Phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh: Thẳng thắn, sôi nổi, đi đến tận cùng của vấn đề
EmailPrintAa
18:53 14/07/2017

Sau thảo luận tại Hội trường, Kỳ họp đã dành nửa buổi sáng và cả buổi chiều (14/7 ) dưới sự điều hành của các đồng chí: Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND; Võ Hồng Hải, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lãnh đạo các sở ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công an tỉnh, Thanh tra.
Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
 

Tại Kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã nhận 12 câu hỏi chất vấn của đại biểu. Tại phiên chất vấn đã có 4 nhóm vấn đề chính được chất vấn trực tiếp tại Hội trường, gồm: nông nghiệp, quy hoạch, các vấn đề tồn đọng và an ninh trật tự.

Đăng đàn chất vấn đầu tiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt trả lời về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới đối với việc tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm 3,4%, đặc biệt là giá lợn giảm sâu, lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên diện rộng; phát triển bền vững ngành chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho Nhân dân và bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Văn Việt, nguyên nhân tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm 3,4% là bởi thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm 2016 (giá lạc giảm 15,7%, giá thịt lợn hơi giảm trên 48%, giá thịt bò hơi giảm 10,6%, giá ngô giảm 11,2%,...). Các doanh nghiệp, người sản xuất giảm quy mô sản xuất. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất ngày càng rõ nét. Sự cố môi trường biển tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giảm mạnh…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Việt
 

Về nguyên nhân lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trên diện rộng trong vụ Xuân 2017 là do diễn biến thời tiết vụ Xuân 2017 vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 liên tục xuất hiện các đợt không khí lạnh kèm theo mưa kéo dài; giống lúa Thiên ưu 8 trổ bông tập trung vào thời điểm thời tiết thuận lợi cho nấm phát sinh gây hại nên đã gây ra tình trạng mất mùa như vừa qua... Giải pháp khắc phục là hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại; chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát tình hình đời sống của người dân bị ảnh hưởng do thiệt hại bệnh đạo ôn; kiên quyết không để người dân thiếu đói, nhất là các hộ nghèo, gia đình chính sách. Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo và hướng dẫn phòng trừ các đối tượng dịch hại kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối không để tái diễn dịch bệnh như vụ Xuân vừa qua; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định rõ khả năng xuất hiện chủng mới của nấm gây bệnh, phục vụ công tác nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý lâu dài; tổ chức rà soát, đánh giá các đề án, quy hoạch để cơ cấu giống hợp lý trong những vụ sản xuất tiếp theo, loại bỏ những giống nhiễm nặng sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy nâu; nâng cao năng lực, củng cố hệ thống cán bộ làm công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo từ tỉnh đến cơ sở...

Đại biểu Võ Hồng Hải, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
 

Đối với việc giá lợn giảm sâu, gây thiệt hại lớn đến đời sống Nhân dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng đây là do việc dự tính, dự báo thị trường còn hạn chế, định hướng quy hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi lợn chưa sát với thực tế nhu cầu thị trường; chăn nuôi không theo chuỗi liên kết, phát triển ồ ạt, tự phát, chưa gắn với thị trường; việc chế biến các sản phẩm nhất là thịt lợn còn hạn chế...

