![]() |
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) |
Trước khi các đại biểu thảo luận, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Tại hội trường, các đại biểu tập trung thảo luận về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; về Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án; về bảo vệ Tòa án; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp; tiền lương, phụ cấp;…
![]() |
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh |
Tham gia thảo luận, Đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh - Phan Thị Nguyệt Thu nhận định Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần này là sự đổi mới một cách khoa học, đột phá về tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của TAND các cấp.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu thống nhất cao với phân tích và lựa chọn phương án 2 như đa số các đại biểu với việc đổi mới Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện thành Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm theo thẩm quyền xét xử của luật.
Đại biểu nêu rõ căn cứ pháp lý ở đây là sự thể chế hoá quan điểm chủ trương đường lối của Đảng theo Nghị quyết 48, 49 và đặc biệt là Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền trong tình hình mới; cũng như Kết luận 79, Kết luận 64, Kết luận 84, Kết luận 92 của Trung ương về tiếp tục xây dựng các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử hiện đại, chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đồng thời, đại biểu cũng nhắc lại Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của nước ta quy định về cơ quan tư pháp gồm có: Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm, các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp (Điều 63).
Về thực tiễn, đại biểu dẫn chứng hiện nay hơn 90% các loại án sơ thẩm là TAND cấp huyện thực hiện việc giải quyết. Khi tăng thẩm quyền thì chúng ta tự tin để giao được toàn bộ loại án này cho TAND cấp huyện. Trên thực tiễn hiện nay, TAND sơ thẩm cấp huyện đã xét xử án hình sự đến 15 năm, các loại án dân sự, hành chính và kinh doanh thương mại, kể cả có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, khi sắp xếp lại bộ máy thì cũng sẽ tạo điều kiện cho TAND cấp sơ thẩm thực hiện việc này rất là phù hợp.
Đại biểu cũng phản ánh, hiện nay không ít tổ chức, cá nhân vẫn còn nhận thức sai khi xem TAND cấp huyện, cấp tỉnh là một phòng ban, sở, ngành của cơ quan hành chính cấp chính quyền, nên nhiều trường hợp người dân sau khi Tòa tuyên án thì lại làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền. Từ đó dẫn đến chậm trễ, vô hình chung người dân tự đánh mất đi quyền kháng cáo của mình ở cấp phúc thẩm, vì thời hạn thực hiện quyền kháng cáo phúc thẩm chỉ được 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án.
![]() |
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Bên cạnh đó, Đại biểu cũng nhận định việc thay đổi này cũng không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan. Thời gian gần đây, nhiều vụ án của Bộ Công an điều tra và Viện kiểm sát tối cao truy tố vẫn đưa về các địa phương để thực hiện việc xét xử cũng rất hiệu quả. Đồng thời, việc đổi mới có thể phải thay đổi con dấu, biển tên nhưng việc phát sinh thêm ngân sách là không đáng kể có với lịch ích của việc đổi mới.
Từ những phân tích đó, Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu khẳng định đổi mời hệ thống tổ chức Tòa án là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội và xu thế chung của thế giới; đảm bảo nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của TAND là độc lập theo thẩm quyền xét xử.
Cuối phiên thảo luận, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tin mới cập nhật
- Chuẩn bị kỹ lưỡng các nôi dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ( 22/04)
- Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng ( 14/04)
- Tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới ( 15/02)
- Đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ( 13/02)
- Đổi mới tư duy, đảm bảo tính thống nhất trong xây dựng pháp luật ( 12/02)
- Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy ( 11/02)