Tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp
EmailPrintAa
11:22 06/12/2023

Tại kỳ họp thứ 17, sau khi xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Tư pháp trình tại Kỳ họp; kết hợp thông tin qua hoạt động giám sát, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu năm 2024

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần trình bày báo cáo thẩm tra về lĩnh vực pháp chế

Bên cạnh đó, qua thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị cần quan tâm thêm về một số vấn đề sau:

Công tác đấu tranh, phòng chống và xử lý tội phạm: Năm 2023, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được phát hiện, xử lý giảm so với cùng kỳ năm 2022. Phát hiện, xử lý một số tội phạm mới trên địa bàn, như: tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin, mạng máy tính, mạng viễn thông. Tội phạm về ma túy tuy giảm về số vụ, nhưng các lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng đặc biệt lớn.

Việc bắt, điều tra, xử lý tội phạm đảm bảo đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. Đã điều tra khám phá 397 vụ, 808 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 91%), trong đó án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ 93,8%. Điều tra khám phá nhanh nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được  dư luận nhân dân đánh giá cao. Các vụ án đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra đều có căn cứ, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế, đó là: Cơ quan Điều tra hủy bỏ 01 vụ án; khởi tố 16 vụ 13 bị can; thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố 9 vụ 14 bị can theo yêu cầu của Viện Kiểm sát. Ngoài ra, còn một số thiếu sót, vi phạm, như: chậm chuyển biên bản, tài liệu kiểm tra, xác minh tin báo, tài liệu điều tra; chậm gửi thông báo về việc tiếp nhận tin báo, quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá, kết luận giám định, định giá tài sản cho Viện Kiểm sát nhân dân. Công tác định giá tài sản trong tố tụng hình sự còn gặp khó khăn, vướng mắc…

Công tác kiểm sát và thực hành quyền công tố : Trong năm 2023, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp từ giai đoạn xử lý tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cơ bản đạt kết quả tốt. Chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục chuyển biến tích cực. Nhiều chỉ tiêu công tác vượt so với yêu cầu của Quốc hội, của Ngành, như: 100% quyết định truy tố đúng thời hạn (vượt 10%), đúng tội danh (vượt 5%); tỷ lệ giải quyết án trong giai đoạn truy tố đạt 99,7% (vượt 4,7%); tỷ lệ xác định án trọng điểm đạt 13,3% (vượt 8,3% so với yêu cầu); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hình sự được Tòa án chấp nhận 7 /7 vụ đã xét xử (vượt 30%)…

Về kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm tại Công an cấp xã; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 1.060 vụ 1.923 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết: 899 vụ 1.586 bị can, trong đó, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố: 804 vụ 1.547 bị can. VKSND hai cấp đã giải quyết 803 vụ 1.534 bị can trên tổng số 805 vụ 1.553 bị can thụ lý, đạt tỷ lệ 99,7%, trong đó, quyết định truy tố 802 vụ 1.533 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 892 vụ 1.789 bị cáo sơ thẩm và 197 vụ 306 bị cáo phúc thẩm.

Về kiểm sát hoạt động tư pháp khác, chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp khác, các nhiệm vụ xây dựng ngành và nhiệm vụ liên quan khác thuộc trách nhiệm của ngành được tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp. VKSND hai cấp đã kịp thời phát hiện các vi phạm phát sinh và thực hiện các quyền kiến nghị, kháng nghị để khắc phục, phòng ngừa vi phạm. Chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng công tác.

Tuy vậy, trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp còn một số hạn chế, đó là: Tiến độ giải quyết một số vụ, việc còn chậm; có 5 vụ án Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung, trong đó có 2 vụ có trách nhiệm của Viện kiểm sát, chiếm tỷ lệ 0,22%.

Công tác xét xử và thi hành án hình sự : Năm 2023 toàn ngành thụ lý 4.201 vụ, việc các loại, giải quyết 3.597 vụ, việc, đạt tỷ lệ 89,5%; tăng 297 vụ, việc (7,9%) so với năm 2022. Chất lượng xét xử được nâng lên, không xử oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; các bản án đã tuyên thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, có tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

Toà án đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan Công an và các cơ quan liên quan tổ chức xét xử trực tuyến 150 vụ án hình sự. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa.

Tổ chức xét xử 29 phiên tòa lưu động, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân; đối với án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, trong quá trình giải quyết Tòa án luôn coi trọng công tác hòa giải và nguyên tắc tự thỏa thuận giữa các bên, trên cơ sở quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.

