|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền |
“…Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, qua nhiều kênh trực tiếp và gián tiếp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiếp nhận được 874 ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri và Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổng hợp, phân loại ý kiến cử tri theo 6 nhóm vấn đề chính với 41 nội dung và chuyển tới Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh. Tại kỳ họp này, chúng tôi xin đề cập một số vấn đề chung, trọng tâm như sau:
Về nông nghiệp, nông thôn, nông dân: Cử tri và nhân dân đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đảm bảo quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, nhất là các chính sách tổ chức phát triển sản xuất, thị trường tiêu thụ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, về vườn mẫu, khu dân cư mẫu, đồng thời phải thuận lợi trong thanh quyết toán. Nghiên cứu tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã miền núi, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn ngân sách hỗ trợ còn quá ít so với thực tế, đặc biệt là nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học, giao thông; bổ sung chính sách hỗ trợ cho tất cả các thôn đạt chuẩn các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu.
Về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường: Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tiếp tục phản ánh về công tác quản lý đất đai của một số địa phương chưa chặt chẽ, tình trạng chuyển nhượng, giao dịch đất, đầu cơ “đẩy giá” đất ở một số địa phương. Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Qua ý kiến cử tri và hoạt động giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nhận thấy: Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nhu cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn đọng khá nhiều trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký nhưng chưa được giao cho người sử dụng (toàn tỉnh còn tồn đọng 20.496 giấy chứng nhận chưa trao đến người sử dụng đất) gây ra những băn khoăn, lo lắng, thậm chí bức xúc trong một bộ phận nhân dân.
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; đồng thời chủ động rà soát, phân loại và xây dựng phương án giải quyết dứt điểm đối với các trường hợp tồn đọng trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Tập trung trao hết số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký đến các hộ dân để đảm bảo quyền lợi chongười dân.
Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, vì vậy cần xem xét kỹ hơn khi công nhận xã đạt chuẩn về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trên các dòng sông làm thay đổi dòng chảy, hủy hoại môi trường nhưng chưa có các giải pháp quyết liệt và hiệu quả. Nước thải từ một số cơ sở sản xuất, hộ gia đình chăn nuôi xử lý chưa đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và sản xuất của nhân dân. Đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trong Nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường, quan tâm đến công tác xử lý rác thải, nhất là việc phân loại từ hộ gia đình, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân. Ngoài công tác tuyên truyền, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm đầu tư các hệ thống xử lý rác thải, nước thải đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Về công tác quản lý thị trường,bảo vệ an toàn thực phẩm: Cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo ngại trước tình trạng sản xuất, lưu thông hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây hại cho sức khỏe Nhân dân. Cử tri và Nhân dân đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, lưu thông và sử dụng; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
|
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Cẩm Xuyên |
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng dạy thêm và học thêm ở các cấp học, đặc biệt là ở bậc tiểu học, trung học cơ sở vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các đô thị. Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2942/QQĐ-UBND, ngày 10/10/2012 về quy định dạy thêm và học thêm, nhưng trên thực tế tình trạng tổ chức dạy thêm, học thêm vào các buổi tối, vào các ngày nghỉ, tổ chức theo ca, tổ chức theo nhóm…không đúng theo quy định. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục có các biện pháp cương quyết để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Công tác điều động, biệt phái, xử lý việc thừa, thiếu giáo viên vẫn còn bất cập; ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên tiếng anh, giáo viên mầm non. Đề nghị UBND tỉnh, ngành giáo dục cần tập trung các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Cử tri và nhân dân phản ánh phương thức thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội khi khám và chữa bệnh trái tuyến như hiện nay gây rất nhiều khó khăn, phiền phức cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể là các hồ sơ, thủ tục, nội dung thanh toán cho một lần khám, chữa bệnh hết sức bất cập. Cử tri và nhân dân tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu để tạo điều kiện cho người dân thuận lợi hơn trong việc khám, chữa bệnh.
Về kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ : Nhân dân tỉnh nhà quan tâm, thể hiện sự đồng tình cao trước quyết tâm của tỉnh về thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với tình hình mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân mong muốn việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần có lộ trình, đảm bảo sự đồng bộ, đảm bảo khách quan, tính khả thi và liên thông trong hệ thống chính trị, quan tâm hỗ trợ đối với cán bộ phải nghỉ do dôi dư, tinh giản...
V ề việc thực hiện các chế độ, chính sách sau chủ trương sáp nhập thôn, xóm: Việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố là một chủ trương đúng, phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình cao. Thực hiện tốt chủ trương này không chỉ góp phần củng cố tổ chức và hoạt động của các chi đoàn, chi hội mà còn giúp các thôn, xóm phát huy nội lực trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi ngân sách cho nhà nước. Tuy nhiên cử tri và nhân dân đồng tình cao với chủ trương sáp nhập thôn, xóm, khối phố, nhưng vẫn còn những băn khoăn đó là: không gian và cơ sở vật chất cho sinh hoạt chung của thôn xóm sau sáp nhập còn nhiều bất cập. Để xây dựng được một nhà văn hóa, khu thể thao thôn xóm đáp ứng tiêu chí nông thôn mới cần kinh phí khoảng 1,9 - 2 tỷ đồng, trong khi nguồn hỗ trợ của cấp trên hạn hẹp, mức đóng góp của nhân dân và nguồn huy động tài trợ hạn chế nên việc đầu tư xây dựng các công trình này gặp khó khăn, dẫn đến không có nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng; mặt khác, do mới sáp nhập, một bộ phận người dân một số nơi còn có tư tưởng cục bộ nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp, phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phong trào của thôn, xóm. Số lượng cán bộ thôn xóm đã được tinh gọn một bước, tinh thần làm việc và thái độ phục vụ đã được nâng lên nhưng chế độ phụ cấp cho những cán bộ thôn, xóm sau sáp nhập chưa được điều chỉnh kịp thời. Những tồn tại, hạn chế nêu trên đòi hỏi các cấp, các ngành có các giải pháp khắc phục kịp thời, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư thôn, xóm sau sáp nhập, đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét sớm có các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất sinh hoạt chung và điều chỉnh kịp thời chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn, xóm, khối phố sau sáp nhập.
Về tổng hợp ý kiến của cử tri liên quan đến các chức danh do Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII bầu.
Thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu tại kỳ họp cuối năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã cùng các tổ chức thành viên và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố, thị xã thông qua công tác giám sát, xây dựng chính quyền, việc nắm bắt ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân tổng hợp các ý kiến liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp cuối năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổng hợp gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Cơ bản cử tri và nhân dân đồng tình đánh giá: Các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, của ngành; thực hiện cơ bản, đầy đủ trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định…”
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)