… Sau khi nghiên cứu Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017, Ban nhận thấy phần nhận định, đánh giá về lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa đầy đủ, dung lượng chỉ chiếm 2/21 trang của báo cáo. Ban văn hóa - xã hội xin nhấn mạnh và bổ sung thêm một số nội dung để Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và quyết định:
“…II. Một số tồn tại, hạn chế
Về những tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, Ban bày tỏ sự đồng tình với các nhận định như đã nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung sau:
Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập. Một số chính sách có giá trị thực tiễn cao nhưng không được bố trí ngân sách, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, gây thắc mắc, hoài nghi trong nhân dân về hiệu lực, hiệu quả của các Nghị quyết Hội đồng nhân dân.
Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh trình bày báo cáo thẩm tra trên lĩnh vực văn hóa xã hội |
Một số tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình chậm được khắc phục như: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn nhiều bất cập, ở một số lễ hội, phần “lễ” còn nặng hơn phần “hội”.Việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả còn thấp so với các tiêu chí khác. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số địa phương còn có biểu hiện hình thức, chạy theo số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trong lĩnh vực thể dục, thể thao còn thiếu và lạc hậu, không đáp ứng với yêu cầu luyện tập, thi đấu thể thao thành tích cao. 6 tháng đầu năm đã đăng cai tổ chức một số giải đấu toàn quốc, song công tác tuyên truyền, quảng bá còn yếu nên chưa thu hút được sự tham gia của người dân. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thể dục, thể thao chưa tốt, việc tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng còn hạn chế. Hoạt động du lịch những tháng đầu năm tuy có phục hồi nhưng còn chậm, chưa tạo được sự chuyển biến có tính đột phá. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý quy hoạch tại một số điểm du lịch, nhất là du lịch biển còn thiếu chặt chẽ. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu và yếu, nhận thức làm du lịch của người dân còn hạn chế. Mặc dù số lượng khách tăng nhưng doanh thu không đáng kể (1,7%). Công tác quản lý gia đình chưa được quan tâm đúng mức, những vấn đề bất cập của gia đình chậm được khắc phục như tình trạng ly hôn, ly thân, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; đáng báo động là đạo đức xã hội xuống cấp, mối quan hệ gắn kết trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, 6 tháng đầu năm số vụ ly hôn lên đến 681 vụ, tăng 51 vụ so với cùng kì năm trước. Một số kiến nghị của Ban trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch nêu trong báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 3 (cuối năm 2016) đến nay chưa được quan tâm thực hiện.
Chất lượng giáo dục chưa thực sự đồng đều giữa các vùng miền, nhất là chất lượng đại trà; giáo dục kĩ năng sống còn hạn chế. Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông Hà Tĩnh - giai đoạn 2012-2020” đã được quan tâm đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhưng hiệu quả chưa cao. Tình trạng đội ngũ giáo viên vừa thừa vừa thiếu diễn ra nhiều năm nhưng chưa có giải pháp dứt điểm để bố trí, sắp xếp, dẫn đến thiếu giáo viên cục bộ, phải bố trí dạy chéo môn, gây nhiều khó khăn trong triển khai đổi mới phương pháp dạy học, nhất là việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định 2286/QĐ-UBND ngày 8/8/2012 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án quy hoạch mạng lưới trường mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 chưa quyết liệt, còn bất cập, phải điều chỉnh quy hoạch và không đảm bảo lộ trình đã được phê duyệt; việc xử lý cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập trường còn chậm, gây lãng phí và tạo tâm lý không tốt trong dư luận nhân dân. Các kiến nghị đã được Ban văn hóa - xã hội nêu tại Báo cáo số 115/BC-HĐND về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh “về phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo” chưa được quan tâm thực hiện.
Quản lý nhà nước về y tế còn một số tồn tại như: việc thực hiện quy chế chuyên môn ở một số đơn vị thiếu chặt chẽ, để xảy ra sai sót; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, phong cách giao tiếp, ứng xử của một số cán bộ y tế chưa tốt; chất lượng khám chữa bệnh tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nên số bệnh nhân chuyển tuyến còn nhiều. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chưa đạt chỉ tiêu, bội chi Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao..., tình trạng lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế vẫn chưa kiểm soát được, cá biệt vẫn còn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh. Sau thực hiện thông tuyến huyện bảo hiểm y tế, một số bệnh viện trở nên quá tải, trong khi đó một số bệnh viện đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chưa có giải pháp để quản lý giá thuốc chữa bệnh, quản lý thực phẩm chức năng một cách hiệu quả. Công tác quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; hoạt động kinh doanh thực phẩm tươi sống, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ theo hộ gia đình chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Các chỉ tiêu về giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Có tình trạng móc nối giữa cán bộ công nhân viên của một số bệnh viện với xe cứu thương để chèo kéo, tranh giành chở bệnh nhân lên tuyến trên, gây áp lực, bức xúc cho người nhà bệnh nhân nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Công tác giải quyết việc làm, dạy nghề gặp nhiều khó khăn; vấn đề phân luồng tuyển sinh sau Trung học cơ sở và Trung học phổ thông chưa đạt yêu cầu; quản lý lao động trong các doanh nghiệp và lao động tại các xã, phường, thị trấn chưa được chú trọng. Ý thức chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp còn hạn chế, vẫn còn tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Việc giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với chuyên gia Lào, Campuchia còn chậm; giải quyết một số vướng mắc, đơn thư, khiếu nại đối với người có công, thực hiện kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát và truy thu kinh phí hưởng sai quy định chưa đảm bảo tiến độ; rà soát, xét duyệt đối tượng và cấp kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu, gây thắc mắc, khiếu kiện trong nhân dân. Vẫn còn tình trạng chồng chéo, chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng cho lực lượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội có lúc có nơi chưa thực hiện đúng quy định, còn để xảy ra tình trạng sai, sót chế độ.