Đại biểu Trần Nhật Tân
Đại biểu Nguyễn Thị Nhuần
 

Trả lời về vấn đề hiện nay còn khá nhiều cơ sở chăn nuôi tập trung không nằm trong quy hoạch chăn nuôi, làm ảnh hưởng đến môi trường và quyền lợi của chủ cơ sở. Đồng thời cho biết giải pháp để phát triển bền vững ngành chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân và bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết toàn tỉnh có 491 vùng chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 5.958,1ha, có 313 cơ sở chăn nuôi, trong đó 258 cơ sở chăn nuôi nằm trong các vùng quy hoạch và  55 cơ sở nằm ngoài quy hoạch. Nguyên nhân là phần lớn các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hiện nay đều được xây dựng trước thời điểm UBND tỉnh ban hành quy hoạch lần đầu năm 2012 và trước khi điều chỉnh quy hoạch năm 2015; công tác quản lý, thực hiện quy hoạch tại các địa phương chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm chưa kiên quyết, thiếu kịp thời, nên việc chấp hành quy hoạch và các quy định về quy mô chăn nuôi, bảo vệ môi trường chưa nghiêm túc. Giải pháp thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch chăn nuôi, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm, đình chỉ sản xuất và buộc di dời đối với các sơ sở vi phạm hoặc không chấp hành việc khắc phục các tồn tại và nội dung theo cam kết về quy mô chăn nuôi và bảo vệ môi trường; vận động và tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch di dời đến các vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung của tỉnh để tổ chức sản xuất đảm bảo phát triển bền vững.

Về giải pháp để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, cần thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin để dự báo tình hình thị trường; rà soát, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi, dựa trên tiềm năng lợi thế của từng vùng, chăn nuôi gắn với thị trường; thu hút, kêu gọi các Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ mạnh các sản phẩm chăn nuôi hợp tác, liên doanh, liên kết để phát huy tối đa công suất Nhà máy giết mổ và chế biến súc sản Mitraco....

Chưa hài lòng với trả lời của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Nhuần đề nghị cho biết nguyên nhân của vụ mất mùa do giống Thiên ưu 8, trách nhiệm của công ty cung ứng giống? và giải pháp xử lý vấn đề này như thế nào? Tại sao không lựa chọn công ty cung ứng khác? Làm rõ vì sao giống Thiên ưu 8 đưa vào sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh lại bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng hơn các tỉnh khác? Đại biểu Trần Nhật Tân thì cho rằng trên bao bì có ghi rõ “đặc biệt kháng đạo ôn” nhưng thực tế vẫn diễn ra dịch bệnh trên diện rộng, đề nghị cho biết quan điểm xử lý của ngành? các Tổ chức xã hội và người tiêu dùng đã đủ điều kiện để khởi kiện bồi thường chưa? nếu có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thì có nên làm bây giờ không hay tiếp tục chờ?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hà
Đại biểu Đào Thị Anh Nga
 

Sau trả lời tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trần Nhật Tân chất vấn tiếp về: Nếu yêu cầu bồi thường, thì tỉnh sẽ làm chung cả tỉnh hay từng huyện? còn đại biểu Trần Quốc Hà đề nghị ngành cho biết đã có kế hoạch, tham mưu giải pháp để xử lý vụ việc này cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tổ chức thực hiện của các địa phương và trách nhiệm của các các nhân có liên quan. Đại biểu Đào Thị Anh Nga cho biết thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp xử lý trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, đề nghị đánh giá lại hiệu quả nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm chủ lực để người dân yên tâm sản xuất kinh doanh. Đại biểu Trần Viết Hậu  đề nghị cho biết vấn đề kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi như thế nào, giải pháp xử lý vi phạm trong sản xuất nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm? Việc chỉ đạo, khuyến cáo địa phương như thế nào về tình trạng sử dụng thuốc kích thích trong sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Đoàn Đình Anh đề nghị cho biết cơ chế vận hành hệ thống khi xảy ra dịch bệnh? việc liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, chính sách phát triển chăn nuôi của tỉnh

Đại biểu Lê Ngọc Huấn
Đại biểu Nguyễn Thị Nhi
 

Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thị Nhi băn khoăn đến kế hoạch, giải pháp để lấy lại niềm tin của ngưởi dân qua vụ việc mất mùa lúa thời gian qua? Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga đề nghị cho biết giải pháp cụ thể đối với 55 cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch. Đại biểu Lê Ngọc Huấn đề nghị cho biết công tác phối hợp với các sở ngành liên quan trong việc tạo thị trường tiêu thu sản phẩm nông sản và chăn nuôi cho người dân. Đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y đề nghị cho biết giải pháp khắc phục yếu tố chủ quan trong việc mất mùa lúa xuân và tham mưu, có kế hoạch để có những khuyến cáo đối với doanh nghiệp, người dân trong việc chăn nuôi, bên cạnh đó cần chú trọng đến yến tố đảm bảo môi trường để phát triển bền vững.

