|
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2018 trên địa bàn tỉnh |
Qua giám sát cho thấy, sau gần 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2018), diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng - xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện; nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Khi toàn tỉnh bắt đầu thực hiện chương trình (cuối năm 2010), toàn tỉnh bình quân chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã và có đến 181 xã dưới 5 tiêu chí, không có xã trên 10 tiêu chí, thì đến 30/6/2018 đã có 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 53,94% số xã toàn tỉnh và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 16,1 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Dự kiến hết năm 2018 có 153 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66,8% tổng số xã, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đề ra; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới trước thời hạn.
Nếu so với một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tại Quyết định 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì dự kiến đến cuối năm 2018, Hà Tĩnh vượt chỉ tiêu về tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới (66,8%/50%) và gần đạt tiêu chí bình quân/xã (16,5/16,9 tiêu chí). Đặc biệt, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong cả nước bổ sung tiêu chí thứ 20 về xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, được cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình, tham gia xây dựng tích cực; tạo sự đồng thuận trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân; được Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; nhiều địa phương, đơn vị trong nước đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Ghi nhận những nỗ lực trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Hà Tĩnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương lao động hạng Nhất. Có thể nói những kết quả đạt được đã tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh những năm tiếp theo.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như sau: Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương có thời điểm thiếu quyết liệt; việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở thực hiện chưa thường xuyên. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương, cơ sở chưa cao; một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, vận động tại một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; chưa khơi dậy được vai trò chủ thể của người dân; một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ, dựa vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.
Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều giữa các xã có điều kiện tương đồng; chưa quan tâm nhiều đến nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và xã có số tiêu chí đạt chuẩn thấp. Một số xã đạt chuẩn nông thôn mới thiếu tính bền vững, nhất là nhóm xã đạt chuẩn giai đoạn đầu. Việc lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng đề án, tái cơ cấu phát triển sản xuất ở một số địa phương chất lượng chưa đảm bảo, thiếu tính đồng bộ; chưa nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy hoạch đã phê duyệt.
|
Một số địa phương đang chú trọng nhiều đến xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa tập trung cao việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện môi trường. Việc thực hiện một số tiêu chí về hạ tầng còn gặp khó khăn, như: Giải phóng hành lang để mở rộng nền đường các tuyến đường giao thông nông thôn theo quy định mới; nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa nước bị xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo an toàn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ xi măng đạt thấp; giải phóng mặt bằng thi công công trình điện; thu hút đầu tư xây dựng chợ ở khu vực miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa; xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung... gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi trong xây dựng, chỉnh trang hạ tầng chưa gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị, cảnh quan nông thôn truyền thống.
Số lượng mô hình sản xuất, tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác theo thống kê nhiều, tuy nhiên, số lượng mô hình, hợp tác xã, tổ hợp tác ngừng hoạt động còn khá lớn kể cả các mô hình đã hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Mô hình sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ, hoạt động thiếu bền vững; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp; thiếu mô hình sản xuất hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị hoặc liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp; tích tụ, tập trung ruộng đất còn khó khăn, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; ứng dụng cơ giới hóa, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều. Phát triển sản xuất, mô hình kinh tế ở một số vùng ven biển, đồi núi chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Việc xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu ở một số địa phương còn hạn chế: Xây dựng khung kế hoạch thực hiện có nội dung còn thiếu cụ thể, lập phương án, dự toán chưa sát với thực tế, chưa có giải pháp cụ thể để thực hiện; còn thiếu chủ động, sáng tạo, chưa tạo động lực cho người dân và cộng đồng thực hiện; hiệu quả kinh tế vườn, vườn mẫu còn thấp...
Qua giám sát, Đoàn kiến nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu quy định thời gian thực hiện Chương trình dài hơn để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về hệ thống văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp đảm bảo chuyên trách, chuyên nghiệp. Cần nghiên cứu, có mô hình thử nghiệm đột phá về cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, như hỗ trợ theo kết quả đầu ra và đơn giản hóa thủ tục hành chính, vì nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình chỉ mang tính hỗ trợ, ở cấp xã, thôn phải xã hội hóa nguồn lực rất lớn từ cộng đồng, người dân và doanh nghiệp, trong khi đó hiện nay phải thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công các công trình đều phải được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt từ năm trước. Nghiên cứu quy định đưa nội dung xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (thôn, bản...), Vườn mẫu là một tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và có chính sách riêng thực hiện nội dung này.
Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn đề nghị: Tiếp tục tuyên truyền, phát động các phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra cơ sở, điều tra thực trạng ở từng xã để có giải pháp thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế, ngoài các tiêu chí chung, cần tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Chú trọng việc phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách về nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới để thực hiện cho giai đoạn tới. Có chính sách khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, tích tụ ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.
Rà soát, điều chỉnh lại Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới do tỉnh ban hành để thực hiện từ năm 2019; đối với những tiêu chí bất khả kháng, không thể thực hiện được ở một số địa phương thì xem đây là tiêu chí phấn đấu; đối với tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu cần quy định theo hướng phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền. Tổ chức xây dựng Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu bám sát quy định của Trung ương, đồng thời phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh; xây dựng quy định khi đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã diện tích hẹp, dân cư đông, có điều kiện đặc thù đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Bổ sung các chính sách về công tác bảo vệ môi trường; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động thu gom, xử lý rác thải, xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống thu gom vận chuyển, xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải rắn công nghệ cao. Quan tâm chỉ đạo giải quyết các vấn đề về môi trường ở khu vực nông thôn; có giải pháp khuyến khích phân loại, tự xử lý rác thải trong từng hộ gia đình.
Ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cơ chế quản lý thực hiện đầu tư và giải ngân nguồn vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo quy định, đảm bảo minh bạch, thuận tiện. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh nâng cao chất lượng quy hoạch tại các xã, nhất là Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với sắp xếp, chỉnh trang lại khu dân cư; tăng cường công tác quản lý quy hoạch. Xây dựng kế hoạch để duy trì và nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo tiêu chuẩn mới.
Tiếp tục xây dựng và nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có giải pháp huy động nguồn lực để duy tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các xã, nhất là giao thông, thủy lợi; thực hiện có hiệu quả cơ chế trao quyền cho người dân và cộng đồng trong xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế cơ sở; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao năng lực bộ máy, đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện Chương trình...
(Trích báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2018 của HĐND tỉnh)
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)