Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng điều hành phiên chất vấn |
Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp đăng đàn trả lời thực trạng giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân chậm thực hiện được cơ chế tự chủ ở các trường mầm non, phổ thông; tình hình triển khai chương trình, sách giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh; tình trạng bạo lực học đường...
Mở đầu phần trả lời chất vấn, bà Đặng Thị Quỳnh Diệp đã nêu thực trạng thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh hiện nay. Theo đó, trong 3 năm (2020-2022), toàn tỉnh thiếu 2.883 giáo viên, đã tuyển được 1.750 giáo viên, hợp đồng 996 giáo viên.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp tiếp tục phần trả lời chất vấn |
Để giải quyết thực trạng này, UBND tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Giao Sở GD&ĐT, UBND các địa phương thực hiện điều động theo thẩm quyền đối với giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, đáp ứng yêu cầu theo cơ cấu bộ môn; xác định số giáo viên dôi dư, đánh giá chất lượng giáo viên không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ để thực hiện điều chuyển giữa các cấp học và tinh giản biên chế; đề xuất Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét bổ sung đảm bảo chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, tiểu học; hàng năm phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên đảm bảo bổ sung giáo viên còn thiếu theo yêu cầu; nghiên cứu thực hiện thí điểm xây dựng trường tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch biên chế hằng năm…
Người đứng đầu ngành GD&ĐT cũng giải trình nguyên nhân chậm thực hiện được cơ chế tự chủ ở các trường mầm non, phổ thông. Hà Tĩnh đã xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ giáo dục mầm non và phổ thông, nhưng các trường mầm non và phổ thông chưa đủ điều kiện để tính mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật.
Từ đó, các giải pháp được đưa ra là tiếp tục thực hiện lộ trình tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục từ năm học 2022-2023 theo quy định của Chính phủ. UBND tỉnh trình quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 tại Kỳ họp 11, HĐND tỉnh. Nghiên cứu, xem xét đẩy nhanh lộ trình tính đủ chi phí đối với các trường THCS tuyển sinh trên địa bàn huyện và một số trường THPT ở vùng thành phố, thị xã, thị trấn; phấn đấu từ năm 2025, những đơn vị này tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên.
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đã làm rõ việc chưa xây dựng và phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường mầm non và phổ thông các cấp giai đoạn 2021-2025; giải trình, làm rõ những băn khoăn của đại biểu về tình hình triển khai Chương trình, sách giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, giải pháp trong thời gian tới.
Trước sự quan tâm của đông đảo đại biểu HĐND tỉnh về tình trạng bạo lực học đường gây hoang mang dư luận, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, để ngăn chặn tình trạng này không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, giải pháp được ngành GD&ĐT đưa ra là tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện... Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật cho học sinh; tăng cường giáo dục kỹ năng sống; phát huy vai trò tổ tư vấn tâm lý học đường, triển khai các biện pháp, kỹ thuật tư vấn tâm lý nhằm hỗ trợ khi học sinh phát sinh các tình huống ứng xử, mâu thuẫn trong môi trường học đường. Thường xuyên rà soát, theo dõi, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý tận gốc tình trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Về phía học sinh, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó. Các nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh.
Đối với gia đình, phụ huynh cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái, dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt kịp thời những thay đổi trong tâm sinh lý của học sinh để có phương án giải quyết...
Công an tỉnh tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT, các địa phương thực hiện quy chế phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự trong ngành giáo dục; phối hợp điều tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm pháp luật và bạo lực học đường trong học sinh.
Tiếp tục triển khai mô hình “phiên tòa giả định”, diễn đàn “xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” nhằm tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường... Tăng cường hơn nữa vai trò của gia đình và xã hội trong việc giáo dục, tố giác, ngăn chặn các nguy cơ gây ra bạo lực học đường.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân (tổ đại biểu huyện Can Lộc) |
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân (tổ đại biểu huyện Can Lộc) đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, ngành đã tham mưu như thế nào để thực hiện lộ trình đến năm học 2024-2025, các lớp tiểu học sẽ học 2 buổi trong điều kiện thiếu giáo viên?
Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp cho biết, việc học 2 buổi đối với học sinh tiểu học là quy định bắt buộc và sở cũng đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện. Tuy nhiên, lộ trình này phải có tính dài hơi, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Trước câu hỏi về giải quyết vấn đề tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Hà Tĩnh của đại biểu Nguyễn Thị Hà Tân, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết: Hiện toàn tỉnh có tất cả 64 trung tâm Anh ngữ, tạo điều kiện cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tiếp cận chương trình học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. Với Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, Sở GD&ĐT đã đình chỉ giấy phép trong thời gian 3 tháng để có thể khắc phục hậu quả cho phụ huynh, học sinh. Sau thời gian nói trên, nếu trung tâm không thể tiếp tục hoạt động thì Sở GD&ĐT sẽ rút giấy phép.