Kết thúc phần chất vấn đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng đây là lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng rộng đến người dân; đã có 15 lượt chất vấn của 11 vị đại biểu hội đồng với 29 câu hỏi chất vấn xung quanh vấn đề này. Đồng chí lưu ý ngành cần tiếp thu các ý kiến để có giải pháp đồng bộ trong thời gian tới nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế và đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp như mục tiêu đã đề ra.

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng nhận được các câu chất vấn về: Tình trạng “quy hoạch treo” hiện đang khá phổ biến ở các đô thị và khu, cụm công nghiệp, vừa gây lãng phí về đất đai, tài nguyên, vừa gây khó khăn cho nhân dân; việc cấp phép và quản lí quy hoạch trong xây dựng công trình giao thông và nhà ở còn nhiều bất cập; các chính sách để nâng cấp, phát triển các đô thị thuộc huyện...

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến
 

Thừa nhận tình trạng “quy hoạch treo” ở các đô thị và khu, cụm công nghiệp; việc cấp phép và quản lý quy hoạch trong xây dựng công trình giao thông và nhà ở còn nhiều bất cập, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến cho biết thêm: Đến nay, tất cả các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp đã có quy hoạch chung, một số cụm công nhiệp đã lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, cũng như tình trạng chung của cả nước, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tình trạng một số quy hoạch hoặc hạng mục quy hoạch chậm được thực hiện ở các đô thị và khu, cụm công nghiệp gây lãng phí về đất đai, tài nguyên và việc xây dựng của nhân dân.

Nguyên nhân là do quy hoạch là mang tính lâu dài; quy trình thực hiện quy hoạch cần nguồn lực rất lớn để đầu tư kết cấu hạ tầng, các khu chức năng đảm bảo cơ cấu sử dụng đất và các dự án đầu tư theo quy hoạch nhưng nguồn lực đầu tư thực hiện quy hoạch hiện đang rất khó khăn; các chủ đầu tư không đủ năng lực, lập dự án, lập quy hoạch để giữ đất, không triển khai hoặc chậm triển khai thực hiện dẫn đến tình trạng quy hoạch được phê duyệt từ lâu nhưng vẫn không thực hiện; khả năng dự báo một số đồ án quy hoạch chưa sát thực tế; công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án chậm.

Để khắc phục tình trạng trên, theo Giám đốc Sở Xây dựng cần huy động mọi nguồn lực để thực hiện quy hoạch; phải lập quy hoạch, cắm mốc quy hoạch để đảm bảo cơ cấu sử dụng đất hợp lý, kiến trúc cảnh quan đẹp, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo định hướng phát triển lâu dài, bền vững; định kỳ rà soát, xem xét, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; kiên quyết thu hồi các dự án, “quy hoạch treo” của các chủ đầu tư không đủ năng lực, không triển khai thực hiện, hoặc chậm triển khai thực hiện vừa gây lãng phí về đất đai, tài nguyên vừa gây khó khăn cho nhân dân; tăng cường đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án…

Đại biểu Trần Viết Hậu
Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng bổ sung trả lời chất vấn của các đại biểu
 

Đối với việc cấp phép và quản lý quy hoạch trong xây dựng công trình giao thông và nhà ở còn nhiều bất cập, theo ông Trần Xuân Tiến là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch, nhất là khu vực nông thôn; tình trạng “quy hoạch treo” vẫn còn phổ biến; chưa có quy định cụ thể đối với việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình trong khu vực quy hoạch (quy mô, tầng cao, kết cấu, thời hạn tồn tại…)

