Đại biểu HĐND tỉnh đề xuất nhiều giải pháp thực hiện mực tiêu năm 2024
EmailPrintAa
10:44 07/12/2023

Trích dẫn Báo cáo Tổng hợp ý kiến thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVIII)

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh,

Kinh thưa cử tri và Nhân dân tỉnh nhà

Trước Kỳ họp, tại các địa phương, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức thảo luận, có hơn 160 ý kiến phát biểu đóng góp vào nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp. Những nội dung cụ thể đã được tổng hợp tại báo cáo thảo luận tổ và báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri; Chủ tọa Kỳ họp đã giao Tổ thư ký, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trần Tú Anh trình bày báo cáo Tổng hợp thảo luận tại kỳ họp thứ 17

Tại Phiên thảo luận chiều nay, đã có 06 đại biểu đại diện cho các Tổ đại biểu tham gia ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội trường. Các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết trước cử tri và Nhân dân; kịp thời phản ánh các ý kiến cử tri, những vấn đề thực tiễn tại địa phương. Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với các nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2023, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và đồng thuận của Nhân dân, kinh tế, xã hội tỉnh nhà đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời, đề xuất các giải pháp đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ năm 2024; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

I. Qua thảo luận tại Hội trường, các đại biểu tiếp tục kiến nghị tỉnh quan tâm các nội dung

1. Chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể về hoạt động kinh tế tập thể để xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt quan tâm các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Rà soát Bộ tiêu chí xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để có sự điều chỉnh phù hợp, sát đúng thực tiễn, đảm bảo hiệu quả. Cùng với việc tập trung cho xây dựng nông thông mới, cần quan tâm đúng mức đến xây dựng đô thị văn minh, đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đơn vị đảm bảo tương xứng; chỉ đạo xây dựng các phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Kiểm tra, rà soát thực trạng trồng và khai thác rừng, đảm bảo quyền lợi của người dân, nâng cao hiệu quả quản lý các loại rừng, đất rừng, hướng tới phát triển rừng bền vững. Khảo sát, có phương án cho Nhân dân vùng có kênh Ngàn Trươi đi qua được sử dụng nguồn nước từ Dự án Thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang phục vụ sản xuất theo đúng mục tiêu dự án.

2. Tiến hành thanh tra, rà soát, đề ra giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, hoặc giao cho tổ chức khác, hoặc giao cho địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng đất đúng quy định pháp luật.

Xem xét, sửa đổi về việc đấu giá đất ở, tính toán phần kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, sau đó mới phân chia tỷ lệ phần trăm các cấp. Chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết tình trạng thủ tục thu hồi đất do xã quản lý triển khai chậm, quy trình kéo dài, ảnh hưởng đến việc đấu giá, cấp đất ở tại địa phương; hướng dẫn cấp xã thủ tục cho thuê đất công ích theo hướng đơn giản, thuận lợi để phát huy giá trị quỹ đất này.

Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách trong thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất để đầu tư thiết thực, hiệu quả và đồng bộ; có thể phân cấp cho địa phương thực hiện các bước rà soát, thẩm định và chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau tích tụ.

Có giải pháp trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở cho Nhân dân khi có nhu cầu. Nghiên cứu, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cho các xã, thị trấn trong quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu vực bám quốc lộ, tỉnh lộ của các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng không thuận lợi. Có giải pháp căn cơ cho việc xử lý các loại chất thải rắn, chất thải y tế, nguy hại, công nghiệp.

3. Chỉ đạo, cho phép các địa phương thực hiện rà soát và điều chỉnh các quy hoạch phù hợp, thống nhất. Quan tâm để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.

Xem xét, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thành lập cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các vùng khó khăn; thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa để bố trí, sắp xếp các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại vùng nông thôn. Đẩy nhanh triển khai các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư; tập trung nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Sửa đổi Điều 4, Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh quy định việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình, quy định đối với dự án ở địa bàn thôn, tổ dân phố dưới 500 triệu đồng phải có thiết kế mẫu, gây khó khăn trong việc xây dựng hồ sơ.

4. Kịp thời xây dựng phương án sắp xếp, giải quyết diện tích đất và tài sản dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; các dự án đầu tư có sử dụng đất của một số doanh nghiệp triển khai quá chậm hoặc không triển khai; các cơ sở nhà đất không sử dụng của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nguồn thu từ các nhà đầu tư khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Đây là một nguồn thu quan trọng nhưng tiến độ xác định giá còn chậm.

5. Đại biểu đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sớm triển khai quy hoạch về phát triển du lịch, quan tâm quy hoạch du lịch văn hóa tâm linh; thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cấp các khu lưu trú; đào tạo đội ngũ cán bộ, người hoạt động du lịch chuyên nghiệp… Rà soát, phân loại để bố trí nguồn kinh phí chống xuống cấp di tích theo thứ tự ưu tiên.

6. Quan tâm đánh giá, tổng kết mô hình trường chất lượng cao; có chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư giáo dục ngoài công lập.

7. Nghiên cứu hình thức các cuộc thi truyên truyền, giáo dục phù hợp về đối tượng và thời gian, tránh việc lạm dụng tổ chức quá nhiều cuộc thi trực tuyến như hiện nay.

Việc triển khai thực hiện chữ ký số của công dân cần có lộ trình phù hợp với từng địa bàn và đối tượng, điều kiện kinh tế của người dân và khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật.

8. Quan tâm việc đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp cuối năm, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, tăng cường công tác quản lý thị trường trong dịp Tết.

9. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp giữa các ngành trong chia sẻ nguồn dữ liệu về lao động, việc làm. Xem xét, đánh giá tổng thể, đa chiều chính sách đào tạo nghề cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, nhất là nguồn ngân sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng này.

