Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y phát biểu tại Hội nghị giao ban Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016-2021
|
Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND các cấp họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Ngoài kỳ họp thường lệ, HĐND tổ chức các kỳ họp bất thường theo yêu cầu công việc. Việc nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND nói chung và các kỳ họp bất thường nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Đối với HĐND tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tổ chức thành công 7 kỳ họp thường lệ, ban hành 141 nghị quyết (bình quân mỗi kỳ họp thường lệ ban hành hơn 17 nghị quyết); 4 kỳ họp bất thường, ban hành 23 nghị quyết (năm 2016, tổ chức 01 kỳ họp bất thường, ban hành 10 nghị quyết; năm 2017, tổ chức 01 kỳ họp bất thường, ban hành 01 nghị quyết; năm 2019, tổ chức 02 kỳ họp bất thường, ban hành 12 nghị quyết).
Các kỳ họp bất thường của HĐND được tổ chức do các yếu tố sau:
Thứ nhất, do khối lượng công việc và các nghị quyết trình tại kỳ họp thường lệ nhiều, nên một số nội dung khi xem xét, đánh giá, quyết định chất lượng chưa cao. Do đó, việc tổ chức các kỳ họp bất thường là hết sức cần thiết nhằm giảm tải những nội dung chuyên đề tại kỳ họp thường lệ, nâng cao chất lượng của các đề án, dự thảo nghị quyết, tạo điều kiện để các ban HĐND có thời gian tiến hành các hoạt động khảo sát, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan, thu thập thông tin, nâng cao chất lượng thẩm tra; đại biểu HĐND tỉnh có thời gian nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn các nội dung HĐND xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Thứ hai, kỳ họp bất thường được tổ chức do yêu cầu thực tiễn đặt ra để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương hoặc cụ thể hóa những quy định pháp luật của Trung ương giao thẩm quyền thuộc HĐND tỉnh.
Nhìn chung, việc tổ chức các kỳ họp bất thường là một trong những giải pháp tích cực, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động HĐND. Tuy vậy, viêc tổ chức kỳ họp bất thường cũng gặp một số khó khăn như: Thời gian từ khi quyết định đến khi tổ chức kỳ họp thường ngắn; các dự thảo nghị quyết chưa tuân thủ chặt chẽ trình tự, việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động không có nhiều quỹ thời gian theo quy định, tài liệu gửi đến đại biểu nghiên cứu chậm…
Từ thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh nêu lên một số kinh nghiệm và giải pháp để nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh như sau:
Đoàn HĐND tỉnh Hà Tĩnh tham dự Hội nghị
|
1. Xác định nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp:
Việc xác định những nội dung dự kiến trình ra kỳ họp là bước đầu tiên, quan trọng nhất của việc chuẩn bị tổ chức một kỳ họp bất thường; Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh cần xem xét thấu đáo những nội dung có thể tại kỳ họp thường lệ không có đủ quỹ thời gian để thảo luận, xem xét sâu, cần dành thời gian thỏa đáng tại kỳ họp bất thường hoặc là những nội dung thực sự cần thiết, cấp bách cần tổ chức một kỳ họp bất thường mà nếu chờ trình tại các kỳ họp thường lệ thì sẽ bị chậm.
Sau khi quyết định sẽ tổ chức kỳ họp bất thường, Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo Thường trực HĐND chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất về nội dung, thời gian kỳ họp HĐND; sớm ban hành thông báo triệu tập kỳ họp; trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chuẩn bị nội dung; các ban HĐND chủ động phối hợp, đồng hành với các cấp, ngành chuẩn bị những nội dung theo lĩnh vực được phân công.
Với cách làm trên, việc xây dựng chương trình kỳ họp đảm bảo thực hiện đúng nội dung chương trình xây dựng nghị quyết, tình hình thực tiễn tại địa phương và giải quyết linh hoạt những vấn đề cấp thiết mà HĐND phải quyết nghị.
2. Công tác chuẩn bị, tài liệu trình kỳ họp:
Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành xây dựng nội dung trình kỳ họp, trên cơ sở phân công của Thường trực, các ban HĐND cần chủ động, trực tiếp phối hợp với các cơ quan dự thảo nội dung để góp ý hoàn thiện dự thảo. Tham dự các cuộc họp của Ủy ban nhân dân về nội dung sẽ trình HĐND. Với cách làm này, các ban HĐND đã có thể vào cuộc ngay từ đầu, Ủy ban nhân dân cũng có cơ sở để tham vấn quan điểm của các ban HĐND.
Tại Hà Tĩnh, nhiều năm nay, các ban HĐND đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân trong quá trình chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp, góp ý kiến ngay từ khâu soạn thảo đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình HĐND. Đối với những nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, các ban chủ động khảo sát thực tế, lấy ý kiến chuyên gia trước khi thẩm tra. Tổ chức làm việc, góp ý để các cơ quan hoàn thiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi trình Thường trực và các ban thẩm tra. Đối với các nội dung không được tiếp thu nhưng xét thấy cần báo cáo HĐND để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng hơn, các ban tiếp tục có ý kiến khi thẩm tra và báo cáo HĐND tỉnh; trong báo cáo thẩm tra, đều đã thể hiện rõ quan điểm đối với Ủy ban nhân dân về nội dung đồng ý, nội dung đề nghị điều chỉnh, bổ sung, nội dung không đồng ý và lý do đề nghị điều chỉnh, bổ sung. Qua đó, chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban được nâng lên, làm cơ sở quan trọng cho HĐND thảo luận và quyết nghị. Trong quá trình chuẩn bị có thể có những nội dung đã dự kiến trình ra kỳ họp nhưng qua giám sát, thẩm tra của các ban thấy công tác chuẩn bị của các cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chưa đảm bảo chất lượng thì Thường trực có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh phải chuẩn bị lại hoặc hoãn chưa trình kỳ họp.
