Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc giao đất, cho thuê đất
EmailPrintAa
18:03 13/07/2017

(Trích báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016” do đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày tại kỳ họp thứ 4)

“…Bên cạnh việc đánh giá cao các kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường giai đoạn 2014-2016, Đoàn giám sát đã chỉ rõ những khó khăn, hạn chế và đề xuất những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai và môi trường thời gian tới.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai và môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016”
 

II. NHỮNG HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

1. Trên lĩnh vực đất đai

(1).Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm; chất lượng chưa cao, tính khả thi thấp; dự báo quy hoạch chưa sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch nhiều lần; Quản lý, thực hiện quy hoạch sau khi được xét duyệt chưa chặt chẽ; tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất sai với quy hoạch, kế hoạch vẫn còn xảy ra. Quy hoạch của một số ngành, lĩnh vực chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; một số quy hoạch còn ảnh hưởng đến di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

(2).Việc lập danh mục dự án thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất chưa đảm bảo quy trình, hồ sơ, thủ tục, chưa sát với thực tế, giữa 2 kỳ họp phát sinh phải bổ sung, tỷ lệ thực hiện đạt thấp; tình trạng quy hoạch treo, dự án treo còn nhiều. Thiếu các giải pháp có tính khả thi để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đạt thấp.

(3).Việc thẩm định năng lực tài chính chưa chặt chẽ; chưa triển khai ký quỹ đầu tư theo quy định; chưa tạo được nhiều quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn ít, phổ biến vẫn là giao đất, cho thuê đất theo hình thức chỉ định.

(4). Công tác giao đất, giao rừng còn chồng lấn giữa đất tổ chức với đất cá nhân, hộ gia đình; còn hiện tượng lợi dụng chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép.

(5).Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng; đất sau thu hồi giao địa phương quản lý sử dụng chưa hiệu quả. Chậm có phương án quản lý, sử dụng đất đai và tài sản trên đất sau thu hồi nhất là đất các nhà văn hóa thôn, cơ sở giáo dục sau sáp nhập, trụ sở sau khi chuyển địa điểm.

(6).Ngân sách của địa phương không đáp ứng kinh phí để chủ động thu hồi đất, bồi thường GPMB theo quy hoạch; chính sách về bồi thường, GPMB, đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho người có đất thu hồi chậm được tháo gỡ.

(7). Thời gian hoàn thiện hồ sơ thủ tục về đất đai trong các dự án chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn gây khó khăn cho nhà đầu tư. Chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định chưa được áp dụng đầy đủ, kịp thời, gây mất niềm tin, ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh.

(8). Qua kiểm tra, xem xét báo cáo và giám sát trực tiếp tại 167 tổ chức cho thấy nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích; không sử dụng hết diện tích đất tự ý cho các cá nhân, tổ chức khác thuê lại; để đất hoang hóa, chậm đầu tư; đầu tư kém hiệu quả; gây ô nhiễm môi trường; lấn chiếm đất trái phép ngoài phần diện tích đã được giao hoặc được thuê; chưa có thủ tục đất đai.

(9). Một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ nguồn lực tài chính từ đất là nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Công tác xác định và điều tra giá đất cụ thể còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giao đất cho các nhà đầu tư.

Nhiều khu đất khi thu hồi do vi phạm pháp luật chưa xử lý, thanh lý dứt điểm tài sản gắn liền với đất, nhất là những khu đất có giá trị thương mại lớn ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh. Tính đến ngày 23/6/2017, có 191 tổ chức còn nợ nghĩa vụ ngân sách với tổng số tiền 110.301 triệu đồng; 100% dự án chưa thực hiện ký quỹ theo quy định; Tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa mới chỉ đạt 29,3% kế hoạch.

2. Trong công tác bảo vệ môi trường:

(1). Hệ thống chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập; việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; nhận thức về BVMT chưa đầy đủ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Năng lực quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế; phân định trách nhiệm của các cấp, các ngành và đơn vị còn chồng chéo, thiếu cụ thể.

(2). Quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách, dự án phát triển của tỉnh và các địa phương chưa quan tâm đúng mức nội dung BVMT, còn chồng lấn, mâu thuẫn, chưa bám sát thực địa; quản lý, thực hiện nhìn chung còn thiếu chặt chẽ; tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở một số nơi nhưng chậm được khắc phục và có dấu hiệu gia tăng.

(3). Công tác lập, thẩm định, phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường chất lượng còn thấp, thiếu theo dõi giám sát, đánh giá. Còn xẩy ra tình trạng một số dự án được cấp phép triển khai thực hiện, đưa vào hoạt động trước khi xây dựng, phê duyệt hồ sơ BVMT. Tỷ lệ đơn vị xác nhận hoàn thành công trình BVMT theo nội dung được duyệt đạt thấp.

Nhiều đơn vị không thực hiện quan trắc định kỳ; thông số quan trắc chưa đầy đủ; sử dụng kết quả quan trắc chưa hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT chưa thường xuyên, hoạt động còn bị động, chủ yếu là giải quyết các vụ việc phát sinh. Xử lý vi phạm còn thiếu kịp thời, chế tài chưa nghiêm.

(4). Phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường ở tất cả các cấp chưa đảm bảo, thiếu chi tiết, chưa hướng dẫn cụ thể các nhiệm vụ chi, hiệu quả sử dụng chưa cao. Đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT chưa đồng bộ, còn dàn trải, tính kết nối chưa cao, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, khu dân cư nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề,…

(5). Đề án Quản lý chất thải rắn theo Nghị quyết HĐND tỉnh thực hiện còn chậm, kết quả hạn chế. Xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch BVMT đối với chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt. Nhiều địa phương chưa hoàn thành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, một số địa phương ban hành nhưng chưa triển khai thực hiện.

Công tác phân loại, lưu giữ, xử lý tại nguồn chưa được hướng dẫn, thực hiện còn hạn chế. Phương tiện, trang thiết bị thu gom, vận chuyển chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn thấp. Còn phổ biến tình trạng rác vứt bừa bãi, gây ô nhiễm, mất cảnh quan trên nhiều tuyến đường, bờ sông, các khu vực công cộng, điểm giáp ranh khu vực dân cư,...

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ xử lý chất thải nhìn chung còn lạc hậu, cơ bản vẫn là công nghệ chôn lấp chưa đảm bảo quy định, thiếu đồng bộ, vận hành hiệu quả thấp.

Mức thu, tổ chức thu, quản lý và sử dụng phí vệ sinh, giá dịch vụ còn bất cập. Cơ chế tài chính, chính sách chậm ban hành, nguồn lực thực hiện khó khăn. Hoạt động các đơn vị trong lĩnh vực môi trường gặp nhiều khó khăn.

(6). Quy hoạch phát triển chăn nuôi còn nhiều bất cập, chưa gắn với BVMT, còn chồng lấn lên quy hoạch rừng, quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn, chưa đảm bảo tiêu chí về khoảng cách tới khu dân cư, nguồn nước. Trong 313 cơ sở chăn nuôi tập trung có 55 cơ sở nằm ngoài quy hoạch; 14 cơ sở trong quy hoạch nhưng chưa làm thủ tục môi trường. Nhiều cơ sở chưa chú trọng đầu tư cho công tác BVMT, một số nội dung, công trình BVMT chưa thực hiện đúng hồ sơ BVMT được phê duyệt hoặc xác nhận. Chỉ có 01 cơ sở xác nhận hoàn thành công trình BVMT trong 68 cơ sở phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hầu hết cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ nằm trong khu dân cư, gần nhà ở và giếng nước, chưa có hồ sơ BVMT, chưa đầu tư đầy đủ các công trình xử lý chất thải, gây ô nhiễm nguồn nước và không khí ảnh hưởng môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Để tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, Đoàn đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy một số vấn đề liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, môi trường.

Đoàn kiến nghị HĐND tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Xây dựng trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Có cơ chế để khuyến khích, thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hệ thống quan trắc kỹ thuật môi trường.

2. Ban hành trình tự thủ tục thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo hướng rút ngắn thủ tục, quy định rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong giải quyết hồ sơ; về quản lý đất và tài sản trên đất sau thu hồi. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ môi trường. Quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô nông hộ. Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường, đất đai nhằm thống nhất quản lý, lưu trữ, liên kết dữ liệu.

3. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu; xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ đất của các Ban quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức. Xem xét thu hồi 45,7 ha đối với 29 tổ chức vi phạm pháp luật tại 9 địa phương; yêu cầu 68 tổ chức có cam kết tiến độ thực hiện dự án; rà soát hoàn thiện thủ tục đất đai đối với 169 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa đầy đủ thủ tục đất đai; có phương án xử lý đối với 09 tổ chức sử dụng đất chưa đúng mục đích; truy thu 110,3 tỷ đồng tiền thuê đất; 3,7 tỷ đồng tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa đã được nêu tại Báo cáo giám sát. Giải quyết dứt điểm đối với các khu đất đã có quyết định thu hồi nhưng chưa xử lý tài sản gắn liền với đất. Kiên quyết thu hồi các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ, có ảnh hưởng đến môi trường và an sinh xã hội.

5. Đánh giá hiệu quả kinh tế để đề xuất hướng giải quyết đối với các khu đất thí điểm thực hiện dự án nuôi cá bơn, cá mú. Rà soát, thu hồi phần diện tích không sử dụng của các tổ chức thực hiện dự án rau, củ, quả trên cát và có phương án xử lý phù hợp.

6. Soát xét việc đáp ứng các tiêu chí môi trường của các dự án trước khi tham mưu, chấp thuận chủ trương đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của các dự án, theo dõi đánh giá mức độ triển khai thực hiện của từng dự án sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt để kịp thời có các giải pháp khắc phục.

7. Hoàn thành, triển khai có hiệu quả Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương. Rà soát tổng thể, có tiến độ, giải pháp đối với từng khu xử lý chất thải rắn, kịp thời cải tạo khắc phục hoặc đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm. Đánh giá lại hiệu quả kinh tế, xã hội, các tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ của mô hình lò đốt rác hiện nay trên địa bàn để có các giải pháp phù hợp.

8. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi, chuyển dịch chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư sang chăn nuôi tập trung, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm. Xây dựng lộ trình, cơ chế hỗ trợ để đóng cửa các cơ sở không đúng quy hoạch và không đáp ứng tiêu chí môi trường. Kiểm tra, rà soát và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ bảo vệ môi trường đối với các đơn vị chưa làm thủ tục hoặc phải bổ sung, điều chỉnh hồ sơ…”


    Ý kiến bạn đọc