Tư lệnh ngành Tài Chính Hà Tĩnh trả lời nhiều câu hỏi bức thiết
EmailPrintAa
09:18 17/07/2024

Bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp cuối cùng tại Kỳ họp thứ 20, chiều ngày 17 và sáng 18/7/2024. Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng cho biết, kỳ họp sẽ dành thời gian gần 1 ngày cho nội dung quan trọng này. Hiện tại, chủ tọa đã nhận được 30 câu hỏi trên 10 lĩnh vực được các đại biểu và cử tri tỉnh nhà gửi đến. Tại kỳ họp, chủ tọa chọn một số lĩnh vực mà đại biểu và cử tri quan tâm để chất vấn trực tiếp

Đồng chí Hoàng Trung Dũng đặt vấn đề đầu phiên chất vấn

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đồng chí được phân công trả lời các nội dung thẳng thắn, trách nhiệm, nêu rõ giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn phải rõ ý, ngắn gọn, trọng tâm.

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài Chính Trịnh Văn Ngọc đăng đàn trả lờ và làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm liên quan tới kết quả giải ngân một số chính sách theo nghị quyết HĐND tỉnh đang đạt thấp.

Tư lệnh ngành Tài chính cho biết, hiện có 36 chính sách đang được thực hiện (gồm các chính sách từ giai đoạn trước và trong nhiệm kỳ). Thời gian qua, Sở Tài chính cũng đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để tổ chức triển khai.

Tính đến tháng 7/2024, số tiền giải ngân 36 chính sách trên địa bàn là 855 tỷ đồng; đã giải ngân 440 tỷ đồng (đạt 51% kinh phí phân bổ); đạt khá so với cùng kỳ năm 2023.

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc

Giám đốc Sở Tài chính đã đề cập tới các chính sách hiệu quả, chính sách có kết quả giải ngân còn hạn chế, chính sách phát sinh ít hoặc chưa phát sinh… Từ đó, phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan.Trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài chính cho biết UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đôn đốc, phê bình, yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các cơ quan, đơn vị triển khai còn chậm; đặt ra “đường găng” thời hạn, giao trách nhiệm cho từng các sở, ngành. Đối với những vướng mắc trong quá trình thực hiện cần rà soát, báo cáo kịp thời để xem xét điều chỉnh, sửa đổi…

Trả lời câu hỏi của cử tri về việc giải quyết các trụ sở, tài sản công, nhất là tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho biết, đến thời điểm hiện nay, qua rà soát, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành xử lý trên địa bàn toàn tỉnh là 245 cơ sở; trong đó số cơ sở dôi dư thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước quản lý là 11; số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý là 234.

Về giải pháp trước thực trạng này, theo ông Trịnh Văn Ngọc, Sở Tài chính tham mưu thành lập tổ công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động, quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi do địa phương quản lý; rà soát để xây dựng phương án xử lý trình cấp thẩm quyền phê duyệt đối với các cơ sở chưa có phương án xử lý. Đối với các cơ sở nhà đất mà hình thức xử lý hiện nay không còn phù hợp thì đề xuất phương án xử lý phù hợp với nhu cầu, hiện trạng và các quy định hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn (tổ đại biểu huyện Vũ Quang) chất vấn

Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn – Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) đặt câu hỏi: Một số chính sách đã được ban hành nhưng hiệu quả chưa cao; các chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Đại biểu Tuấn băn khoăn, nên hay không để nhiều chính sách như hiện tại và tích hợp chính sách.

Đại biểu cũng cho rằng, phải có chính sách đủ mạnh, mang tính động lực cho KKT Vũng Áng và Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Với trách nhiệm của mình, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Nhiều chính sách đã được phân bổ nguồn lực để chủ động thực hiện nhưng tiến độ giải ngân còn chậm do vướng mắc về trình tự, thủ tục.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Tuấn về số lượng chính sách còn nhiều, cần rà soát lại, người đứng đầu ngành tài chính cho rằng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đơn vị đã rà soát 54 chính sách. Sau quá trình rà soát, còn 30 chính sách để thực hiện và tích hợp, điều chỉnh để phù hợp thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số mục tiêu phát sinh mới theo quy định của Trung ương.

Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, ngành sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, đảm bảo công tác rà soát hệ thống chính sách đạt hiệu quả. Đối với chính sách mang tính động lực cho KKT Vũng Áng và Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Ban Quản lý các KKT tỉnh đã tổ chức họp để bàn bạc, xem xét và hiện tại đang rà soát, hoàn thiện các nội dung trình UBND tỉnh.

Đại biểu Đặng Trần Phong (tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Trần Phong - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân về giải quyết các trụ sở của cơ quan Trung ương không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho hay: Hiện nay, ở Hà Tĩnh có 35 cơ sở cũ của bộ, ngành Trung ương, tới nay, đã giải quyết xong 15 cơ sở, còn 20 cơ sở chưa được xử lý. Theo quy định, nhà, đất thuộc cơ quan Trung ương phải được đơn vị trình bộ, cơ quan Trung ương chủ quản và Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp nhà đất; UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có trách nhiệm phối hợp và tham gia ý kiến theo đề nghị của các bộ, ngành. Do vậy, việc xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc nhóm này phụ thuộc phần lớn vào tiến độ phê duyệt phương án và xử lý của các cơ quan Trung ương. Điều này dẫn đến một số cơ sở nhà, đất, mặc dù địa phương đã đôn đốc, phối hợp và có văn bản có ý kiến kịp thời, tuy nhiên vẫn còn chậm trễ trong phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý.