Về vấn đề định hướng và giải pháp để phát triển các đô thị thuộc huyện được nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn trong kỳ họp này, Giám đốc Sở Xây dựng trao đổi như sau: Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, cùng một lúc không thể cùng đầu tư cho tất cả các đô thị, vì như vậy sẽ dàn trải và không hiệu quả. Thay vào đó là tập trung đầu tư vào các đô thị trọng điểm, đô thị động lực (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh). Các đô thị này phát triển là động lực cho sự phát triển của các đô thị vệ tinh trong hệ thống chuỗi đô thị đã xác định trong quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh.

Đại biểu Đoàn Đình Anh
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga
 

Chưa hài lòng với phần trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Trần Báu Hà đề nghị cần trả lời cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề “quy hoạch treo” hiện nay. Đại biểu Nguyễn Quốc Hà đề nghị làm rõ quy hoạch được duyệt, đã được cắm mốc nhưng chưa rõ thời gian thực hiện dự án ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đến khi nhà nước thu hồi đất thì có được đền bù hay không? Đại biểu Đoàn Đình Anh đồng ý với việc bảo vệ quy hoạch nhưng cần bảo vệ quyền lợi của người dân; đánh giá rõ công tác quản lý quy hoạch thời gian qua, những tồn tại, nguyên nhân và giải pháp? Các tuyến đường sau khi nâng cấp thường cao hơn tuyến đường cũ làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm rõ trách nhiệm trong việc cấp phép xây dựng; khi phân quy hoạch chi tiết các khu đô thị để triển khai xây dựng, nhưng sau khi xây dựng việc đấu nối thoát nước giữa các khu đô thị không thực hiện được gây gập ứng cục bộ, vậy việc cấp phép và quản lý các khu đô thị này như thế nào, trách nhiệm của cơ quan cấp phép?

Đại biểu Nguyễn Huy Hùng
Đại biểu Bùi Nhân Sâm

Liên quan đến vấn đề này, các đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu và đại biểu Bùi Nhân Sâm đề nghị làm rõ giải pháp, chính sách đối với những hộ dân thuộc vùng ảnh hưởng bởi các dự án “treo”; đại biểu cũng cho rằng hiện nay tình trạng điều chỉnh quy hoạch không hợp lý, thiếu sự đồng thuận của người, đề nghị cho biết kế hoạch, giải pháp giải quyết; việc thực hiện rà soát quy hoạch tổng thể; số lượng dự án “treo” trên địa bàn và đến nay đã có bao nhiêu dự án “treo” đã được thu hồi; thực trạng và giải pháp xử lý việc các tuyến đường mới sau khi nâng cấp xây dựng cao hơn tuyến đường cũ gây ngập úng.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Võ Hồng Hải và đại biểu Trần Nhật Tân chất vấn thêm về việc phân bố nguồn lực đầu tư phát triển cho các đô thị loại IV; đề nghị làm rõ trách nhiệm của sở ngành về việc quy hoạch và tổ chức quy hoạch triển khai thực hiện mỏ sắt Thạch Khê.

Kết thúc phần chất vấn, với 16 câu hỏi chất vấn đối với Giám đốc Sở Xây dựng, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng phần trả lời chưa thỏa đáng, đề nghị giám đốc sở nghiêm túc tiếp thu, nắm đầy đủ thông tin, vấn đề để giải trình xác đáng. Riêng đối với dự án mỏ sắt Thạch Khê cần lưu ý đến việc không đánh đổi môi trường, nếu chưa đủ điều kiện để triển khai thì chưa thực hiện và hiện nay đang chờ ý kiến trả lời của Thủ tướng Chính phủ.

Giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Sao
 

Trả lời các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự (ANTT), Giám đốc Công an tỉnh, Lê Văn Sao cho rằng: trong thời gian gần đây trên địa bàn tình hình ANTT có những diến biến phức tạp; trên lĩnh vực trật tự an toàn xã hội đã xảy ra một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ thù tức cá nhân hoặc mâu thuẫn bột phát, ý thức chiếm đoạt tài sản, thể hiện tính chất côn đồ, manh động  gây bất bình và hoang mang trong dư luận Nhân dân. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành 03 phương án đảm bảo ANTT và phòng chống gây rối, biểu tình; tổ chức đối thoại, giải quyết những kiến nghị của nhân dân, đặc biệt là liên quan bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển; rà soát những khó khăn, vướng mắc trong chi trả tiền bồi thường thiệt hại sau sự cố môi trường; kịp thời kiến nghị Trung ương giải quyết cho người dân; củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng trọng điểm phức tạp về ANTT; đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phản bác các tư tưởng, luận điệu trái chiều, phản động của các thế lực thù địch và phần tử xấu...

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian tới Công an tỉnh sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh đối với số đối tượng phản động đến địa bàn, đối tượng lợi dụng kích động người dân gây rối ANTT; xây dựng và sẵn sàng chủ động thực hiện các phương án đảm bảo ANTT, ATGT, bảo vệ an toàn trụ sở cơ quan làm việc và các mục tiêu trọng điểm trên địa bàn toàn tỉnh; phương án đảm bảo ANTT, phòng chống tập trung đông người, biểu tình, gây rối ANTT trên địa bàn 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình. Tiếp tục nắm chắc địa bàn, diễn biến tâm tư nguyện vọng, hướng dẫn người dân trong thống kê bồi thường thiệt hại; chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã đẩy nhanh tiến độ kê khai đền bù gắn với chỉ đạo làm tốt công tác kê khai, thẩm định, chi trả bồi thường thiệt hại, phòng ngừa, xử lý kịp thời sai phạm, vi phạm trong kê khai. Đồng thời tiếp tục quan tâm củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đẩy mạnh công tác dân vận, nhất là trong đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo ANTT, thực hiện yêu cầu chính trị trong điều kiện, tình hình hiện nay. Chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường bố trí lực lượng bám địa bàn, nắm chắc tình hình, tổ chức phối hợp giữa các lực lượng nghiệp vụ tiến hành tuần tra vũ trang, kiểm soát khép kín địa bàn vào các giờ cao điểm không để xảy ra các vụ việc gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí, vũ khí thanh toán, giải quyết mâu thuẫn…

Sau phần trả lời của Giám đốc Lê Văn Sao, đại biểu Lê Thị Quỳnh Hoa, đại biểu Bùi Nhân Sâm băn khoăn việc tình hình ANTT xảy ra trên địa bàn thời gian qua, đề nghị làm rõ những hạn chế, yếu kém và trách nhiệm quản lý. Đại biểu Trần Hậu Tám đề nghị nói rõ trách nhiệm ngành công an trong việc giữ vững ANTT; việc xử lý các vụ việc vi phạm; vai trò của ngành trong tham mưu để xử lý các vụ việc ANTT, an toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu
Đại biểu Trần Hậu Tám
 

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu cho rằng hầu hết các vụ việc gây rối đều có sự chuẩn bị trước và tụ tập đông người, tại sao không phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu tránh các; việc nắm bắt, xử lý các vụ việc còn hạn chế, đề nghị làm rõ những yếu kém ở cấp nào? Công tác theo dõi, chủ động đấu tranh đối với nhưng đối tượng vi phạm; việc xử lý và giải pháp. Đại biểu Nguyễn Thị Nhi bày tỏ sự lo lắng về tình trạng bắt cóc diễn ra trên địa bàn, đề nghị cho biết định hướng của ngành đối với vấn đề này và thời gian qua đã phát hiện được bao nhiêu trường hợp bắt cóc trẻ em. Đại biểu Trần Viết Hậu cho rằng thời gian qua có nhiều vụ việc vi phạm an ninh trật tự, nhiều vụ việc xảy ra phức tạp “vượt qua giới hạn đỏ”, vậy ngành đã sử dụng biện pháp gì để trấn áp tội phạm.

