Thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia…
|
Phát biểu tại tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các cơ quan Quốc hội; nhiệm kỳ qua phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen những khó khăn, thách thức lớn, nhìn chung kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; dịch bệnh được kiểm soát và KT-XH có bước phục hồi, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, hạn chế của giai đoạn như đại dịch vào năm cuối của nhiệm kỳ nên nhiều chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt kế hoạch, nhất là GDP bình quân đầu người còn rất thấp so mục tiêu đề ra (2.750/3.200 USD/người); các mục tiêu chạy theo số lượng nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề…
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu
|
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng v iệc thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nhưng khi sáp nhập lại gây ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu các thiết chế cơ sở, thiếu tính ổn định. Sau sáp nhập quy mô các xã, các thôn lớn hơn, số cán bộ hoạt động giảm đi, khối lượng công việc tăng nhưng Nghị định số 34/2019/NĐ-CP lại quy định chế độ chính sách sử dụng “bồi dưỡng” từ đoàn phí, hội phí đoàn là không phù hợp. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần có sự đồng bộ về địa giới hành chính, bộ máy, chính sách đặc biệt là cấp cơ sở, vì nhìn từ thực tế qua đợt bão lũ vừa qua thì cấp cơ sở là cấp quan trọng nhất trong triển khai thực hiện 4 tại chỗ.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng đánh giá sự kịp thời, chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ khi ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội nhằm chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số chính sách ban hành nhưng không hấp thu được do điều kiện, thủ tục quá ngặt nghèo, tiến độ phê duyệt và giải ngân quá chậm, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như ý nghĩa của chính sách. Qua đó cũng cho thấy việc tham mưu xây dựng chính sách của các bộ, ngành liên quan là không sát thực tế, nhiều quy trình, thủ tục và chậm được sửa đổi bổ sung.
Bàn về kế hoạch năm 2021 và 5 năm 2021-2025, đại biểu nhất trí về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra. Khẳng định Việt Nam đang ở vị thế hoàn toàn mới, để phát triển toàn diện, nhanh, hiệu quả và bền vững hơn, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt và có tính đột phá hơn nữa, phải xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn qua, dự báo sát tình hình thế giới và trong nước trong thời gian tới; bám sát theo dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận tổ
|
Tham gia góp ý sâu kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng các nhiệm vụ và chỉ tiêu đặt ra là tổng thể cho cả nước, còn kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế ở nhiều địa phương chưa xác định rõ trọng tâm phù hợp với trình độ phát triển, thế mạnh của từng nơi và chưa tạo được bước đột phá. Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền lớn. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Đại biểu đề nghị cần có sự giám sát chặt hơn về lộ trình thực hiện tái cơ cấu, các địa phương cần có kế hoạch quy hoạch, cơ cấu lại ngành, vùng lãnh thổ một cách hệ thống.
Đối với kết quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đánh giá tiến độ triển khai còn rất chậm, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chưa được giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản. Còn tình trạng doanh nghiệp lãi giả, lỗ thật, các dự án kém hiệu quả chưa được xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế và nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)