Đối với nội dung cần có phương án ngắn hạn xử lý tạm thời các trụ sở dôi dư để đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, cảnh quan, Giám đốc Sở Tài chính nói rằng: Trên địa bàn có một số trụ sở cũ, như ở TP Hà Tĩnh, trong lúc chưa thể thu hút nhà đầu tư trong đấu giá, đấu thầu, chuyển giao cho địa phương quản lý. Trong quá trình chờ phương án xử lý, địa phương chịu trách nhiệm trong chỉnh trang, bảo vệ môi trường, đảm bảo ANTT.

Đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng nêu vấn đề: Có phải một trong những nguyên nhân giải ngân một số chính sách theo nghị quyết HĐND tỉnh chậm xuất phát từ việc nghị quyết HĐND tỉnh ban hành chưa sát thực tiễn? Vì sao khi tham mưu xây dựng nghị quyết có đủ thời gian lấy ý kiến đối tượng thụ hưởng, địa phương, các sở, ngành liên quan và được HĐND tỉnh bàn bạc kỹ lưỡng nhưng khi triển khai thực hiện lại có vướng mắc, khó tiếp cận?

Trả lời câu hỏi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho hay: Các nghị quyết HĐND tỉnh được ban hành đúng quy trình, quy định. Tại thời điểm triển khai thấy rất cần thiết, phù hợp với bối cảnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh, chưa lường trước được, dẫn tới quá trình triển khai có vướng mắc, hiệu quả chưa được như kỳ vọng, có thể do các đơn vị chưa mạnh dạn phân cấp, hoặc có một số thủ tục tại thời điểm ban hành là phù hợp nhưng khi triển khai lại vướng một số quy định.

Từ thực tiễn triển khai có bất cập, ý kiến của cơ sở, cử tri, các ngành đã tiếp thu và một số chính sách đã được điều chỉnh, sửa đổi về cả quy trình và mức hỗ trợ. Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục có rà soát, điều chỉnh một số chính sách phù hợp thực tế. Với một số chính sách vừa mới ban hành cuối năm 2023, thời hiệu chính sách mới được nửa năm, việc triển khai có phần chậm, tuy nhiên, giữa quý III và đầu quý IV năm 2024, những chính sách này sẽ được giải ngân đảm bảo phát huy hiệu quả.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ chất vấn tại kỳ họp

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ nêu câu hỏi: Có những chính sách thiết thực liên quan mật thiết đời sống người dân như Nghị quyết 97/2022/NQ-TTHĐND về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2025, nhưng chưa thể giải ngân. Trách nhiệm của Ủy viên UBND tỉnh đối với vấn đề này như thế nào?

Làm rõ những câu hỏi của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, đối với chính sách về bảo vệ môi trường, các đơn vị cấp huyện rà soát, tổng hợp; Sở TN&MT đóng vai trò là cơ quan thẩm định. Do đó, cần thời gian soát xét để nghiệm thu kết quả từ các địa phương. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách khó do điều kiện khách quan.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh đề nghị “tư lệnh” ngành Tài chính làm rõ hơn các giải pháp, hiến kế nhanh, đúng, đáp ứng mong mỏi của cử tri đối với xử lý tài sản dôi dư cấp địa phương quản lý.

Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Sở Tài chính nêu ra các văn bản pháp luật làm căn cứ đối với giải quyết các tài sản công. Theo đó, có Nghị định 152/2017/NĐ-CP về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công…Mặc dù tỉnh chỉ đạo rà soát căn cơ, Sở Tài chính đã tham mưu ban hành hướng dẫn liên quan nhưng các nghị định này chưa đầy đủ bộ thủ tục để thực hiện… Bên cạnh đó, việc xử lý đối với tài sản dôi dư liên quan đến nhiều quy định, quy trình khác như quy trình quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch phân khu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá đất và liên quan đến nhiều điều luật, vì vậy quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc.

Trước mắt, Sở Tài chính sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, rà soát bộ thủ tục, phối hợp các ngành liên quan lồng ghép quy định mới để từng bước tháo gỡ khó khăn; rà soát xây dựng phương án từng hồ sơ xử lý vướng mắc và có lộ trình hằng năm. Đồng thời, phát huy vai trò tổ công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Kết thúc phiên làm việc buổi chiều, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đặt câu hỏi cho các Ủy viên UBND tỉnh trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng cũng chia vui, biểu dương những kết quả của ngành GD&ĐT trong năm học 2023 - 2024, đặc biệt là kết quả điểm trung bình các môn tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2024 của học sinh Hà Tĩnh xếp thứ 7 cả nước (7.11 điểm), môn Hóa học xếp thứ 2 cả nước.

BBT

    Ý kiến bạn đọc