|
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị giao ban 6 tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ Nhất nhiệm kỳ 2016-2021 |
Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hoạt động giám sát trực tiếp, dân chủtạicác kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu đối với cử tri;hoạt động chất vấn đã góp phần khẳng định vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND; một số vấn đề bức xúc dư luận và đời sống nhân dân từng bước được công khai, dân chủ, minh bạch, tìm giải pháp khắc phục kịp thời. Hoạt động chất vấn trở thành một trong những nội dung chính của kỳ họp, rất được cử tri và dư luận quan tâm. Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri có thể đánh giá được những đại biểu mà họ đã tin tưởng bầu ra; đánh giá được trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền nhà nước trước HĐND, cử tri và nhân dân. Song để thực hiện tốt hoạt động này đòi hỏi các đại biểu HĐND tỉnh cần phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình để xứng đáng là người đại biểu của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, những năm gần đây HĐND tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2012/NQ-HĐND ngày 24/8/2012, Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND ngày 20/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp và hoạt động giám sát tại kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh chủ động đề nghị các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND đề xuất những vấn đề cần chất vấn thông qua các hoạt động: Khảo sát, thẩm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trên cơ sở các câu hỏi chất vấn của đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh họp thống nhất về dự kiến nội dung chất vấn, đồng thời lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn trực tiếp tại kỳ họp và nhóm vấn đề trả lời chất vấn bằng văn bản. Nội dung chất vấn được chuyển đến UBND tỉnh kịp thời để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo. Trong điều hành kỳ họp luôn có sự đổi mới theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo, tờ trình, dành nhiều thời gian cho nội dung thảo luận và chất vấn tại kỳ họp. Trung bình mỗi kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh có từ 14-16 câu hỏi chất vấn, 3-4 cơ quan trả lời chất vấn. Đặc biệt, tại kỳ họp thường kỳ cuối năm 2016, kỳ họp đầu tiên thực hiện nội dung chất vấn của nhiệm kỳ mới, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã dành hơn 1 ngày cho hoạt động này với 19 câu hỏi, 5 vị giám đốc Sở trả lời với 46 lượt chất vấn trực tiếp tại Hội trường (chiếm hơn 1/3 thời gian của kỳ họp). Phiên chất vấn thẳng thắn, công khai, trách nhiệm. Trả lời chất vấn và tranh luận tạo ra không khí dân chủ, “truy vấn đến cùng” để các ngành tìm giải pháp cơ bản, giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra.
Đối với những nội dung đã kết luận tại phiên chất vấn, trước đây HĐND tỉnh giao cho Thường trực, các ban HĐND tỉnh giám sát, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện tại các kỳ họp thường lệ tiếp theo. Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, thông qua các phiên họp thường lệ hàng tháng, Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh thực hiện tái chất vấn, bám sát, đôn đốc UBND tỉnh báo cáo kết quả những các nội dung chất vấn còn tồn đọng.
Có thể nói với hệ thống hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, hoạt động của HĐND nói chung, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng đang ngày càng được nâng cao, mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, trong thực tiễn, hoạt động chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế:
Đại biểu HĐND chưa tích cực, chủ động tham gia chất vấn, chủ yếu vẫn do các đại biểu chuyên trách; khả năng phát hiện các vấn đề trong quá trình chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh chưa cao; nhiều vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm vẫn chưa được các đại biểu thẳng thắn chất vấn; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau chất vấn của HĐND tỉnh còn thiếu tính quyết liệt nên phần nào đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động chất vấn tại kỳ họp.Một số kỳ họp hoạt động chất vấn tại kỳ họp còn nặng về nghe báo cáo đã chuẩn bị trước, việc hỏi đáp, trao đổi trực tiếp tại kỳ họp còn ít; không khí một số phiên chất vấn chưa thật sự sôi nổi. Tình trạng né tránh, ngại va chạm trong hoạt động chất vấn chưa được khắc phục triệt để.Đối với việc tổ chức chất vấn trong các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh chủ yếu mới chỉ thực hiện “tái chất vấn”. Trả lời chất vấn của người bị chất vấn còn chung chung, né tránh trách nhiệm; chưa đi sâu vào trọng tâm vấn đề đại biểu chất vấn, chưa làm rõ nguyên nhân, thực trạng, giải pháp khắc phục những tồn tại hoặc nếu có cũng không đưa ra hạn định cụ thể về thời gian. Có trường hợp còn đổ lỗi do điều kiện khách quan hay cơ chế …
Từ thực tiễn hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh thời gian qua, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xin đưa ra một số kinh nghiệm, giải pháp trong thời gian tới như sau:
1. Nâng cao nhận thức và và vai trò của đại biểu HĐND tỉnh: Đối với đại biểu HĐND, chất vấn không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của đại biểu trước cử tri. Đại biểu HĐND ngoài việc phản ảnh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, cần phải tìm hiểu sâu, kỹ những vấn đề cử tri bức xúc, dư luận xã hội quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Bên cạnh đó cần coi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng là cơ hội để HĐND tỉnh phân tích, mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại, khó khăn vướng mắc để cùng UBND tỉnh tìm giải pháp khắc phục; đó cũng là cơ hội để UBND tỉnh thông tin làm rõ thực trạng tình hình, những khó khăn phải vượt qua để được sự chia sẻ của đại biểu và cử tri, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ.Thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh sẽ đẩy mạnh các giải pháp tăng cường vai trò và sự tham gia tích cực của các đại biểu không chuyên trách mà trước hết là thành viên các ban HĐND tỉnh trong hoạt động chất vấn.