Kết thúc vấn đề này, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị Công an tỉnh tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chất vấn, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, trong đó, cần chủ động nắm tình hình, ngăn chặn, đẩy lùi các vụ việc vi phạm. 

Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc
 

Sau trả lời của Giám đốc Công an tỉnh, phiên chất vấn tiếp tục với phần chất vấn của ông Võ Văn Phúc, Chánh thanh tra Thanh tra tỉnh về việc làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới đối với việc giải quyết một số vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Theo ông Võ Văn Phúc, đối với 9 vụ việc tồn đọng theo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh, gồm: Việc rà soát các chính sách đã ban hành để xây dựng chính sách chung về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao áp dụng trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách cho Trường Đại học Hà Tĩnh hiện nay Sở Nội vụ đang tham mưu xây dựng Đề án chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao áp dụng trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2017. Về xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của các địa phương hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo thực hiện, đến nay mới có 07 địa phương hoàn thành và phê duyệt đề án; còn lại 06/13 huyện, thành phố chưa hoàn thành phê duyệt Đề án. Đối với tình hình hoạt động của các nhà máy xử lý rác thải tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh hiện nay còn vướng mắc về việc cấp phép xả thải cho Nhà máy và việc di dời các hộ dân xung quanh nhà máy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu giải quyết những vướng mắc để xem xét về đề xuất điều chỉnh quy mô dự án của Công ty. Về việc bổ sung đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ sét tại xã Hồng Lộc huyện Lộc Hà, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung điều tra, khảo sát và đánh giá sơ bộ về trữ lượng khoáng sản; xác định giá khởi điểm để trình UBND tỉnh phê duyệt; xác định tiền đặt trước, bước giá, quy chế đấu giá... để trình Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản xem xét, quyết định. Việc giải quyết tồn đọng 55 trường hợp được giao, cấp đất trái thẩm quyền, vi phạm chỉ giới quy hoạch tại khu vực đầu cầu Bến Thủy thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Thanh tra tỉnh đang chủ trì tổng hợp, tham mưu các phương án trên cơ sở đề xuất của các ngành, địa phương. Về việc xử lý tồn đọng giá đất tái định cư cho 604 hộ dân trên địa bàn thị xã Kỳ Anh hiện nay, các sở, ngành, địa phương đang tổ chức triển khai thực hiện theo thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh tại Văn bản số 146/HĐND ngày 15/5/2017 về áp dụng giá đất để thu tiền sử dụng đất của 604 hộ tại thị xã Kỳ Anh...

Đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
Đại biểu Trần Báu Hà
 

Chánh Thanh tra tỉnh Võ Văn Phúc thông tin thêm về kết quả xử lý các vụ việc tồn đọng theo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh gồm: 5 Nghị quyết chưa thực hiện trong năm 2017; kết quả, giải pháp tiếp tục triển khai Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh “về phê duyệt Đề án Phát triển Giáo dục và Đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Kết quả thực hiện các nội dung do Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh giao có thời hạn nhưng đến nay chưa hoàn thành gồm Đề án về khai thác tiềm năng, lợi thế rừng và đất rừng; kinh tế vùng đồi rừng; biển, ven biển để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đề án đẩy mạnh phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh theo hướng bền vững, hiện đại.

Ngoài ra, Chánh Thanh tra tỉnh cũng đã thông tin thêm về kết quả xử lý đối với 46 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo báo cáo số 122/BC-ĐGS ngày 06/12/2016 của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh; các tồn đọng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh…

Ngày mai (15/7), kỳ họp sẽ nghe đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm; nghe đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn và tiến hành phiên bế mạc.


    Ý kiến bạn đọc