Tuy vậy, công tác xét xử và thi hành án hình sự vẫn còn một số hạn chế: Tỷ lệ hủy, sửa các loại án do nguyên nhân chủ quan chiếm 0,58% (hủy 10 vụ, sửa 11 vụ). Một số Hội thẩm đương chức có người chưa bố trí đủ thời gian tham gia xét xử và tham gia tập huấn. Việc thẩm định, định giá tài sản còn gặp nhiều khó khăn khi Tòa án trưng cầu các cơ quan chuyên môn để thành lập Hội đồng định giá trong tố tụng dân sự…

Công tác thi hành án dân: Số việc chuyển kỳ sau giải quyết tương đối nhiều, tăng so với năm 2022 (có 974 việc tương ứng với số tiền trên 358,3 tỷ đồng, tăng 32 việc so với năm 2022), trong đó số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 393 việc, tương ứng với số tiền trên 69,7 tỷ đồng. Vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm về trình tự, thủ tục thi hành án như: chậm ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng; chậm xác minh điều kiện thi hành án; quyết định thi hành án dân sự phản ánh không chính xác nội dung phải thi hành án; phân loại việc chưa có điều kiện thi hành án không chính xác…

Trên cơ sở nhận định, đánh giá một số nội dung trọng tâm, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan tư pháp thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương thường xuyên bám sát cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình; tập trung lực lượng để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội; tích cực đấu tranh, phòng ngừa, không để các loại tội phạm và tệ nạn xã hội tiếp tục gia tăng, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.

Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung rà soát để giải quyết gọn các KNTC trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách người có công và các tranh chấp khiếu kiện về đất đai; tiếp tục làm tốt công tác đối thoại với công dân.

Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tiếp tục kiểm soát và xử lý nghiêm phương tiện quá tải, ô nhiễm môi trường, quá hạn sử dụng, không đăng ký, đăng kiểm.

Chấn chỉnh công tác tham mưu điều hành, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên, môi trường, chính sách xã hội. Đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới phương thức điều hành, quản lý; kiện toàn bộ máy chính quyền và tổ chức tự quản ở cơ sở; thực hiện triệt để cơ chế phân cấp, phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; mạnh dạn thực hiện xã hội hoá toàn diện một số lĩnh vực mang tính dịch vụ xã hội như công chứng, bán đấu giá tài sản v.v.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý chặt chẽ hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, hoạt động truyền thông, báo chí; tăng cường kỷ luật hành chính, kỷ cương xã hội; quản lý, theo dõi sát, đánh giá đúng cán bộ để sử dụng, đề bạt đúng năng lực, phẩm chất và trách nhiệm của công chức, viên chức.

Đề nghị các cơ quan Tư pháp theo chức năng nhiệm vụ của mình, tích cực đổi mới phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực nghiệp vụ và bản lĩnh, trách nhiệm của cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tiếp tục thực hiện cải cách Tư pháp theo nội dung Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, thực hiện nghiêm túc hoạt động tranh tụng tại phiên tòa và đảm bảo quyền tham gia của Luật sư trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Viện Kiểm sát các cấp tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Chú trọng công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động tư pháp.

Nâng cao chất lượng hoạt động xét xử các loại án; nắm bắt, xem xét tình hình, nhiệm vụ chính trị để xét xử đúng pháp luật, sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở địa phương; chú trọng hoạt động hoà giải và tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quá trình giải quyết án; hạn chế tối đa các sơ suất, sai phạm do lỗi của thẩm phán; tăng cường công tác giám đốc kiểm tra án, thường xuyên chỉ đạo hoạt động Toà án cấp huyện, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những sai phạm, sơ suất trong hoạt động chuyên môn.

Tập trung sự chỉ đạo, phối hợp lực lượng để tổ chức thi hành án dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài, kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình dây dưa, không chịu THA. Tiếp tục nâng cao và thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng (Quy chế số 1165/2021/QCLN/CTHADS-CA-TA-VKS ngày 15/7/2021) trong giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh liên quan đến thi hành án dân sự.

Ngoài ra, đề nghị các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ giám định, định giá tài sản, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc không để các vụ án tồn đọng, kéo dài do nguyên nhân này.

Xuân Hoa - Việt Dũng

    Ý kiến bạn đọc