Việc thực hiện công khai, minh bạch các thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước được quy định tại Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh còn hạn chế; hạ tầng mạng trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ; cơ sở dữ liệu dùng chung còn thiếu; người dân và doanh nghiệp khai thác dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 chưa hiệu quả. Hạ tầng an toàn thông tin chưa thực sự đảm bảo, nguy cơ mất an toàn thông tin đang ở mức cao. Hoạt động hệ thống truyền thanh cơ sở ở một số địa phương hiệu quả chưa cao.
Quản lý nhà nước về tôn giáo chưa chặt chẽ, việc nắm bắt tình hình và xử lý một số vụ việc ở một số địa phương còn bị động, lúng túng.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số như chưa tốt; riêng dân tộc Chứt mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư, xây dựng Đề án nhưng vẫn chưa cải thiện được tình trạng thụ động, trông chờ vào chính sách của nhà nước, đời sống của bà con hết sức khó khăn. Đề án Phát triển đồng bào dân tộc Chứt của Ủy ban nhân dân tỉnh dù được đầu tư kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả không cao, nguy cơ một số mục tiêu đề ra không hoàn thành.
III. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017
Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm thêm một số nội dung sau đây:
1. Lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch: Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, nhất là danh hiệu gia đình văn hóa. Tiến hành rà soát, xây dựng Đề án đặt tên các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ, để đảm bảo đúng theo quy định pháp luật .
Xây dựng quy hoạch phát triển thể dục, thể thao; tổ chức tốt các hoạt động nhằm khai thác hiệu quả các thiết chế thể thao cơ sở, tránh xuống cấp, lãng phí. Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 26/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 đến năm 2020, tiếp tục có các giải pháp để khôi phục du lịch biển... Tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình, có các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, xã hội.
Chỉ đạo, xây dựng và triển khai các quy hoạch, đề án như: Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đã được UNESCO công nhận; Đề án Phát triển khu di tích Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du; Đề án Phát triển thể dục thể thao tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững...
2. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Quan tâm thực hiện các nội dung đã được Ban văn hóa - xã hội kiến nghị tại Báo cáo số 115/BC-HĐND về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh “về phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo”, trong đó tập trung một số vấn đề như: Xây dựng Đề án phát triển giáo dục, đào tạo mới phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống giáo dục cả chiều ngang và liên cấp theo cụm trường, đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo quy mô, chất lượng dạy học. Có phương án sử dụng cơ sở vật chất trường học thừa sau sáp nhập; bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất sau sáp nhập đảm bảo chất lượng dạy và học. Đối với những trường chưa thực hiện sáp nhập, cần xem xét, quyết định phương án chấm dứt hoặc tiếp tục thực hiện việc sáp nhập để ổn định tư tưởng cho cán bộ quản lí, giáo viên và phụ huynh, học sinh. Quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm và việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện trong các trường học.
Nâng cao chất lượng công tác phân luồng, hướng nghiệp. Tổ chức sơ kết, đánh giá đúng thực chất mô hình thí điểm Trung cấp nghề trong trường Trung học phổ thông để có hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Kiểm soát chặt chẽ công tác tư vấn du học, liên thông, liên kết đào tạo và hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ - tin học.
3. Lĩnh vực y tế: Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về y tế, đặc biệt trong lĩnh vực khám chữa bệnh và y đức, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm về chuyên môn trong các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhằm hạn chế tình trạng đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài tỉnh... Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, hạn chế bội chi Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân sử dụng thẻ. Triển khai các giải pháp giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, giảm mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh. Có biện pháp quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng đang được quảng cáo tràn lan trên địa bàn; quản lý tốt các hoạt động dịch vụ trong bệnh viện, đặc biệt là dịch vụ xe cứu thương.
4. Lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội: Tổ chức rà soát, đánh giá cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo nghề, từ đó có giải pháp sắp xếp, bố trí lại theo quy hoạch đã được phê duyệt; tùy vào điều kiện thực tiễn, có thể thực hiện việc sắp xếp, bố trí sớm hơn lộ trình thời gian đã xác định trong quy hoạch và giải quyết cơ sở vật chất dôi dư, tránh lãng phí như hiện nay. Giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở dạy nghề, trên cơ sở đó tính toán giao dự toán ngân sách phù hợp để các đơn vị thực hiện (kể cả ngân sách cấp và học phí). Có giải pháp để gắn đào tạo với giới thiệu và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa ngành học và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; huy động mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong đào tạo nghề.
Tập trung rà soát, chỉ đạo xử lý hồ sơ tồn đọng; hồ sơ Huân chương, huy chương kháng chiến còn vướng mắc, bất cập (chưa có bằng, chỉ có Giấy chứng nhận của UBND); chế độ trợ cấp hàng tháng cho lực lượng thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Tiếp tục rà soát, đôn đốc thực hiện các nội dung theo kết luận của Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh về chính sách người có công.
Chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng quy định các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội; tăng cường công tác quản lý, tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế sau giám sát của Ban văn hóa- xã hội về thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp.
5. Lĩnh vực thông tin - truyền thông: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và internet; nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành trong các cơ quan quản lý nhà nước phục vụ cải cách, hiện đại hóa hành chính; triển khai ứng dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin; tổ chức thực hiện Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 24/9/2016 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm cải thiện chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
6. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc. Đề phòng các đối tượng cực đoan, phản động lợi dụng đức tin trong cộng đồng giáo dân, xúi dục tụ tập, biểu tình gây mất an ninh trật tự trên các địa bàn.
Trên đây là kết quả thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 (lĩnh vực văn hóa - xã hội) của Ủy ban nhân dân tỉnh”.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)