Liên quan đến nội dung đại biểu Nguyễn Thị Lệ Hà - tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh chất vấn về vai trò của ngành nhằm phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 29 trường mầm non, liên cấp ngoài công lập, 217 nhóm trẻ; các nhóm trẻ, trường ngoài công lập đã thu hút 10% trẻ dưới 3 tuổi đến trường. Thời gian qua, tỉnh đã cung cấp mặt bằng sạch để các trường xây dựng cơ sở vật chất; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngừng việc do COVID-19…
Trong quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt, ngành đã tham mưu phát triển 55 trường các cấp học dành cho khối ngoài công lập đề nghị các địa phương quan tâm hơn nội dung này. Ngoài ra, sở cũng tăng cường tập huấn bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên; tăng cường sinh hoạt chuyên môn liên cấp, liên trường… Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu giải pháp dài hạn hơn để khối ngoài công lập phát triển hơn.
Đại biểu Phạm Nghĩa (Tổ đại biểu Can Lộc) |
Đại biểu Phạm Nghĩa cho rằng, vấn đề thừa, thiếu giáo viên trở thành căn bệnh trầm kha, cho thấy dự báo về nhu cầu giáo viên còn thiếu khoa học. Để có chiến lược dài hạn cho lĩnh vực giáo dục, Giám đốc Sở GD&ĐT đã có những giải pháp căn cơ, khả thi nào để gắn đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn và đảm bảo chất lượng, số lượng giáo viên?
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, theo dự báo, từ nay đến năm 2026, số lượng học sinh có thể tăng từ 9.000-11.000 và sau 2026, mức sinh lại theo chiều hướng giảm. Do đó, ngành đã tính toán nhu cầu giáo viên tương ứng theo dự báo.
Hiện nay, điểm thi đầu vào của các trường đại học sư phạm tăng dần qua từng năm và ngành giáo dục đã có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng giáo viên gắn với chất lượng giáo viên. Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh có giải pháp đồng bộ để nâng chuẩn cho giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT, chủ tọa kỳ họp nêu lên thực trạng hiện nay nhiều trường tiểu học có quy mô quá 30 lớp học, điều này không phù hợp với quy định Bộ GD&ĐT. Vậy sở có giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này? Ngoài ra, vai trò của ngành như thế nào trong cung ứng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới?
Đại biểu tham dự kỳ họp |
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT thừa nhận: Quy định của Bộ GD&ĐT là quy mô 1 trường tiểu học không được quá 30 lớp, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 14 trường có quy mô trên 30 lớp, trong đó có 2 trường do sáp nhập đơn vị hành chính mà tăng, còn lại nguyên nhân tăng do tăng học sinh ở mỗi năm học. Sở xin nhìn nhận hạn chế do chưa chỉ đạo tốt việc phân luồng học sinh. Sau kỳ họp này, sở quyết tâm tham mưu, chỉ đạo các phòng GD&ĐT làm tốt hơn nội dung phân luồng học sinh. Dài hơi hơn, sở sẽ tham mưu, xem xét đề xuất thành lập các trường mới trong điều kiện cần thiết nhằm tăng chất lượng dạy học và giảm tải cho các trường.
Đối với vấn đề cung ứng sách giáo khoa, các trường, phòng GD&ĐT tổng hợp nhu cầu phụ huynh; sách được cung ứng qua 2 kênh đó là các đơn vị cung ứng đến tận nhà trường và bán tại các điểm mua bán sách thiết bị giáo dục của các huyện, tỉnh. Sở sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát cung ứng sách giáo khoa; công khai, minh bạch nội dung này, góp phần làm lành mạnh hơn các hoạt động giáo dục toàn diện ở các nhà trường.
Băn khoăn về bạo lực học đường diễn ra thời gian qua, đại biểu Đinh Thị Hồng Vân - tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT làm rõ hơn những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này, giải pháp nào là cốt lõi nhất?
Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Đối với vấn đề bạo lực học đường, quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cụ thể. Không có giải pháp nào là chính mà phải triển khai đồng bộ các giải pháp từ gia đình, nhà trường, xã hội. Với vai trò nhà trường, sở đã thường xuyên chỉ đạo các trường, giáo viên quan tâm, sát sao với học sinh để khi phát hiện các khúc mắc trong bản thân học sinh, giáo viên sẽ cùng phối hợp với gia đình để tháo gỡ cho các em.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)