Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025
EmailPrintAa
16:22 30/10/2021

Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10/2021, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo 424 của Chính phủ về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế nêu khá rõ ràng, chi tiết, rộng và sâu. Phần tổ chức thực hiện cũng nêu rõ căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng những chương trình hành động thực hiện nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, hoàn thành trước tháng 12/2021.

Sau khi Chính phủ có chương trình hành động, các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động, kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương với vai trò “nhạc trưởng” Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Các địa phương không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn, máy móc như trước đây, không đưa chương trình, kế hoạch hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm thế nào.

Đại biểu đồng tình với giải pháp của Chính phủ đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Ở góc độ địa phương, đại biểu đề nghị cần làm rõ những giải pháp sau: Trước biến động của nền kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để ổn định quan trọng nhất chúng ta phải nâng cao nội lực nền kinh tế, phát huy khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước. Đồng thời, nâng cao vai trò điều tiết của nhà nước bằng các công cụ chính sách.

Về vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành cần phải được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, quy hoạch nọ "đọ" quy hoạch kia. Với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Quy hoạch xong thì nhiều vùng, nhiều dự án đã triển khai. Đồng thời việc triển khai thực hiện quy hoạch phải được quản lý chặt chẽ.

Tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành phiên thảo luận.

Đối với lên kết vùng là hết sức cần thiết. Để liên kết vùng được phát huy hiệu quả, rất cần sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể, rõ ràng. Sau mỗi thời kỳ cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp mang tính định hướng, chủ đạo của nền kinh tế. Còn những lĩnh vực khác đang làm tốt, phù hợp với kinh tế thị trường thì để xã hội làm, không để tình trạng lĩnh vực xã hội làm tốt mà vẫn cố giữ doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là định giá chính xác, phải được đấu giá một cách công khai rộng rãi, minh bạch.

Tiếp tục cơ chế tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, khi cần nguồn lực phải triển khai được ngay để đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, tránh tình trạng lãnh phí.

Trong phiên họp buổi sáng, sau phần thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc