|
Đồng chí Đoàn Đình Anh - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh báo cáo tại kỳ họp thứ 8 về thẩm tra của Ban trên lĩnh vực Văn hóa xã hội. |
“…Về đánh giá kết quả lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2018
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban văn hóa - xã hội thống nhất với các nội dung tồn tại, hạn chế như đánh giá trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và nêu thêm một số vấn đề sau:
Việc triển khai thực hiện các kiến nghị cử tri, kiến nghị sau giám sát liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội còn chậm. Một số chính sách đã được bố trí ngân sách nhưng thực hiện chưa hiệu quả như chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách đào tạo nghề dưới 3 tháng, chính sách hỗ trợ bác sỹ luân phiên từ tuyến huyện xuống tuyến xã, chính sách mời chuyên gia về chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện… một số chính sách giải ngân chậm như chính sách phát triển du lịch.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch ở một số mặt chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách; công tác kiểm tra chưa thường xuyên nên chưa kịp thời điều chỉnh những bất cập phát sinh trong thực tiễn; quản lý kinh doanh các dịch vụ văn hóa, nhất là vấn đề quy hoạch và cấp phép kinh doanh Karaoke, internet còn thiếu chặt chẽ, chưa đúng quy định; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; lĩnh vực du lịch tuy có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu…
Công tác đổi mới quản lý giáo dục tuy có cố gắng song vẫn chưa phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị trường học. Một số địa phương phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các trường học chưa đảm bảo tỉ lệ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, tính công khai, minh bạch nguồn chi sự nghiệp giáo dục chưa đảm bảo. Việc tham mưu của ngành giáo dục về tổ chức vận động đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất trong các trường học còn lúng túng, chậm ban hành hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Vấn đề nước sạch và công trình vệ sinh cho học sinh, giáo viên chưa được quan tâm đúng mức. Việc xử lý cơ sở vật chất dôi dư sau sáp nhập trường còn chậm, gây lãng phí và tạo tâm lý không tốt trong dư luận nhân dân.
Chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện chưa đồng đều, năng lực chuyên môn tại một số bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã còn hạn chế. Đội ngũ bác sỹ còn thiếu, đặc biệt là cán bộ có trình độ sau đại học, cán bộ có chuyên môn sâu ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và phát triển các kỹ thuật mới tại các bệnh viện; một số chính sách theo Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND chậm đi vào cuộc sống như: chính sách luân phiên bác sỹ từ tuyến huyện xuống tuyến xã; chính sách mời chuyên gia về đào tạo và chuyển giao kỷ thuật và chính sách hỗ trợ vay vốn của các tổ chức tín dụng. Công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết của một số bệnh viện chưa được chú trọng nhưng chậm có giải pháp khắc phục. Thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, dẫn đến tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, trái tuyến còn nhiều. Mối quan hệ giữa Bảo hiểm xã hội và Y tế còn bất cập, chậm quyết toán các chế độ liên quan đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, dẫn đến tình trạng các đơn vị gặp khó khăn trong nguồn chi trả các hoạt động chi thường xuyên, đặc biệt là chi phí tiền lương, chi phí thuốc, hóa chất, vật tư. Thực hiện đấu thấu tập trung trong mua sắm trang thiết bị y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến việc các bệnh viện thiếu chủ động trong việc bổ sung các trang thiết bị khám chữa bệnh, nhất là các thiết bị thiết yếu đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Công tác quản lý an toàn thực phẩm, quản lý hành nghề y dược ngoài công lập, nhất là vấn đề quản lý giá bán thuốc chữa bệnh còn hạn chế, các cửa hàng, quầy thuốc chưa chấp hành nghiêm việc bán thuốc theo đơn.
Tỷ lệ lao động vi phạm hợp đồng, cư trú, làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài vẫn còn cao so với cả nước nhưng chưa có giải pháp để giải quyết một cách dứt điểm. Cơ sở vật chất các cơ sở trợ giúp xã hội xuống cấp, quy mô hạn chế, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng chưa đáp ứng yêu cầu; các dịch vụ công tác xã hội chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao. Quản lý nhà nước về trẻ em còn hạn chế; nhận thức của gia đình, cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa đầy đủ; tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích còn xảy ra ở nhiều nơi…
Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019
Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu; đồng thời, đề nghị quan tâm thêm một số nội dung như sau:
Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh các dịch vụ văn hóa, nhất là hoạt động kinh doanh internet, karaoke. Ban hành Đề án: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”. Hướng dẫn các địa phương triển khai Quyết định số 22/2018/QĐ - TTg ngày 18/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng thực hiện hương ước, quy ước. Có giải pháp về quy hoạch các thiết chế thể dục, thể thao; tổ chức tốt các hoạt động nhằm khai thác hiệu quả các thiết chế thể thao cơ sở, tránh xuống cấp, lãng phí. Xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo thành lập Câu lạc bộ bóng đá Hà Tĩnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về gia đình, có các giải pháp về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, xã hội.
Tiến hành kiểm tra, rà soát việc phân bổ ngân sách sự nghiệp giáo dục cho các trường học. Tại kỳ họp lần này UBND tỉnh chưa trình Nghị quyết về điều chỉnh mức thu học phí mà quyết định sẽ cân đối để tăng ngân sách cho giáo dục, do vậy, đề nghị tăng mức chi thường xuyên hoạt động sự nghiệp giáo dục lên 20%. Có hướng dẫn cụ thể về vấn đề huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh trên nguyên tắc đảm bảo phát huy dân chủ, không áp đặt và tuân thủ các quy định của Nhà nước. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó cần tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nướcnâng cao nhận thức, ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân dân viên các trường học và nhân dân, không gây xáo trộn tình hình ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách trên lĩnh vực y tế, nhất là việc thực hiện Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 412/KH-UBND ngày 03/9/2015 của UBND tỉnh hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 144/2015/NQ-HĐND, đánh giá một cách khách quan những kết quả đạt được, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân trong việc chưa triển khai thực hiện một số chính sách đã ban hành. Chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 94/2018/NQ-HĐND quy định một số chính sách thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngành Y tế Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; quyết định phương án cụ thể về vấn đề sáp nhập và phân cấp công tác quản lý các trung tâm y tế sau khi sáp nhập. Thực hiện việc tiếp nhận, sắp xếp nhiệm vụ y tế học đường một cách hợp lý.
Rà soát, nghiên cứu giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ dạy nghề, việc làm, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, người dân các vùng đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo thực hiện đề án sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Nghiên cứu ban hành chính sách về hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó cần đưa ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay.
Cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng. Trước mắt, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh rà soát quy hoạch, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung để có chính sách hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, bộ máy vận hành, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)