Tại buổi thảo luận (được phát thanh, truyền hình trực tiếp) đại biểu đã đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được chú trọng và đạt một số kết quả tích cực. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Đại biểu cơ bản đồng ý với báo cáo của Chính phủ Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết QH về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kết quả thực hiện NSNN năm 2016 và triển khai thực hiện dự toán NSNN 2017. Để làm rõ hơn về báo cáo, đại biểu đi sâu và tập trung vào vấn đề thu, chi và cân đối NSNN:
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu thảo luận tại hội trường về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 |
Theo đại biểu: Về thu NSNN của quốc gia chủ yếu từ nguồn thu từ thuế. Nguồn thu từ thuế theo đà tăng trưởng suy giảm cùng với việc hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế cần phải giảm thuế suất cho thấy nguồn thu không tăng nhiều, chưa tương xứng với nhu cầu chi tiêu. thất thu NSNN vẫn xảy ra; việc quản lý hóa đơn vẫn còn bị buông lỏng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thu NSNN khó khăn, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đại biểu đã phân tích sâu hơn về cơ chế thu thuế ở VN hiện nay, đó là cơ chế tự khai, tự nộp thuế. Đây là cơ chế ưu việt trong quản lý thuế, giảm các thủ tục hành chính và thời gian thu thuế. Tuy nhiên, thực tế có một hạn chế liên quan đến cơ chế này mà người nộp thuế có thể lợi dụng, lách luật hoặc tìm cách trốn thuế gây thất thu cho NSNN. Đó là ”Bảng kê các khoản mua vào bán ra”. Trước năm 2015 vẫn đang quy định về Bảng kê này nhưng sau năm 2015 việc bỏ quy định về bảng kê khai gây khó khăn cho cán bộ thuế trong vấn đề thu nộp. Theo đó, các doanh nghiệp đến cơ quan thuế kê khai và chỉ nộp 1 tờ kê khai về thuế, nếu không có Bảng kê khai về các khoản mua vào, bán ra, cơ quan thuế sẽ không nhìn thấy thông tin nào về việc các nghiệp vụ mua vào bán ra, vì thế khó có thể phân tích rủi ro hay nghi ngờ những khoản kê không đúng để yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Vì có quá nhiều DN trên địa bàn, cơ quan thuế không thể kiểm soát được hết việc kê khai thuế của tất cả các doanh nghiệp có chính xác hay không, dẫn đến tình trạng người nộp thuế có thể kê khai thuế đầu vào cao, thu hẹp chênh lệch giữa thuế đầu ra và thuế đầu vào.
Bên cạnh đó, với cơ chế trên, nhiều công ty ma đã lập khống các chứng từ, mua bán các hóa đơn đầu vào, rút ruột NSNN thông qua hành vi hoàn thuế GTGT. Năm 2016 hàng loạt vụ án về việc hoàn thuế GTGT đã được phơi bày, tuy nhiên các vụ án đó hầu như là do cơ quan điều tra phát hiện trước, chứ không phải là do cơ quan thuế.
Như vậy, từ sự phân tích trên đây, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính thiết lập lại cơ chế sử dụng Bảng kê các khoản mua vào bán ra để tạo sự minh bạch, hiệu quả hơn trong quá trình quản lý các khoản thu nộp thuế. Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần có giải pháp khả thi hơn trong vấn đề quản lý kê khai nộp thuế như chế độ chứng từ, hóa đơn, các khoản thanh toán qua ngân hàng, áp dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát thuế,…Chính phủ tập trung hơn vào chỉ đạo công tác thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN.
Về chi NSNN: Trong các chiến lược phát triển trong các thời kì hầu hết đều nhấn mạnh tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hành chính,… việc chi cho đầu tư phát triển sẽ sinh lợi trong tương lai. Nghị quyết 07-NQ/TƯ Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, …. Trong đó có chỉ tiêu: chi NSNN cho đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 bình quân khoảng 25-26%
Trong những năm qua, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN có xu hướng tăng dần, từ 50,37% tổng chi NSNN năm 2005 lên tới mức 61,67% năm 2012. Trong khi đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi đang có xu hướng giảm, từ mức bình quân 31,09% giai đoạn 2001 – 2005 xuống còn 28,6% giai đoạn 2006 – 2010. Trung bình giai đoạn 2001 – 2013, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 28,72% tổng chi. Trong cơ cấu chi NSNN năm 2016 chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 19,72% (chưa đến 1/5 tổng chi NSNN), chi thường xuyên chiếm 61.15%, chi trả nợ và viện trợ chiếm 12%.
