Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
15:19 09/08/2021

Câu hỏi 1: Đề nghị tỉnh có giải pháp sớm đưa vào sử dụng hệ thống hạ tầng, cơ sở do quá trình sáp nhập địa giới hành chính, tránh lãng phí, xuống cấp (trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, Nhà văn hóa… các xã cũ sau sáp nhập). Sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính mới, để kết nối các tuyến đường giao thông đảm bảo thuận lợi cho người dân trong một xã đi lại, giải quyết các thủ tục hành chính

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh; Kế hoạch số 429/KH-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các huyện, thành phố, thị xã gắn với việc thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và máy móc, thiết bị, tài sản khác tại trụ sở làm việc khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã (tại Công văn số 3158/STC-GCS ngày 26/8/2019). Trong đó: Đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, lập phương án xử lý đối với từng cơ sở nhà, đất; đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư phải lập phương án cụ thể để bố trí sử dụng hoặc đề xuất phương án để xử lý theo quy định.

Trong năm 2020, toàn bộ 4.884 cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện, cấp xã; trong đó: Có 1.074 cơ sở nhà, đất (Gồm: Trụ sở hành chính cấp xã, đài tưởng niệm xã, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, sân vận động xã, thôn, xóm; các trường học; trạm y tế) tại các xã sau sáp nhập (Các huyện: Cẩm Xuyên: 92 cơ sở; Can Lộc: 103 cơ sở; Đức Thọ: 236 cơ sở; Hương Khê: 33 cơ sở; Hương Sơn: 165 cơ sở; Kỳ Anh: 31 cơ sở; Lộc Hà: 46 cơ sở; Nghi Xuân: 54 cơ sở; Thạch Hà: 213 cơ sở; Vũ Quang: 36 cơ sở; Thành phố Hà Tĩnh: 28 cơ sở; Thị xã Kỳ Anh: 37 cơ sở) đã được UBND tỉnh phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, với hình thức xử lý được phê duyệt như sau:

(i) Giữ lại tiếp tục sử dụng: 899 cơ sở nhà, đất;

(ii) Điều chuyển, chuyển giao: 39 cơ sở nhà, đất;

(iii) Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất: 136 cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng (Gồm: 20 trụ sở hành chính xã; 99 nhà văn hóa xã, thôn, xóm, tổ dân phố; 12 trường học; 05 trạm y tế).

Sau khi hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt phương án (điều chỉnh) sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các huyện, thành phố, thị xã, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/7/2020 về đẩy mạnh triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 8257/UBND-XD ngày 07/12/2020 chỉ đạo các nội dung về phương án triển khai thực hiện bán đấu giá cơ sở nhà, đất; đồng thời chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn xác định giá khởi điểm và trả lời các kiến nghị, đề xuất của các địa phương về phương án xử lý cơ sở vật chất, trụ sở cũ các xã đã sáp nhập. Theo đó, trách nhiệm triển khai phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất sau khi được phê duyệt phương án trước hết thuộc UBND cấp xã (Đối với trụ sở hành chính cấp xã, nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố), các nhà trường (Đối với các trường học thực hiện sáp nhập) và các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất; đồng thời, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trực tiếp đôn đốc, soát xét hồ sơ của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định để gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xử lý theo phương án đã được phê duyệt.

Như vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, trả lời cụ thể để các địa phương thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt. Qua theo dõi, đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư do thực hiện sáp nhập xã, sáp nhập trường học, bước đầu một số địa phương đã đề nghị điều chuyển cho Công an tỉnh để bố trí làm trụ sở cho Công an xã, thị trấn (Sở Tài chính đã tổng hợp đề xuất điều chuyển 24 cơ sở nhà, đất dôi dư để bố trí làm trụ sở cho Công an xã, thị trấn tại Văn bản số 1216/STC-GCS ngày 09/4/2021; UBND tỉnh đã có Văn bản số 2291/UBND-XD ngày 16/4/2021 gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an đề nghị thực hiện điều chuyển), một số chuyển đổi công năng sử dụng và nhiều hình thức khác. Tuy nhiên, một số địa phương chưa quyết liệt, tập trung triển khai (Các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc chưa triển khai các nội dung của phương án đã phê duyệt), đặc biệt là UBND các huyện chưa có chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức trình phương án xử lý tài sản dôi dư tại địa phương, đơn vị mình, gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, việc thực hiện bán đấu giá theo phương án đã phê duyệt còn chậm triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8257/UBND-XD ngày 07/12/2020 và hướng dẫn của Sở Tài chính tại Văn bản số 4947/STC-GCS ngày 22/12/2020.

1.3. Giải pháp, hình thức thực hiện trong thời gian tới:

a. Về quan điểm xử lý:

- Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và các quy định liên quan; phù hợp với quy hoạch chung xây dựng các xã sau sáp nhập. Đối với việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ được tổ chức theo hình thức đấu giá.

- Yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng, xử lý các cơ sở nhà, đất theo phương án đã được phê duyệt; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

b. Một số giải pháp cụ thể:

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xem xét chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện xử lý đối với tài sản công là các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập xã, thôn, xóm, sáp nhập trường học, cụ thể như sau:

- Sở Tài chính thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo phương án đã phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định phương án (điều chỉnh) sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi có đề nghị của UBND các huyện, thành phố, thị xã; kịp thời tổng hợp, nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.

- Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ sở nhà, đất dôi dư, theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt (Bao gồm cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của UBND các huyện, thành phố, thị xã và cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh đóng trên địa bàn).

- Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã sau sáp nhập.

- UBND các huyện, thành phố, thị xã: Thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã sau khi sáp nhập theo quy định và hướng dẫn tại Văn bản số 7372/UBND-XD ngày 04/11/2020 của UBND tỉnh; rà soát, lập phương án sử dụng các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập. Trường hợp việc sử dụng phù hợp với phương án sắp xếp lại, xử lý đã được phê duyệt và quy hoạch chung xây dựng các xã sau sáp nhập thì tiếp tục triển khai theo phương án đã phê duyệt. Trường hợp không phù hợp, hoàn thiện hồ sơ đề nghị điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ, gửi Sở Tài chính để thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh phương án.

c. Hình thức xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư:

- Điều chuyển, chuyển giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thuộc huyện, thuộc tỉnh quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 10, 13 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Điều 21 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ. Ngoài ra, có thể xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính điều chuyển theo thẩm quyền cho các cơ quan Trung ương trên địa bàn quản lý, sử dụng nếu phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và tiêu chuẩn, định mức quy định (tiếp tục rà soát để điều chuyển bố trí làm trụ sở cho Công an xã, thị trấn theo Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn được phê duyệt tại Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 20/02/2020 của UBND tỉnh...);

- Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Điều 24, 25, 26, 27 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8257/UBND-XD ngày 07/12/2020;

- Chuyển đổi công năng sử dụng theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

- Kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/7/2020 của UBND tỉnh, trong đó tập trung xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập xã, sáp nhập trường học.

- Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản nhà, đất, tránh hư hỏng cho đến khi hoàn thành việc xử lý theo phương án đã phê duyệt.

BBT

    Ý kiến bạn đọc