2. Về chuẩn bị nội dung chất vấn: Các câu chất vấn phải được tổng hợp từ nhiều kênh thông tin,từ quá trình giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND, họp tổ đại biểu HĐND, từ thực tiễn cuộc sống, từ hoạt động tiếp xúc cử tri, thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúngViệc đặt câu chất vấn cần ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm, có căn cứ xác đáng, có địa chỉ cụ thể, nên là những vấn đề chung có liên quan đến nhiều lĩnh vực. Nội dung chất vấn được chia theo nhóm vấn đề để giúp cho việc điều hành của Chủ tọa đạt hiệu quả, đồng thời cần xác định rõ những nội dung chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, những nội dung trả lời bằng văn bản; gửi nội dung chất vấn sớm để các cơ quan liên quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, tại các phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh, cần dành thời gian thỏa đáng để “tái chất vấn” những nội dung chất vấn còn tồn đọng với tinh thần theo đến cùng vấn đề ít nhất 03 lần/năm.
3. Về công tác điều hành kỳ họp, phiên họp:Để phiên chất vấn, trả lời chất vấn chất lượng, hiệu quả thì vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp hết sức quan trọng. Công tác điều hành kỳ họp đảm bảo chặt chẽ theo chương trình làm việc đã được thông qua, nhưng phải linh hoạt sáng tạo và có tính chủ động cao;phát huy dân chủ, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn để các đại biểu phát biểu ý kiến. Chủ tọa cần gợi ý những nội dung trọng tâm, những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đại biểu tham gia chất vấn đồng thời đối với những vấn đề nổi cộm cần dành thời gian hợp lý để người chất vấn và người trả lời chất vấn có sự đối thoại, tranh luận; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành phiên chất vấn có kết luận, hoặc yêu cầu người trả lời chất vấn trả lời trực tiếp đại biểu bằng văn bản.
4. Việc chuẩn bị và trả lời chất vấn của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn cần thực hiện nghiêm túc và trách nhiệm: Mỗi phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng như thủ trưởng các cơ quan chuyên môn phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm trước HĐND và trước cử tri. Do đó người trả lời chất vấn phải là lãnh đạo UBND tỉnh hoặc nhất thiết là người đứng đầu các cơ quan thuộc UBND được UBND tỉnh ủy quyền. Nội dung trả lời chất vấn phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, không kể thành tích, tập trung vào câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh; trả lời phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình.
Người bị chất vấn phải thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật giám sát của Quốc hội và HĐND đó là: Trước khai mạc kỳ họp HĐND 10 ngày, người trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của HĐND về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước đến Thường trực HĐND để chuyển đến các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện lời hứa.
5. Sau các phiên chất vấn: Sau các phiên chất vấn của Thường trực HĐND cần ban hành Thông báo kết luận chất vấn gửi đến UBND tỉnh các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị có liên quan để quán triệt thực hiện.
Thường trực HĐND, các Ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện những lời hứa của UBND và các ngành liên quan đến nội dung được kết luận tại phiên chất vấn; tạo sự đồng thuận để thúc đẩy công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn; có sự cảm thông, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm giữa HĐND, UBND và cử tri.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)