Đại biểu boăn khoăn về chi trả nợ: Đáng chú ý là năm 2009, khi Luật Quản lý nợ công ra đời cũng là từ năm đó nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao, những năm qua, Chính phủ đã dành một phần ngân sách không nhỏ để cho trả nợ nhưng vẫn không đủ buộc phải đi vay thêm để đảo nợ. Một con số rất đáng trăn trở, đó là: Năm 2017 dự toán chi trả nợ gốc (chưa bao gồm lãi) là 163.846 tỷ đồng, trong đó Vay để trả nợ gốc là 156.537 tỷ đồng. Tình trạng đảo nợ cho thấy rằng Chính phủ đang gặp một số vấn đề về khả năng trả nợ của mình.
Như vậy, các con số trên Báo cáo kết quả thực hiện NSNN năm 2016-2017 cho thấy chúng ta đang loay hoay trong bài toán đảm bảo chi thường xuyên (tức là cho chi tiêu dùng) và đi vay để trả nợ vay. Trong khi đó về nguyên lý là các khoản nợ vay chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, sẽ sinh lợi và nó chỉ được sử dụng trong Lợi nhuận của nền kinh tế để chi trả. Do vậy, đại biểu cho rằng việc cơ cấu lại các khoản chi, tăng chi đầu tư phát triển, thắt chặt chi thường xuyên, chi cho tiêu dùng là vô cùng cấp bách. Điều đó đồng nghĩa Chính phủ phải mạnh tay hơn trong việc tinh giảm biên chế, cải cách bộ máy hành chính theo hướng hết sức tinh gọn, tiết kiệm chi hành chính,…
Về Thâm hụt NSNN: Trong những năm gần đây, với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, VN đã và đang theo đuổi chính sách thâm hụt NS có định hướng. Trong chiến lược quản lý nợ công cũng như trong chiến lược tài chính đến năm 2020 được ban hành từ năm 2012, Chính phủ đưa ra mức trần bội chi ngân sách cho năm 2015 là 4,5% GDP, sau đó giảm tiếp về mức 4% GDP cho giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, mặc dù thu NSNN tiếp tục tăng, nhưng chi luôn vượt thu, điều này dẫn tới tình trạng thâm hụt NS triền miên và có mức độ ngày càng gia tăng. Thâm hụt NSNN đã tăng từ mức trung bình 4,9% GDP giai đoạn 2001 – 2005 lên 5,53% GDP giai đoạn 2006 – 2010. Năm 2015 thâm hụt NS là 6,28% so với GDP. Điều đáng nói là những con số bội chi ngân sách này không những đã vượt trần bội chi do Chính phủ tự cam kết mà còn vượt trần bội chi do Quốc hội giới hạn.
Đại biểu cũng đã quan ngại và chia sẻ với chính phủ về việc trong bối cảnh nguồn thu NSNN hạn hẹp, nhu cầu chi tiêu cao. Tuy nhiên, việc vay vốn phải đảm bảo nguyên tắc là đáp ứng chi đầu tư. Thực tế thì trong giai đoạn 2007-2011, bội chi thấp hơn khá nhiều so với chi đầu tư, tức là thu ngân sách lớn hơn chi thường xuyên, chi trả nợ và có một phần cho đầu tư. Từ năm 2012, khoảng cách giữa bội chi và chi đầu tư ngày càng nhỏ lại và đến năm 2015 bội chi đã vượt xa chi đầu tư. Điều này đi ngược lại quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó quy định “trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách Nhà nước”.
Thâm hụt NS liên tục đã kéo theo sự gia tăng của nợ công. Việc kéo dài tình trạng này sẽ làm giảm niềm tin vào chính sách và tiềm ẩn rủi ro kinh tế vĩ mô.
Để có những giải pháp về thu chi ngân sách, đại biểu Bùi thị Quỳnh Thơ đã kiến nghị: về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 và thời gian tới, đề nghị cần tiếp tục bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn NSNN đã được UBTVQH quyết định. Bảo đảm thực hiện việc hỗ trợ hiệu quả các chương trình, dự án quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần quan tâm cơ cấu lại các khoản chi NSNN, có lộ trình thực hiện giảm dần chi thường xuyên, chi mua sắm tài sản công và chi cho bộ máy hành chính trên tinh thần chi tiêu tiết kiệm; kiên quyết rà soát cắt bỏ dần một số nhiệm vụ chi tiêu công không hiệu quả, không cần thiết và tăng cường cải cách bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế v.v. để trong thời gian tới cân đối được thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)