Tại buổi thảo luận, nhìn chung các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật thống kê và tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Tiến Dũng đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung một số chủ thể quản lý nhà nước về thống kê vào khoản 3, điều 7, đó là: các cơ quan khác trực thuộc Chính phủ và một số ngành như Viện KSND Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước...
|
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội trường |
Về độ xác thực của số liệu thống kê, đại biểu cho rằng: Một thực tế hiện nay là có không ít thông tin có chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục thống kê với các bộ, ngành và giữa cơ quan Trung ương với các địa phương. Chính việc này gây ra hoài nghi về độ chính xác của số liệu thống kê và khi sử dụng rất băn khoăn, nhất là lúc hoạch định chính sách phát triển.
Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quy định chặt chẽ về nội dung, về phương pháp tính, về nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê, thiếu các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất và sử dụng thông tin thống kê và về thẩm quyền điều phối của cơ quan Trung ương; về ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và cơ chế; cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm pháp luật trong công tác thống kê. Do đó, đại biểu Trần Tiến Dũng đề nghị nghiên cứu để bổ sung vào trong các điều ở Chương II, quy định về những hành vi cấm, quy định chặt chẽ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cả ba nhóm chủ thể như: Nhóm chủ thể cung cấp thông tin cho ngành thống kê, nhóm chủ thể sản xuất thông tin thống kê và nhóm chủ thể về sử dụng thông tin thống kê. Đồng thời, đề nghị tăng nguồn lực đầu tư để hiện đại hóa hoạt động thống kê, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến và công nghệ thông tin truyền thông số liệu hiện đại, tiên tiến thì khi đó mới đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của công tác thống kê.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Số liệu thống kê vô cùng quan trọng trong việc đánh giá KT-XH, làm cơ sở cho dự báo và hoạch định chính sách, chiến lược phát triển KT-XH của đất nước và địa phương. Vì vậy, cần có sự quản lý thống nhất số liệu thống kê từ trung ương đến địa phương, mặc dù đại biểu đồng tình với quy định có 4 cấp trong hệ thống thông tin thống kê nhà nước. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định tại Điều 12 để rõ trách nhiệm của các cấp, để tránh chồng chéo trong thông tin thống kê nhà nước của bộ, ngành, cấp tỉnh, cấp huyện và vai trò quản lý nhà nước của cơ quan thống kê các cấp về thông tin thống kê. Để đảm bảo tính trung thực, khách quan của thông tin thống kê đại biểu nhấn mạnh: Trong thông tin thống kê chúng ta có nhiều chiều, nhưng khi vì mục đích, quyền lợi để tranh thủ đầu tư, để tranh thủ những chương trình, chính sách thì chúng ta có số liệu khác, để báo cáo, để lấy thành tích thì chúng ta lại có một số liệu khác, cơ quan thống kê liệu đã có thể chủ động và triển khai vấn đề này khách quan được chưa? Nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đảm bảo tính khách quan, tính minh bạch, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê, thực hiện đúng quy định của nhà nước về số liệu điều tra, số liệu thống kê và đề cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định số liệu thống kê và chế độ báo cáo thống kê.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)