Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bùi Nhân Sâm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền |
Đặt vấn đề tại phiên thảo luận tại hội trường, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân và cử tri, phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đi sâu vào những vấn đề cụ thể, trọng tâm, nhất là đánh giá khách quan kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích tính khả thi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, đảm bảo các nghị quyết thông qua chất lượng, đi vào cuộc sống ngay sau khi ban hành, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 |
Mở đầu phiên thảo luận, liên quan đến lĩnh vực y tế đại biểu Trần Báu Hà (tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) cho rằng phương thức thanh toán chế độ Bảo hiểm Y tế khi khám và chữa bệnh trái tuyến như hiện nay gây nhiều khó khăn, phiền phức cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị tỉnh có giải pháp chỉ đạo cụ thể, phù hợp để giúp Nhân dân thuận lợi trong việc khám, chữa bệnh; duy trì tỷ lệ người dân đóng bảo hiểm; đồng thời quản lý tốt hơn quỹ bảo hiểm y tế. Về lĩnh vực đất đai, tài nguyên - môi trường, đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét, có cơ chế để tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xét giao đất để đảm bảo ổn định cuộc sống vì họ không có khả năng trúng đấu giá đất thông qua đấu giá.
Chủ tọa điều hành thảo luận tại Hội trường |
Liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại biểu Trần Báu Hà cũng đề nghị tỉnh quan tâm sớm bố trí kinh phí triển khai xây dựng các dự án thuộc quy hoạch Khu di tích Nguyễn Du và thực hiện quy hoạch mở rộng khuôn viên Khu di tích nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, du lịch. Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hoá phi vật thể như ca trù, dân ca. Cần có giải pháp để tuyển dụng giáo viên Mầm non, giáo viên Tiểu học đảm bảo tỷ lệ đúng theo quy định. Ngoài ra, tình trạng lạm thu ở một số địa phương đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo quyết liệt nhưng việc hủy bỏ Hướng dẫn liên ngành số 1702/LNTC-GDĐT ngày 28/8/2012 vào thời điểm không phù hợp đã gây rất nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ sở giáo dục. Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có phương án chỉ đạo xử lý. Cùng quan tâm đến lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (tổ đại biểu huyện Hương Khê) đề nghị bổ sung thêm một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; quan tâm đánh giá việc thực hiện các chính sách, các quyết định, đặc biệt, cần đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 3422/QĐ-UBND ngày 19/11/2012 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông tỉnh Hà Tĩnh - giai đoạn 2012 - 2020, từ đó đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án này. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát tình hình để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đảm bảo sự công bằng giữa học sinh đồng bằng, thành thị và vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Trần Báu Hà (Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) |
Trên lĩnh vực nông nghiệp đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng còn gặp nhiều khó khăn, năm 2017, lĩnh vực nông nghiệp giảm 3,47%, vì vậy trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp mạnh tập trung cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt cần nghiên cứu để có bộ giống cây trồng thích hợp và ổn định; có các giải pháp về thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nâng cao công tác dự báo và có các kế hoạch ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường và những rủi ro từ thiên tai, đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống người dân.
Đề cập đến vấn đề an ninh trật tự, cải cách hành chính đại biểu Hà Văn Hùng (tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh) đề nghị tập trung mạnh mẽ công tác cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, trọng tâm là chủ động xây dựng phương án, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết TW 6 khóa XII. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng; tập trung các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, nhất là an ninh nông thôn, ANTT trong các khu công nghiệp, địa bàn trọng điểm, khu kinh tế.
Đại biểu Trần Hậu Tám (Tổ đại biểu huyện Thạch Hà) |
Liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, đại biểu Trần Hậu Tám (tổ đại biểu Thạch Hà) đề nghị ngoài việc tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng nội dung, phương pháp tiến hành... Cấp ủy chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho MTTQ, các đoàn thể (nhất là các đoàn thể) được tham gia nhiều hơn các lĩnh vực từ hoạch định chủ trương, chính sách, xây dựng dự án, chương trình, kế hoạch để có cơ sở tham gia phản biện đồng thời chủ động phối hợp tham gia giám sát trong quá trình thực hiện. Cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách với người có công …
Đại biểu Hà Văn Hùng (Tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh) |
Đối với các tờ trình và dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp, các đại biểu cơ bản bày tỏ sự đồng tình nhất cao, đồng thời dành nhiều thời gian để phân tích và kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, cân nhắc, điều chỉnh phù hợp. Cụ thể: Tờ trình về một số chính sách bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đại biểu đề nghị cần có chính sách về tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng trong thực hiện bảo vệ môi trường một cách mạnh mẽ; tạo điều kiện, thúc đẩy các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là khuyến khích xử lý, phân loại rác tại nguồn. Có chính sách đặc biệt, đặc thù về hỗ trợ tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Có chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi, mặc dù các cơ sở chăn nuôi này nằm trong quy hoạch, nhưng đến nay không còn phù hợp, để đảm bảo môi trường. Cần quan tâm đầu tư các công trình nước sạch trên địa bàn, quan tâm xử lý các công trình cấp nước có nguy cơ cao bị ô nhiễm nguồn nước; quan tâm bố trí nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2 dự án di dời dân, đảm bảo môi trường hồ nước Bộc nguyên phục vụ nước sinh hoạt cho người dân thành phố Hà Tĩnh và các huyện lân cận. Tại Tờ trình về một số chính sách phát triển kinh tế tập thể tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tại điểm c, mục 6 Điều 1 của Nghị quyết nên bỏ chọn 1 đến 2 mô hình trên một huyện; các HTX nào đạt chuẩn theo quyết định thì khen thưởng. Đối với Tờ trình một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, cần quan tâm chính sách cho thuê đất, chính sách về thuế và đào tạo nguồn nhân lực.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (Tổ đại biểu huyện Hương Khê) |
Ngày mai (12/12), Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường. Chúng tôi tiếp tục thông tin nội dung của kỳ họp trong các bản tin tiếp theo.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)