa luật BVMT cần gắn liền với sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm Hành chính.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu |
Nhất trí với tờ trình về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng việc ban hành giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác là hoàn toàn phù hợp và có tính nhân văn đối với các DN trong giai đoạn hiện nay. Tuy chính sách sẽ làm giảm thu NSNN nhưng xét về mặt xã hội và tổng thể toàn bộ nền kinh tế thì việc giảm thuế sẽ làm giảm gánh nặng chi phí, giúp hoạt động DNNVV duy trì hoạt động, ổn định đời sống và thu nhập, việc làm cho người lao động.
Đại biểu cũng đề nghị cần tính toán thuyết phục hơn con số tác động ngân sách mà dự thảo đề ra. Bên cạnh đó, đại biểu còn băn khoăn vì thực chất trong giai đoạn 4-5 tháng qua các DNNVV hầu như không hoạt động hoặc hoạt động mang tính cầm chừng, rất nhiều DN báo lỗ và dự kiến rất nhiều DN không có lợi nhuận, vì vậy việc giảm 30% thuế TNDN có khi không mang tính thực tiễn đối với phần nhiều đối tượng được hưởng chính sách. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ cho các DN có lãi và cả DN không có lãi hoặc tạm ngừng hoạt động để góp phần phục hồi nền kinh tế./.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)