Xây dựng chương trình kỳ họp, chương trình điều hành của chủ tọa đảm bảo khoa học, hợp lý, giúp chủ tọa kỳ họp trong điều hành phân bố thời lượng phù hợp với thời gian kỳ họp, chủ động nghiên cứu sâu các nội dung sẽ điều hành. Chỉ đạo, phân công các ban và Văn phòng chuẩn bị các tài liệu thuộc chức năng của mình; gửi tài liệu đảm bảo thời gian để đại biểu nghiên cứu (chậm nhất 03 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).
Trước khai mạc kỳ họp chậm nhất 2-3 ngày, Thường trực HĐND và Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức họp để rà soát lại toàn bộ công việc chuẩn bị cho kỳ họp, thông tin đầy đủ những vấn đề còn chưa rõ qua thẩm tra của các ban, quyết định việc trình nội dung ra kỳ họp và bàn bạc hướng xử lý những vấn đề có thể phát sinh trong thảo luận tại kỳ họp HĐND. Việc tổ chức họp rà soát trước kỳ họp đã được Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nề nếp từ nhiều kỳ họp và đây là một kinh nghiệm tốt, góp phần vào thành công của kỳ họp.
Thực tế cho thấy, thời gian để chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp bất thường không nhiều nên việc chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của các cơ quan liên quan cần được Ủy ban nhân dân chỉ đạo sát, quyết liệt để đảm bảo đúng yêu cầu tiến độ, chất lượng và đúng quy định.
3. Công tác điều hành của chủ tọa kỳ họp:
Do đặc thù của kỳ họp bất thường nên việc điều hành kỳ họp của Chủ tọa kỳ họp cần phải linh hoạt, khoa học, trong đó lưu ý đến những ý kiến còn khác nhau, hướng nghị trường tập trung vào trọng tâm của vấn đề, quyết định những chủ trương, định hướng, phù hợp với điều kiện thực tế khách quan.
Với thời lượng kỳ họp không nhiều, việc xây dựng kịch bản điều hành chi tiết, hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tọa điều hành kỳ họp khoa học, giúp các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị, giảm thời gian trình bày mỗi nội dung; báo cáo thẩm tra của các ban vấn đề nào đồng ý rồi thì không nêu lại, chỉ nêu những vấn đề chưa đồng ý và các kiến nghị, đề xuất.
Sớm phân công công tác điều hành từng nội dung phần việc cho các thành viên chủ tọa kỳ họp để chủ động nghiên cứu, tiếp cận nội dung, góp phần nâng cao chất lượng điều hành và ra quyết định tại kỳ họp. Cách làm này tạo điều kiện cho từng thành viên chủ tọa kỳ họp có thời gian tiếp cận, nghiên cứu, chuẩn bị nội dung sâu sắc hơn và việc điều hành đúng trọng tâm, trọng điểm, giúp đại biểu thuận lợi trong thảo luận và quyết nghị.
Chỉ đạo Văn phòng tham mưu Thường trực HĐND tỉnh gửi Phiếu xin ý kiến về các nghị quyết (gửi cùng tài liệu; đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc chưa thống nhất khi thẩm tra giữa các ban HĐND và cơ quan trình nghị quyết) để đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến sâu và là tài liệu quan trọng để Chủ tọa điều hành, định hướng kỳ họp xem xét, thảo luận. Đây là kinh nghiệm mà HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng và được đánh giá phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, tạo điều kiện để đại biểu nghiên cứu, thể hiện chính kiến, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu HĐND trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
4. Thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp:
Kỳ họp bất thường xem xét ban hành các nghị quyết chuyên đề, có nhiều nội dung quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tài chính, ngân sách, tổ chức bộ máy… Nhiệm vụ của mỗi đại biểu là phải dành thời gian nghiên cứu, xem xét, thảo luận và cùng quyết định về tất cả những nội dung đó. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải đại biểu nào cũng có thể nắm bắt nhanh, am hiểu sâu sắc về tất cả các lĩnh vực, các vấn đề sẽ đưa ra kỳ họp. Do vậy, ngoài quyền phát biểu của đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh có thể phân công, “đặt hàng” từng đại biểu hoặc Tổ đại biểu nghiên cứu chuyên sâu về các nội dung chuyên đề để khi vào kỳ họp, phần thảo luận nội dung chuyên đề có nhiều ý kiến hơn.
Trước khi mời đại biểu thảo luận, Chủ toạ nên đưa ra quy định về thời gian phát biểu đối với từng nội dung. Chủ toạ ủng hộ, khuyến khích đại biểu phát biểu nhưng có định hướng, nhắc nhở kịp thời để đại biểu phát biểu đi vào trọng tâm; thảo luận những vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm, nhất là những vấn đề có tác động nhiều, phạm vi rộng trong đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương hoặc đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Thư ký kỳ họp cần tập trung nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu trong thảo luận để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo nghị quyết; đối với những vấn đề còn có ý kiến thì báo cáo chủ tọa kỳ họp để xin ý kiến đại biểu giao cho Thường trực, các ban HĐND tỉnh thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện trước khi ban hành.
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)