Sẽ linh hoạt, chia làm nhiều đợt đối với kỳ thi THPT năm 2022
EmailPrintAa
18:04 11/11/2021

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tiếp tục trả lời chất vấn về những vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Các Bộ trưởng: Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ hơn những nội dung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn

Hầu hết các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm rõ một số giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới, cụ thể như: Giải pháp để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa - đây là một trong những yếu tố tác động lớn đến chất lượng dạy học; giải quyết bài toán đội ngũ giáo viên thừa thiếu cục bộ; chất lượng đội ngũ, chính sách cho nhà giáo; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong giáo dục; kế hoạch lâu dài đối với việc dạy và học trực tuyến…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Việc học trực tuyến không thể tránh khỏi những hạn chế về chất lượng, nhưng việc lùi 1 năm với việc kiểm tra đánh giá là không phù hợp. Học đến đâu sẽ kiểm tra đánh giá tới đó.

Với câu hỏi của đại biểu về việc trường đại học có thể cam kết với sinh viên về khả năng có việc làm sau khi ra trường, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT cho rằng điều này là khó khả thi.

Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh, Đoàn ĐBQH Cần Thơ chất vấn

Trước câu hỏi của đại biểu về việc có thể bỏ kỳ thi THPT trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi THPT đã được luật hóa, nên không thể bỏ. Việc thi vẫn là cần thiết. Trong điều kiện dịch bệnh, có thể tổ chức kỳ thi một cách linh hoạt, làm nhiều đợt…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đăng đàn, làm rõ một số nội dung liên quan. Trong đó, đối với vấn đề biên chế giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân tích rõ: Vấn đề đặt ra với các địa phương là rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp để giảm số trường, tăng trường liên cấp, trường liên xã, tăng trường bán trú.... để giải quyết vấn đề biên chế và trường lớp. Cần tập trung đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục đào tạo - vấn đề này nhiều tỉnh thành đã thực hiện rất thành công. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp Bộ GD- ĐT và các bộ liên quan, rà soát các quy định, văn bản pháp luật để hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trong dạy và học trực tuyến, về điểm lõm sóng xác định có hơn 2.000 điểm và đã khắc phục 1.000 điểm. Hơn 1.000 điểm sẽ khắc phục trong thời gian tới, chậm nhất là trong tháng 01/2022. Hiện nay còn 8 triệu hộ chưa có cáp quang nên nếu đưa được cáp quang, wiffi thì tốc độ đường truyền sẽ tốt hơn; do đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đến năm 2025 cơ bản các hộ dân sẽ được dùng cáp quang.

Đối với Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay đã triển khai được 100.000 máy; thời gian qua có chậm lại do đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng từ tháng 12 sẽ triển khai nhanh hơn. Việc khắc phục điểm lõm sóng còn lại sẽ mất khoảng 3.000 tỷ đồng. Về việc miễn giảm cước đến hết năm 2021, theo tính toán hết hơn 500 tỷ đồng.

Về vấn đề phát triển học trực tuyến, theo thống kê của Bộ TT & TT trên cả nước hiện có khoảng 10 triệu người học. Tuy nhiên, để kiểm soát trẻ sử dụng các tiện ích, lợi ích tối đa của việc truy cập internet của học sinh thì cần sự chung tay, cố gắng của các gia đình. Hiện nay, Bộ TT&TT đang đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học, làm chậm tiến độ đổi mới chương trình giáo dục đào tạo mà Trung ương Đảng đã đề ra. Trong phiên chất vấn các vấn đề về giáo dục đào tạo, thống kê có 28 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 10 ý kiến tranh luận, 20 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn, 1 đại biểu đã chất vấn nhưng chưa được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời vì đã hết thời gian.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời kỹ lưỡng, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, chất lượng trả lời của Bộ trưởng rất tốt.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có sự tham gia trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình thêm các vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu sớm xây dựng việc tiêm chủng vaccine cho học sinh để đưa các em trở lại trường học theo lộ trình. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có chiến lược rõ ràng việc tiêm vaccine cho học sinh, sinh viên để có kế hoạch lộ trình đưa các em đi học tập trung. Sớm có kế hoạch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2022, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của địa phương trong khâu tổ chức thi và tuyển sinh. Nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách đối với các bộ ngành, chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; chương trình mục tiêu quốc gia để sớm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị với nông thôn và vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sắp xếp đổi mới giáo dục, kể cả đào tạo lại đối với những trường hợp là cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với xã hội hóa; tăng cường quản lý giáo dục công lập. Công khai minh bạch vấn đề tự chủ tài chính…

Trần Đình Trọng

    Ý kiến bạn đọc