Trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả Kỳ họp thứ Sáu, Phó Tổng Thư ký QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, QH đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch Nước. QH đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV |
Ảnh: Lâm Hiển |
QH thông qua các Nghị quyết: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV. QH cũng đã thông qua 9 luật gồm: Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.
QH cũng xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ Tư. Đây được coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của QH trong việc giám sát đến cùng đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Quốc hội đã hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bên cạnh đó, QH dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Năm và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan.
Tiếp đó, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc QH chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); kết quả công tác lấy phiếu tín nhiệm, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tương thích với các cam kết của Hiệp định CPTPP; một số vướng mắc trong công tác tác nghiệp của phóng viên, báo chí…
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, chúng ta thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, chứ không phải bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ở các nước trên thế giới chỉ thực hiện bỏ phiếu bất tín nhiệm, nên đương nhiên chỉ có hai mức tín nhiệm và bất tín nhiệm. Ở nước ta, lấy phiếu tín nhiệm đối với người được QH bầu, phê chuẩn, trong trường hợp phiếu tín nhiệm quá thấp (trên 50% phiếu tín nhiệm thấp), thì cá nhân đó phải xin từ chức, còn nếu quá 2/3 ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm thấp, QH sẽ chuyển sang hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Như vậy, khi lấy phiếu tín nhiệm, phiếu tín nhiệm quá thấp thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Sáu là khách quan, công tâm, đánh giá đúng người, đúng việc. Bản thân người được đánh giá cũng thấy thỏa đáng, do tự nhận thức được những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Đối với việc đồng bộ hóa hệ thống pháp luật khi tham gia Hiệp định CPTPP, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nêu rõ, ngay trong quá trình đàm phán tham gia Hiệp định, nước ta đã đề xuất sửa đổi 8 luật, trong đó có Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được QH thông qua. Hiện còn 7 dự án luật sẽ được trình QH xem xét, sửa đổi trong thời gian tới. Riêng việc sửa đổi Bộ luật Lao động, Ủy ban Pháp luật đang xem xét điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết thêm, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm tương thích với cam kết của Hiệp định CPTPP đều có lộ trình, chứ không nhất thiết phải làm ngay trong năm 2019.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)