10. Có giải pháp để trẻ em từ 18 đến 36 tháng tuổi được đến trường, trong điều kiện kêu gọi đầu tư trường mầm non tư thục ở một số địa phương gặp khó khăn. Xem xét định mức giáo viên trên lớp đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; định mức biên chế các cấp, vì công tác quản lý nhà nước ngày càng phân cấp mạnh mẽ nhưng định mức biên chế càng xuống cấp dưới càng giảm dần. Việc phân luồng học sinh cần phải đi kèm với phân luồng giáo viên Trung học phổ thông để đảm bảo việc dạy chương trình phổ thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

11. Kịp thời hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 111/2023/NQ-HĐND tỉnh ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp đối với cán bộ bán chuyên trách xã, thôn, người thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn; xem xét bổ sung chức danh phó trưởng thôn. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ sau sáp nhập đơn vị hành chính theo nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Quan tâm công tác bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Đề ra các giải pháp đủ mạnh nhằm khắc phục tình trạng người đứng đầu một số đơn vị, địa phương còn thiếu chủ động, tiên phong, gương mẫu, chưa dám nghĩ, dám làm, chưa quan tâm công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

* Các nội dung phản ánh thuộc nhiều lĩnh vực, mang tính chiến lược, lâu dài, cần có sự nghiên cứu kỹ để xây dựng kế hoạch thực hiện.

Liên quan đến điều chỉnh, bổ sung, ban hành chính sách, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, soát xét, căn cứ với khả năng cân đối ngân sách và tình hình thực tiễn địa phương để điều chỉnh, bổ sung hoặc tham mưu ban hành mới các chính sách phù hợp.

Những nội dung có thể xử lý được ngay thì đề nghị Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện.

* Có ý kiến liên quan đến việc sửa đổi một số nội dung Nghị quyết 107/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định các khoản thu và mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Nội dung này đề nghị các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết để xem xét, tham mưu đảm bảo đúng quy định, phù hợp thực tiễn

II. Về các nội dung cụ thể liên quan đến các địa phương như

Việc quy hoạch một số tuyến đường, dự án triển khai chậm; đề nghị thành lập khu công nghiệp; bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn một số dự án; chính sách tái định cư chậm thực hiện; việc nâng cấp, duy tu, sửa chữa các tuyến đường, hồ đập, hệ thống sông, kênh mương…; công tác đo đạc bản đồ địa chính; xây dựng nhà máy xử lý rác thải; tuyển dụng công chức, viên chức; bố trí nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ…

Đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ, gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ đạo các cấp các ngành kiểm tra, rà soát, xử lý, đảm bảo quy định và yêu cầu thực tiễn.

III. Về các nội dung góp ý vào các dự thảo nghị quyết

Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết; một số ý kiến quan tâm, góp ý như sau:

1. Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025.

- Trong dự thảo Nghị quyết đều dùng cụm từ “Nơi ở mới”, cần quy định rõ, nơi ở mới phải đảm bảo an toàn và tránh hoặc giảm thiểu được các nguy cơ, rủi ro như nghị quyết nêu (nơi ở mới đảm bảo an toàn).

Nội dung này Chủ tọa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong quá trình hoàn thiện Nghị quyết.

- Đối với ý kiến đề xuất “hỗ trợ di chuyển nên phân theo 3 mức: dưới 10km; từ 10 - 50km và trên 50km”.

Nội dung chính sách trong dự thảo không quy định mới mà áp dụng mức bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, phải di chuyển chỗ ở đi nơi khác được quy định tại khoản 1 Điều 17 Quyết định số 75/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Do đó, xin phép không tiếp thu nội dung này.

2. Về dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng phòng hộ từ năm 2024 .

Đề nghị bổ sung danh mục thu hồi đất để thực hiện Cụm công nghiệp Kỳ Phong, diện tích 30ha. Hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm, đề nghị cho khảo sát, xây dựng.

Nội dung này Chủ tọa xin phép chưa tiếp thu do chưa đảm bảo căn cứ pháp lý.

3. Về Dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2023 - 2025

Công tác chuyển đổi số cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng trên địa bàn tỉnh; để động viên, khích lệ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn mức quy định tại Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1937 Tổ chuyển đổi số cộng đồng; mức hỗ trợ 600.000 đồng/tổ/ tháng đưa ra tại dự thảo là phù hợp với việc cân đối bố trí nguồn lực thực hiện của tỉnh. Mặt khác thời gian thực hiện chính sách trong 2 năm 2024-2025, là thời gian cuối nhiệm kỳ cần đẩy mạnh việc phổ cập chuyển đổi số đến người dân. Việc điều chỉnh theo ý kiến của đại biểu Hội đồng có thể rà soát thực hiện đối với giai đoạn tiếp theo, sau khi đánh giá hiệu quả của nghị quyết. Do vậy, xin phép không tiếp thu nội dung này.

4. Về Dự thảo Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma tuý; người được giao nhiệm vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và trợ cấp đặc thù đối với viên chức, người lao động việc làm tại cơ sở cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

- Đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung hỗ trợ kinh phí chở người đi cai nghiện xong trở về địa phương và ghi rõ là ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ.

Nội dung này đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong quá trình hoàn thiện Nghị quyết.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Năm 2023 là năm quan trọng cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19; trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã nỗ lực cố gắng để tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển, ban hành các cơ chế, chính sách. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu và cử tri. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, rất mong sự chia sẻ của đại biểu và cử tri.

Chủ tọa Kỳ họp giao Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh xem xét cụ thể từng nội dung trong quá trình hoàn thiện Nghị quyết.

Trên đây là tổng hợp ý kiến thảo luận tại Hội trường, Chủ tọa Kỳ họp tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh xem xét.

Trân trọng cảm ơn!

BBT

    Ý kiến bạn đọc