“... Kết quả thực hiện
Trên cơ sở kết quả 11 tháng, ước thực hiện cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch 2018 theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 68/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong đó có 2 chỉ tiêu đạt (giá trị sản xuất/đơn vị diện tích; số giường bệnh/1 vạn dân), 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tăng trưởng kinh tế; sản lượng lương thực; xuất khẩu; thu ngân sách; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ bao phủ BHYT; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom; tỷ lệ che phủ rừng; số xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 20,8%; trong đó: nông nghiệp tăng 5,9%, công nghiệp và xây dựng tăng 48,9%, dịch vụ tăng 6,5%. Khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Quy mô GRDP năm 2018 theo giá hiện hành đạt 65 nghìn tỷ đồng, gấp 1,22 lần so với GRDP năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng, tương đương 2.217 USD (cả nước 2.540 USD). Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 15,28%, công nghiệp - xây dựng 43,79%, dịch vụ 40,93%. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp.
Sản xuất vụ Xuân và vụ Hè Thu đạt kết quả khá toàn diện, triển khai vụ Đông trong điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi; năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 82 triệu đồng/ha; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52,8% giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 56,95 vạn tấn, tăng cao so với cùng kỳ (tăng 9,8 vạn tấn, do năm 2017 mất mùa vụ Xuân). Sản lượng lúa ước đạt 53,3 vạn tấn, năng suất lúa cả năm đạt gần 52 tạ/ha (vượt 2,5% kế hoạch. Cây trồng cạn (ngô, lạc, rau các loại) năng suất và sản lượng cao hơn cùng kỳ. Cây ăn quả tiếp tục là năm được mùa, chuỗi liên kết tiêu thụ được nhân rộng; diện tích cam trồng mới đạt 600ha, năng suất ước đạt 102 tạ/ha, sản lượng 44.695 tấn (tăng 37,9%), nhân rộng các mô hình trồng cam thâm canh, áp dụng quy trình VietGap đạt trên 43,7ha; diện tích bưởi trồng mới đạt 383ha, năng suất đạt 96 tạ/ha (tăng 2,4%), sản lượng 17.903 tấn (tăng 9,8%). Tổng đàn vật nuôi duy trì ổn định; chăn nuôi lợn có bước phục hồi và tăng đàn so với năm trước, tổng đàn ước đạt 426 nghìn con (tăng 2,4%). Sản lượng thịt hơi ước đạt trên 115 nghìn tấn (tăng 0,8%), trong đó thịt lợn đạt trên 82 nghìn tấn (tăng 4,2%) so với năm 2017.
|
Đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh |
Khai thác tiềm năng lợi thế rừng, đất lâm nghiệp, quy hoạch lại mạng lưới chế biến lâm sản, hoàn thành thực hiện Đề án giao đất giao rừng, gắn với đầu tư công nghiệp chế biến gỗ; dự án Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF Vũ Quang vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018. Phát hiện xử lý 217 vụ vi phạm bảo vệ rừng (giảm 46 vụ so với cùng kỳ); xảy ra 10 vụ cháy rừng vào đợt thời tiết nắng nóng hanh khô kéo dài (tăng 8 vụ so với cùng kỳ)
Thủy sản duy trì tăng trưởng khá, tiêu thụ thuận lợi; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 47.260 tấn (tăng 5% so với năm 2017). Diện tích thả nuôi ước đạt trên 7.391 ha (đạt 101,8% kế hoạch, bằng 94,2% so với năm trước); diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao đạt trên 880ha (tăng 9,3% so với năm 2017). Đóng mới và hoán cải 9 tàu cá có công suất trên 90 CV, nâng tổng số tàu xa bờ lên 383 chiếc...
Thực hiện 10 tháng đầu năm có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 123 xã (đạt 53,9% tổng số xã). Phấn đấu năm 2018 có ít nhất 26 xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh (20 xã đạt chuẩn), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 139 xã, chiếm 61% tổng số xã toàn tỉnh (cả nước 40%); huyện Nghi Xuân đạt chuẩn trước thời hạn, là huyện NTM đầu tiên của tỉnh; huyện Đức Thọ đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn; các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà xây dựng đề án đạt chuẩn huyện NTM năm 2020.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 86,7% so với năm 2017; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015. Đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng toàn ngành là công nghiệp chế biến chế tạo (ước tăng 102,4%) và sản xuất phân phối điện (ước tăng 31,3%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như điện sản xuất ước cả năm đạt 6,24 tỷ KWh (101,2% kế hoạch, tăng 23,8% cùng kỳ), thép ước đạt 4,3 triệu tấn (100% kế hoạch, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ), bia 58,2 triệu lít (105,8% kế hoạch, tương đương năm 2017) ...
Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 12.300 tỷ đồng, đạt 130,8% dự toán, tăng 37,7% so với năm 2017, trong đó, thu nội địa phấn đấu đạt 6.300 tỷ đồng (105% dự toán, tăng 4,6% so với năm 2017); thu xuất nhập khẩu 6.000 tỷ đồng (176,5% dự toán, tăng 106% so với năm 2017).
Lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế, thông tin truyền thông tiếp tục được cải thiện; mạng lưới trường lớp các cấp học được củng cố, sắp xếp hợp lý; hoạt động khoa học - công nghệ được triển khai sâu rộng, bám sát thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng cuộc sống của người dân. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả thiết thực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân được cải thiện; cải cách hành chính được quan tâm …
|
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những mặt khó khăn hạn chế, trong đó có 8 điểm được Ủy ban nhân dân nêu ra trong báo cáo như: Thực hiện mục tiêu nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII gặp nhiều khó khăn thách thức, trong khi chỉ còn lại 2 năm kế hoạch. Tiến độ một số dự án trọng điểm còn chậm. Động lực duy trì tăng trưởng kinh tế cao thời gian qua không còn nhiều dư địa.
Kinh tế đạt tăng trưởng cao chủ yếu dựa vào sản lượng tăng thêm của thép; chất lượng tăng trưởng kinh tế mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn phụ thuộc lớn vào FDI, chưa bền vững, chưa đồng đều ở cả 3 khu vực công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ.
Hoạt động doanh nghiệp đang còn khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp có phát sinh thuế còn thấp, thuế ngoài quốc doanh dự kiến không đạt dự toán, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động chiếm tỷ lệ khá cao so với số doanh nghiệp thành lập mới, cơ cấu ngành nghề lĩnh vực của doanh nghiệp chậm chuyển biến, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất còn hạn chế.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chậm, ảnh hưởng quy hoạch xây dựng, thương mại dịch vụ, thu hút triển khai dự án đầu tư; cấp đổi GCNQSD đất còn nhiều tồn đọng, vướng mắc; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương; thực hiện và quản lý quy hoạch bảo vệ môi trường chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhân dân; tiềm ẩn cao nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, công nghiệp.
Trên lĩnh vực văn hóa xã hội; chất lượng các danh hiệu văn hoá một số nơi chưa thực chất; thực hiện quy định nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa nghiêm; xây dựng văn hóa công sở chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ giáo viên không cân đối giữa các ngành học, cấp học; sắp xếp bố trí còn bất hợp lý, không đồng đều giữa các địa phương; một số trường học còn nhỏ lẻ và nhiều điểm trường. Chất lượng khám chữa bệnh các tuyến không đồng đều, hoạt động của hệ thống y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, bất cập. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm; công tác tuyển sinh, đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm nhiều khó khăn; đời sống nhân dân một số vùng còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn cả nước.
CCHC mặc dù được tập trung chỉ đạo nhưng một số mặt, lĩnh vực chưa thực sự chuyển biến, chưa đáp ứng yêu cầu; người đứng đầu thiếu chủ động kiểm tra giám sát; hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế. Một số đơn vị, địa phương còn né tránh trách nhiệm, đùn đẩy các nhiệm vụ thuộc chức năng thẩm quyền; chất lượng tham mưu thấp, nhiều nội dung tham mưu chưa đạt yêu cầu; còn đứng ngoài cuộc, thiếu quan tâm phối hợp, đồng hành cùng nhà đầu tư đối với dự án triển khai trên địa bàn. Còn nhiều ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về CBCC gây phiền hà, làm khó doanh nghiệp và nhà đầu tư, chậm thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục.
Các tồn đọng về kinh tế, xã hội đã tập trung chỉ đạo nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, nhiều tồn đọng ở cơ sở chưa giải quyết, phát sinh hệ lụy phức tạp nếu không được xử lý dứt điểm, nhất là tồn đọng về công tác GPMB, tái định cư, công trình dự án tại địa bàn thị xã Kỳ Anh, các vụ việc tồn đọng tại Báo cáo giám sát số 122/BC-ĐGS ngày 06/12/2016 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh
Tình hình ANTT vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; nổi lên vấn đề an ninh vùng giáo, an ninh nông thôn, an ninh mạng. TNGT giảm cả 3 tiêu chí nhưng chưa bền vững, số vụ cháy nổ tăng cao so với cùng kỳ ...
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2019
Từ những kết quả đạt được và phân tích rõ những khó khăn, hạn chế, trong năm 2019, để hoàn thành các mục tiêu do HĐND tỉnh đề ra, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt 10 nhiệm vụ, cụ thể như sau: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực tăng thêm toàn ngành, tiếp tục duy trì động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Duy trì mức tăng trưởng toàn ngành cùng với tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung cao nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh; phát triển thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân;tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội...”
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)